Khu Hòa Bình – Đà Lạt: Lẽ nào chỉ còn trong ký ức?
Dấu ấn người Việt
Người Pháp rời đi, sau đó là sự kết thúc một chặng ngắn của Hoàng triều cương thổ. Năm 1954 có thể xem là điểm mốc cho sự thay đổi của Đà Lạt. Không lâu sau đó, một thế hệ kiến trúc sư tài năng của miền Nam đã đến Đà Lạt với những bản thiết kế công trình, đồ án lớn, làm thay đổi hình ảnh đô thị, xác lập một thời kỳ do người Việt làm chủ thành phố này. Có thể nhận ra những công trình mang dấu ấn kiến trúc tân kỳ của Ngô Viết Thụ, Võ Đức Diên, Phạm Khánh Chù, Nguyễn Duy Đức… cùng sự có mặt của những nhà thầu tên tuổi miền Nam thời bấy giờ, mà tiêu biểu là Nguyễn Linh Chiểu.
Nói tới khu trung tâm Đà Lạt từ thập niên 1950 về trước, là nói tới những khu hàng quán của người Hoa trên dãy phố thương mại một tầng lầu ở góc đường Maréchal (có thời là Duy Tân, nay là 3 Tháng 2) – dốc Minh Mạng (nay là Trương Công Định) và mở rộng sang Annam (có thời là Hàm Nghi, nay là Nguyễn Văn Trỗi). Ba trục đường này tụ lại ở quảng trường Marché – Chợ Cây Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình).
Trên những tuyến này, là nhà hàng, hiệu thuốc, khách sạn, tiệm bánh mì, tạp hóa nổi tiếng phục vụ nhu cầu dân sinh tại chỗ và du khách tham quan. Có những cái tên đã thuộc về ký ức người Đà Lạt một thời: nhà hàng Chic Shanghai, tiệm làm tóc Ba Lê Saigon, nhà hàng Mékong, lò bánh mì baguette Vĩnh Chấn, tiệm chè Thủy Tiên hay hiệu thuốc Duy Quang…
Quảng trường Chợ Cây Đà Lạt, giữa thủ phủ Hoàng triều cương thổ, đã từng xảy ra cuộc xuống đường trưng cầu dân ý rầm rộ vào ngày 23.10.1955 do Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức, truất phế Bảo Đại. Sự kiện chính trị ấy dập tắt ý định biến Đà Lạt thành thủ đô của Quốc gia Việt Nam do vị quốc trưởng đứng đầu. Cũng từ sau sự biến ấy, Đà Lạt được chính quyền đệ nhất cộng hòa chăm chút, để trở thành một thành phố của văn hóa và giáo dục. Khu Hòa Bình khởi sắc với sự xuất hiện của Chợ Mới Đà Lạt (nay là Chợ Đà Lạt), được ông Trần Văn Phước – vị thị trưởng tháo vát lúc bấy giờ – xoay xở cho xây dựng với những khoản vay quỹ Hưu bổng Văn giai, Kiến ốc cục và trả bằng ngân sách thành phố (tổng chi phí xây Chợ Mới lên đến 40 triệu đồng Việt Nam Cộng hòa).
Công trình này do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, được chỉnh sửa bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, do nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công. Mùa đông năm 1960, công trình được hoàn thành, định hình một dấu ấn mới của thời kỳ kiến trúc do người Việt thiết kế ở khu trung tâm. Tờ Việt Tấn Xã lúc bấy giờ không giấu được sự hân hoan trong một bản tin:
“Trước một công-trình kiến-trúc vĩ-đại như tả trên, người ta liên-tưởng tới tương-lai rực-rỡ của Đà Lạt vì công-trình vừa hoàn-thành chứng-tỏ sự đồng-tâm nhứt trí giữa chính-quyền của các giới đồng-bào. Với đà tiến-triển ấy, Chợ Đà Lạt còn đồ-sộ hơn, với những điểm chỉnh-trang bổ-túc, với những cây anh-đào mà nước bạn Nhật-Bản đã tặng cho thành-phố để trồng ở công-viên vòng quanh Chợ.
