Kinh tế tư nhân – động lực thúc đẩy tăng trưởng: Vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân
Trên tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách cũng như nhận diện và điều chỉnh những bất cập nảy sinh nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế tư nhân phát triển.
Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế tư nhân tại thành phố Đà Nẵng đã có được diện mạo rõ nét, hoạt động ngày càng sôi động ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề cũng như khẳng định được vai trò, vị trí và đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Phát triển nhanh về chất và lượng
Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ vài trăm DN, cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu trong các ngành sản xuất, chế biến truyền thống như ăn uống, bánh kẹo, cơ khí, dệt may, thủy sản… đến nay, đã hình thành nên cộng đồng DN lớn hàng đầu khu vực miền Trung. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong giai đoạn năm 2003-2017, số lượng DN của thành phố tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Theo đó, năm 2003, số lượng DN trên địa bàn thành phố là 1.472 DN với tổng vốn đăng ký 3.809 tỷ đồng; lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 29.000 DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Cơ cấu kinh tế chuyển dần từ công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp sang dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp.
Trong đó, tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng lên còn tỷ trọng kinh tế Nhà nước giảm dần; các loại hình DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thành phố. Giai đoạn 2003 – 2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm từ 27,1% lên 53,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 6,6% lên 11,3%; đóng góp ngày càng nhiều theo hướng bền vững vào tổng thu ngân sách Nhà nước với tỷ lệ 41,7%; giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động đang hoạt động trong các DN. Những điều này cho thấy việc phát triển của khối kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho rằng kinh tế tư nhân của thành phố có tốc độ phát triển nhanh chóng. Chủ DN ngày càng trẻ, có năng lực tốt, mô hình kinh doanh đa dạng với hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng của sản phẩm ngày càng cao… đáp ứng được nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của thành phố được quan tâm thúc đẩy đã góp phần tạo ra những thế hệ doanh nhân trẻ năng động, mạnh dạn và giàu ý tưởng kinh doanh.
Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang nhận định, Đà Nẵng là địa phương có số lượng DN lớn nhất trong khu vực miền Trung. Cơ cấu về ngành, nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư của kinh tế tư nhân có nhiều thay đổi tích cực như: xuất hiện nhiều ngành, nghề, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội ngày càng tăng cao, như ngân hàng, các ngành xây dựng, dịch vụ, du lịch… Một số ngành, nghề trước đây chỉ do kinh tế Nhà nước đảm nhận, thì nay kinh tế tư nhân đã tham gia vào và khẳng định được uy tín như công nghiệp cơ khí, ô-tô, sản xuất thép, xuất khẩu hàng hóa…
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chỉ rõ, những năm gần đây, kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp vào sự bứt phá, tạo nên diện mạo mới của ngành du lịch – dịch vụ tại Đà Nẵng. Sự có mặt của nhiều thương hiệu DN, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước… đã góp phần nâng tầm, chuyển giao công nghệ dịch vụ hiện đại đem đến sự chuyên nghiệp trong chất lượng ngành dịch vụ – du lịch của thành phố.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhìn nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của địa phương, quốc gia, trên tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, các cấp ủy Đảng, hệ thống chính quyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn đến mức tối đa các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư; áp dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến từ 3 ngày xuống còn 1 – 2 ngày; công khai minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu công nghiệp và các cụm tiểu thủ công nghiệp; các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố đến các DN…
Ngành thuế liên tục đẩy mạnh công tác hiện đại hóa các thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thờ gian, chi phí cho người kinh doanh. Tính đến tháng 8-2019, có trên 99,7% DN thực hiện khai thuế qua mạng và 100% đơn vị hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế điện tử được giải quyết đúng thời hạn.
Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp tạo tiền đề cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển như: sớm đầu tư xây dựng các khu công nghiệp để khuyến khích, giải quyết bài toán về mặt bằng; hình thành Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nhằm tạo công cụ cho chính quyền thành phố huy động nguồn vốn trong và ngoài địa phương để phục vụ cho đầu tư phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn… Ông Trương Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty VietGroup cho rằng, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời, đã tạo thuận lợi cho DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương trên cả nước rất tích cực, nhanh chóng triển khai các giải pháp, chương trình hỗ trợ các thành phần kinh tế tư nhân phát triển; đi đầu trong việc tổ chức các chương trình đối thoại, tọa đàm với quy mô lớn, qua đó lắng nghe, tiếp nhận những kiến nghị, vướng mắc của DN, nhà đầu tư. Chính sự đồng hành này của hệ thống chính quyền các cấp đã góp phần xây dựng nên một môi trường đầu tư hấp dẫn cho thành phố, nhờ đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần định hình rõ nét cũng như thúc đẩy nền kinh tế tư nhân hoạt động sôi động.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố nhìn nhận, trong quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân, thành phố xác định phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị (sản xuất, phân phối) các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của thành phố và của cả nước; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Nhà nước tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Khánh Hòa – Thu Hà – Mai Quế
Theo Đà Nẵng Online