Kiến thiết đô thị, tạo nên giá trị mới – Kỳ 2: Bất cập từ phát triển “nóng”
>> Kiến thiết đô thị, tạo nên giá trị mới – Kỳ 1: Dấu ấn “cách mạng đô thị”
Cú hích cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng được đánh dấu khi ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hàng loạt các khu vực đô thị được hình thành tạo ra làn sóng đô thị hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng còn những hệ lụy phát sinh cần được tháo gỡ.
Việc phát triển đô thị hơn 20 năm qua đã tạo nên một đô thị Đà Nẵng tươi mới, giàu sức sống, nét hiện đại từ những công trình. Sự phát triển quá nhanh và có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị mà theo KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng thành phố), đó là cấu trúc đô thị có phần bất ổn; đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng một tỷ lệ lớn về đất đai cho chức năng để ở.
So sánh tại thời điểm năm 1997, diện tích đô thị Đà Nẵng tăng gấp 4 lần nhưng tỷ lệ dân số chỉ tăng gấp đôi. Khu vực trung tâm thành phố có xu hướng ngày càng tăng mật độ cư trú và mật độ xây dựng; khu vực ven đô, quá trình đô thị hóa chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới, dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như những kết cấu xã hội truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn…
KTS Bùi Huy Trí nhìn nhận thêm: “Sự phát triển quá nhanh và có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đây được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt và nhà ga đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu đô thị mới”.
Theo KTS Hồ Phước Phương (Đại học Duy Tân) thì do đô thị Đà Nẵng phát triển quá nóng, quá nhanh và thậm chí… quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy. Đất ở chia lô quá nhiều, thậm chí theo công bố quỹ đất tái định cư ở thời điểm hiện tại dôi dư trên 23.000 lô. Thiếu kế hoạch kiểm soát quỹ đất đô thị dẫn đến việc chia nát, thiếu hạ tầng công trình công cộng ở khu dân cư. Hạ tầng giao thông đang quá tải cục bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm an toàn cấp nước, xử lý nước thải…
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng cho rằng, trên chặng đường đã qua, có những lúc Đà Nẵng tập trung các chỉ tiêu phát triển, tốc độ đô thị hóa cao nhất, nóng nhất cả nước, vì vậy việc tồn tại một số bất cập là khó tránh khỏi. Nếu đi sâu phân tích về công tác quy hoạch xây dựng đô thị, có thể thấy còn nhiều điểm hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là khả năng định hướng, dự báo trong quy hoạch đô thị bị hạn chế, từ đó đã tác động tiêu cực đến phát triển và khai thác đất đô thị…
Theo ông Tiến, có 6 vấn đề nổi cộm hiện nay Đà Nẵng đang phải đối mặt, đó là còn nhiều dự án “quy hoạch treo”, quy hoạch nông thôn và chuyển đổi đất nông nghiệp còn nhiều bất cập, những tác động tiêu cực từ quy hoạch và đánh giá tác động môi trường, quy hoạch đô thị và tổ chức giao thông đô thị còn nhiều điểm lệch pha, yếu tố tiện ích đô thị chưa được chú trọng và cuối cùng là quy hoạch và phát triển bền vững…
KS Nguyễn Văn Chung (Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật thành phố) cho rằng những bất cập và tồn tại của quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng thời gian qua mấu chốt được nhận diện do thiếu kiểm soát ở 5 khâu: kiểm soát quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500); kiểm soát phát triển dân số theo quy hoạch; kiểm soát sử dụng đất xây dựng đô thị; kiểm soát về không gian kiến trúc cảnh quan; kiểm soát về phát triển hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Kỹ sư Nguyễn Văn Chung chỉ ra những bất cập từ việc thiếu kiểm soát quy hoạch dẫn đến một số đồ án triển khai không tuân thủ theo đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thậm chí làm thay đổi chức năng, cấu trúc đô thị. Tốc độ đô thị hóa chưa đi liền với kiểm soát phát triển dân số khi mà quận trung tâm như Hải Châu đã vượt 16.000 người/km2 và Thanh Khê là 21.000 người/km2 so với chỉ tiêu tiêu chuẩn là 8.000 người/km2.
KTS Nguyễn Văn Chung cho biết quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan đến nhiều chuyên ngành nhưng chưa có sự tham gia của các chuyên gia của từng lĩnh vực đóng góp nghiên cứu trước khi quy hoạch. KS Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết hàng loạt các cây cầu bắc qua sông Hàn thiếu nghiên cứu hạ tầng kỹ thuật dùng chung mà lĩnh vực cấp nước là ví dụ. Cầu Tiên Sơn phải sử dụng tạm vệt lan can lối đi bộ để tải hạ tầng cấp nước.
Tuy nhiên, ở thời điểm này không thể khai thác mà buộc phải chuyển tải đường ống cấp nước băng qua sông Hàn với nhiều rủi ro trong vận hành khai thác khi đường ống nằm ở đáy sông trước thách thức cùng với lũ lụt hằng năm.
Tại cuộc làm việc với Thường trực Thành ủy ngày 11/9/2019, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết: “Hầu hết các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉ là những bản vẽ tổng mặt bằng sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Việc chưa có thiết kế đô thị của các đồ án từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, cho đến quy hoạch chi tiết dẫn đến việc thiếu cơ sở để quản lý và ban hành quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố”.
Ông Thái Ngọc Trung nói thêm, từ năm 2002 đến năm 2013 là quãng thời gian dài nhưng không kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung. Nhiều dự án mới hình thành làm thay đổi nội dung, định hướng phát triển đô thị so với quy hoạch chung năm 2002. Việc điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013 lại là quy hoạch cập nhật và hợp thức hóa các quy hoạch chi tiết đã thực hiện.
Chất lượng quy hoạch còn nhiều thiếu sót như cập nhật thiếu dự án, thành phần bản vẽ không bảo đảm quy định. Đồng thời chưa có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, tổ chức không gian và kiến trúc cảnh quan cho các phân khu chức năng, chưa có thiết kế đô thị. Quy hoạch chi tiết các khu tái định cư có chất lượng cảnh quan đô thị kém, lộ giới đường nhỏ; thiếu quỹ đất cho phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, công viên cây xanh…
Bài & ảnh: Triệu Tùng
Theo Đà Nẵng Online