Như vậy, bàn tay con người, sự cố gắng của Chánh-Quyền và thiện-chí của người dân địa-phương, đã phụ-họa cùng thiên-nhiên để tăng phần mỹ-lệ cho cảnh-vật. Với sự cố gắng ấy, với thiện-chí ấy, Đà Lạt mai đây sẽ có bộ mặt xinh tươi hơn, xán-lạn hơn, hấp dẫn thêm nhiều du-khách trong nước và ngoài nước đến ngoạn cảnh Lâm-Viên” (1)
Theo dấu ấn của ngôi Chợ Mới, bản quy hoạch dãy phố thương mại quanh chợ Đà Lạt do Ngô Viết Thụ thiết kế năm 1959 là một mấu chốt để định hình vùng lõi khu vực này. Người Đà Lạt đã đồng thuận và giữ gìn chặt chẽ những giá trị khoa học của bản đồ án.
Chuyện nhỏ xảy ra với Modern Hotel
Không chỉ dừng lại ở việc tạo nên mỹ quan và công năng của riêng công trình Chợ Mới, mà về sau đó, người Đà Lạt đã đặt ngôi chợ trong tương quan với tổng thể trung tâm, qua việc giữ gìn những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc xây dựng đối với dãy phố phụ cận.
Một vụ việc khá tai tiếng với nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu vào năm 1965, khi ông xin cấp phép xây dựng khách sạn Modern Hotel ở khu Chợ Mới. Trong khi giấy cấp phép xây cất(2) của Tòa Thị chính Đà Lạt chỉ duyệt cho nhà thầu này xây công trình một trệt hai lầu, thì nhà thầu quyền lực này đã tự ý xây cất thêm một lầu nữa, rồi xin hợp thức hóa (lầu ba) như thể sự đã rồi. Sau đó, ông Chiểu còn cho xây thêm một phòng ăn sân thượng, rồi giải thích rằng, đây là nhà ăn làm bằng vật liệu nhẹ, để đáp ứng yêu cầu của binh lính, quân sự Mỹ tại Đà Lạt(3).
Lúc bấy giờ, Hội đồng thành phố đã có nhiều lời ra tiếng vào phản ứng mạnh mẽ. Tổng giám đốc Kiến thiết và Thiết kế đô thị, kỹ sư Kiều lộ Tôn Thất Đổng lúc bấy giờ dẫn lời dư luận Đà Lạt, gọi việc làm này “đã làm cản trở mỹ-quan của khu Chợ Mới”(4).
Ông Lê Phỉ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt đã ký một công văn(5) gửi Giám đốc Nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị, bày tỏ thái độ khá quyết liệt phản đối việc này. Công văn nêu rõ quan điểm: “Về phương-diện thẩm-mỹ của thành phố, Hội-đồng chúng tôi nhận thấy việc cho phép xây cất Hotel này tại địa-điểm hiện thời đã che lấp rất nhiều khu Chợ Mới và khu Hòa Bình Đà Lạt, nếu bây giờ cho phép xây thêm thì du-khách đứng ở khu Hòa-Bình nhìn xuống Bờ Hồ hoàn toàn bị khách-sạn che lấp và ngược lại khi đi từ Bờ Hồ lên khu Hòa-Bình theo đại-lộ Lê-Đại-Hành, Hotel này che mất hoàn toàn Chợ Mới Đà Lạt và các vườn hoa.
Sự xây cất của khách-sạn này đã là sự đàm-tiếu của đồng-bào Đà Lạt và họ đánh một dấu hỏi khi Chánh-quyền cho phép xây cất, Chánh-quyền có dụng-ý nào không?”.
Đầu tháng 2.1966, Đổng lý Văn phòng Bộ Công chánh và Giao thông buộc phải ra văn bản gửi nhà thầu khoán Nguyễn Linh Chiểu ghi rõ: “không thể nào chấp nhận một việc làm trái với chủ-trương mà Bộ tôi đã quyết-định trước đây, khi [đã từng – NV] phá bỏ một dãy phố trệt để khỏi làm cản trở tầm trực-thị đối với khu Chợ Mới và chợ Hòa-Bình (chợ cũ) khiến có thể gây ra thắc-mắc và khiếu-nại của nhân-dân thị-xã này”(6).
