Không còn phim Việt cho thiếu nhi?
Phim dành cho khán giả nhỏ tuổi không còn được quan tâm sản xuất bởi tình trạng khó khăn chung của phim truyền hình khi lên sóng, kể cả phim điện ảnh
Hè là dịp thiếu nhi được vui chơi và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật qua sách, phim để bồi dưỡng tâm hồn. Tuy nhiên, phim truyền hình đề tài về thiếu nhi vốn đã khan hiếm vài năm gần đây, đến nay gần như chẳng còn tác phẩm mới nào ra mắt. Nhà sản xuất tư nhân “bỏ hoang” hoàn toàn mảnh đất này, trong khi các đài, hãng phim nhà nước lại trông chờ vào nhà nước.
Khan hiếm từ vài năm nay
Truyền hình từng có giai đoạn chú trọng sản xuất phim thiếu nhi. Nhiều tác phẩm ra đời chinh phục người xem như: Đất phương Nam, Kính vạn hoa, Đội đặc nhiệm nhà C21, Chiến dịch trái tim bên phải, Trinh thám nghiệp dư, Ngũ quái Sài Gòn... Phim có nội dung đa dạng, thú vị, diễn viên diễn xuất tốt, tạo dấu ấn trong lòng khán giả, chuyển tải thông điệp về tình bạn, tình cảm gia đình. Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS) – Đài Truyền hình TP HCM, từng là đơn vị tích cực sản xuất phim thiếu nhi nhưng vài năm gần đây không thấy. Phim thiếu nhi cho khán giả màn ảnh nhỏ ngày càng hiếm. Tác phẩm mới nhất dành cho thiếu nhi là Cậu bé nước Nam do Đài Truyền hình Vĩnh Long hợp tác cùng Phương Nam Phim thực hiện. Phim này đã được phát sóng từ mùng 6 Tết Kỷ Hợi với tổng cộng 50 tập. Hiện tại, nếu muốn xem phim thiếu nhi, khán giả sẽ phải tìm phim cũ hoặc thưởng thức tác phẩm do nước ngoài sản xuất. Một mùa hè không phim, với những thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, nơi không có rạp để xem phim ngoại, chỉ trông chờ vào truyền hình sẽ là thiệt thòi nhân đôi. Các em sẽ phải tìm kiếm, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi ngày hè của mình vào những trò chơi khác có thể khiến phụ huynh lo ngại thay vì được thưởng thức những tác phẩm có nội dung, thông điệp phù hợp trên truyền hình.
Nhà sản xuất tư nhân không quan tâm
Phim truyện còn gặp khó thì nhà sản xuất đâu còn nhiệt tình, đam mê nào để làm phim phục vụ thiếu nhi. “Việc sản xuất phim truyền hình của tư nhân hiện nay trăm điều khó, nhất là phần vốn. Nếu phim bán quảng cáo không được, chuyện thua lỗ là điều chắc chắn, trong khi các thương hiệu, nhãn hàng có vô số kênh lựa chọn để quảng bá” – bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, nói.
Nhiều người trong giới cho rằng phim thiếu nhi Việt bị “ghẻ lạnh” không phải lỗi từ phía nhà sản xuất. Trong tình hình khó khăn chung, những nội dung có tính giáo dục, cần tuyên truyền phải có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Bởi phim truyền hình cho thiếu nhi khó thu hồi vốn, sản xuất là lỗ. Nhà đài không hỗ trợ sóng, cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ vốn nên nhà sản xuất tư nhân chẳng dám chạm tay đến mảng đề tài này. Kinh doanh buộc phải có lời hay ít nhất hoàn vốn.
Trách nhiệm của nhà nước
Nhà đài không hỗ trợ sóng, cơ quan quản lý ngó lơ thì phim thiếu nhi chắc chắn khó có thể được sản xuất trở lại như giai đoạn hoàng kim của nó. Khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu vắng phim về đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi ở cả điện ảnh lẫn truyền hình, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thực tế này. Ông cho rằng giải pháp là nhà nước phải đặt hàng để sản xuất. Việc đặt hàng này cũng rất hiếm hoi trong vài năm trở lại đây. Nhiều người trong giới nhận định, với truyền hình, cơ quan quản lý cần có cơ chế buộc nhà đài phải dành thời lượng trình chiếu với tỉ lệ phim thiếu nhi Việt nhất định. Đó không phải phim mua bản quyền từ nước ngoài, chuyển ngữ rồi phát lại. “Lực lượng sáng tác, ê-kíp tạo ra những phim thiếu nhi hay không thiếu, nhà sản xuất cũng sẽ tham gia nếu họ được sự hỗ trợ phù hợp từ nhà nước. Nếu nhà nước chỉ kêu gọi trong khi sóng nhà đài vẫn bán cho các game show, cơ chế tính toán thu tiền quảng cáo theo kiểu phim truyện như hiện tại thì rất khó cho phim thiếu nhi” – nhà báo Cát Vũ trăn trở.
Không có phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng Không chỉ truyền hình, khán giả nhí muốn thưởng thức phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng cũng không có cơ hội. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam, cho biết sẽ không có phim thiếu nhi Việt trên màn ảnh rộng trong suốt hè 2019. Các phim cho thiếu nhi hiện đang chiếu ngoài rạp từ hoạt hình đến phim truyện đều do nước ngoài sản xuất. Đây là điều rất đáng buồn cho nền điện ảnh, truyền hình của Việt Nam. “Thiếu nhi là mầm non hôm nay nhưng là rường cột tương lai của đất nước. Lẽ ra, các em phải được nuôi dưỡng từ vật chất lẫn tinh thần, thỏa mãn nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức cho đến vui chơi, giải trí. Nhưng hiện nay, các em bị bỏ rơi ở mảng phim ảnh. Nhà sản xuất không mặn mà, cơ quan quản lý cũng chưa cải thiện được tình hình. Ở các nước, người ta rất chú trọng các chương trình, phim cho thiếu nhi, chi tiền đầu tư để các nhà sản xuất thực hiện. Họ lồng ghép vào các phim, chương trình giải trí từ văn hóa bản địa cho đến các bài học giáo dục nhân cách để phục vụ khán giả nhí của mình” – nhà báo Cát Vũ nói. |
Minh Khuê
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)