Câu chuyện nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu nổi tiếng khắp miền Nam, có công xây dựng Chợ Mới, lại muốn “xé rào” trong việc xây cất khách sạn Modern Hotel đã nhận những phản ứng gay gắt của người dân Đà Lạt. Điều này cho thấy đã có một thời, những nguyên tắc bảo vệ thẩm mỹ khu trung tâm nói chung, Chợ Mới nói riêng đã được những người đại diện cho cư dân quyết liệt bảo vệ, để giữ gìn những giá trị đô thị mà họ tự hào do chính người Việt tạo dựng nên trên thành phố này.
Một khu Hòa Bình “phẳng”?
Sau đợt nhập cư 1954, khu trung tâm Đà Lạt có nguy cơ chật hơn, chính quyền lúc đó đã có những phương cách giãn dân ra ngoại vi thành phố. Hòa Bình vẫn là không gian thanh lịch mà người dân ở đây và du khách tự hào, gìn giữ. Những cửa hiệu, khách sạn khang trang mọc lên, những quán cà phê mang dấu ấn trí thức một thời và cả bộ mặt sinh hoạt văn hóa của thành phố như hiệu sách, rạp phim, phòng trà… ở khu vực này đã đi vào hoài niệm đẹp của thị dân lẫn du khách.
Hình ảnh một khu Hòa Bình thanh bình đang dần nhếch nhác trên thực tế, lại sắp trở thành khu “thương mại dịch vụ phức hợp hiện đại” (theo tinh thần “Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”) là một mất mát thực sự đối với ký ức, di sản đô thị nói riêng, giá trị nhân văn đô thị Đà Lạt nói chung.
Hiểu tầm quan trọng của khu vực này trong diễn trình lịch sử Đà Lạt, trong tâm thức cộng đồng, thì sẽ có những chăm chút cẩn trọng để có một trung tâm hiện đại nhưng vẫn không đánh mất dấu ấn lịch sử, văn hóa. Còn với tình hình quản lý quy hoạch “đặt vào sự đã rồi” và bất chấp khía cạnh tài nguyên nhân văn như hiện nay, những người yêu và hiểu giá trị Đà Lạt sẽ không khỏi nuối tiếc, cay đắng đặt ra câu hỏi: phải chăng ngay cả khu Hòa Bình, Đồi Cù còn có thể “phẳng” được bằng những màn phù phép của các kiểu quyền lực, thì có gì ở Đà Lạt mà không thể “phẳng”!?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Theo Người đô thị
__________________
(1) Tin tức Du lịch, Việt Tấn Xã, 15.2.1961.
(2) Giấy phép xây cất số 1439-HC/2B ngày 2.3.1964. Phông Bộ Công chánh và Giao thông. Hồ sơ số 8034. TTLTQG II
(3) Theo nội dung văn bản của nhà thầu khoán Nguyễn Linh Chiểu gửi Trung tá tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức ngày 25.9.1965 và gửi Ủy viên Công chánh và Giao thông ngày 29.10.1965 xin dựng tầng lầu vách kính bằng vật liệu nhẹ. Các văn bản này đều kèm theo văn bản đề nghị của Department of the Navy
(4) Tờ trình Tổng ủy viên Công chánh và Giao thông của Tổng giám đốc Kiến thiết và Thiết kế Đô thị ngày 17.12.1965. Phông Bộ Công chánh và Giao thông.
Hồ sơ số 8034. TTLTQG II
(5) Công văn 173/HĐTX, ngày 19.10.1965. Phông Bộ Công chánh và Giao thông. Hồ sơ số 8034. TTLTQG II
(6) Công văn 0576 CC/HC/2 ngày 8.2.1966, Văn phòng Ủy viên Bộ Giao thông Công chánh, Hoàng Đình Cang ký. Phông Bộ Công chánh và Giao thông. Hồ sơ số 8034. TTLTQG II