Không còn lời thề?
Lời thề không là khẩu hiệu suông, hình thức. Cũng không là “slogan bán hàng, quảng cáo”. Nó dẫn dắt ta mục đích rõ ràng để phấn đấu suốt cuộc đời.
- Người thày có còn uy?
Nói đến tình thày trò là ai cũng thấy mình biết hết rồi, có vẻ “cũ rồi – ai chả biết chuyện tôn sư trọng đạo? Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thày – Nói mãi có gì mới”?
Ngày nay dân chủ, thày là… bạn? Cha mẹ cũng phải “là bạn của con” cơ mà. Người ta còn bảo: Thày trò ở Mỹ tự do như… trong phim. Trò ngồi trong lớp gác chân lên bàn, có thể ngủ, làm việc riêng, ăn bánh mì kẹp, tha hồ cãi. Thích thì học không ai điểm danh. Không bị thày soi. Ông thày chỉ xách cặp vào thuyết giảng xong về, chứ đâu có chủ nhiệm lớp, phải đi xem sinh viên đá bóng, biểu diễn văn nghệ vui chơi, “hầu” học trò như vú em…
Rồi bây giờ trường tư cần học trò, coi trò là “khách hàng thượng đế, phải vừa dạy vừa dỗ cho nó đừng bỏ học”. Thế thì còn đâu mà lễ nghĩa với tôn sư?
Cha mẹ, các bậc phụ huynh bây giờ “soi thày cô”, thậm chí còn đề nghị thay cô chủ nhiệm, chê thày cô dốt, con về có chuyện gì khúc mắc, bị thày cô chê, phụ huynh bảo “để đấy ba xử”. Thày cô như… đi ở, làm thuê, có cô còn bán quà vặt cổng trường, làm gì còn uy nghiêm? Nhiều người vì sinh kế, vì học theo nghề rồi làm chứ đâu vì say mê lý tưởng, tình yêu? Thấy dạy học sao khổ quá, đủ áp lực, mà học trò thời nay có mấy đứa chịu học?
- Vì sao có nền giáo dục tiên tiến?
“Thấy vậy mà không phải vậy” – những sinh viên du học cho biết, học trò tự do thật đấy, nhưng ta chỉ nhìn vài hành vi thấy được, còn rất nhiều những hành vi… không thấy được.
Một sinh viên cho biết, ở Hàn Quốc không có tự do làm việc riêng trong lớp. Ăn uống tán gẫu là có thể bị thày đuổi ra khỏi lớp, thậm chí cấm học tất cả những tiết có ông giáo đó giảng. Hoặc là phải xin lỗi và sửa chữa.
Ở Mỹ, thày cô dù thân thiện nhưng ra ngoài không bao giờ đi ăn uống, đi chơi riêng với sinh viên. Họ luôn giữ gìn. Nhưng họ có những hành động truyền cảm hứng và thân thiện. báo chí từng đưa hình ảnh ông giáo vừa giảng bài, ra bài tập rồi bế con cho một nữ sinh viên làm bài tập. Một ông thày để nhiều chai nước ở văn phòng mình với cái biển đề “Hãy lấy một chai”.
Và còn có bao hình ảnh cảm động khác về tình thày trò: 400 sinh viên tập trung trước nhà thày giáo bị ung thư để hát Thánh ca cầu nguyện cho thày. 700 sinh viên xếp hàng tạm biệt tiễn thày về hưu…
Vì sao tự do bình đẳng thày trò mà vẫn có nền giáo dục ưu tú? Có người trả lời câu hỏi này có hai ý:
Một là chương trình học tập của nhà trường luôn coi trọng thực tiễn – luôn liên thông với thực tế bên ngoài, biết xã hội đang cần gì.
Trong đại dịch Covid-19 cả loài người tưởng đã hiện đại mà chới với trước con virus bé không nhìn thấy. Nhiều tổ chức y khoa, khoa học, doanh nghiệp chạy đua chế tạo và nghiên cứu tìm vaccine, trong đó hai đơn vị đầu tiên tìm vaccine hiệu quả nhất lại là hai trường đại học ở Anh và Mỹ.
Do cơ chế hoạt động đại học của họ được nhận sự đóng góp của xã hội, được sự đầu tư của nhiều tổ chức hay các đại gia, có tiềm lực kinh tế lớn cho nghiên cứu và sáng chế, giải quyết những nhu cầu thực tế.
Yếu tố thứ hai để giỏi là sinh viên tự học rất nhiều. Phải nghiên cứu, đọc rất nhiều rồi mới lên lớp thảo luận. Sinh viên Việt Nam đa phần không đọc sách hay tài liệu, chỉ đến lớp xem thày cô nói gì. Vì thế ở Việt Nam có sự phân hóa lớn: Những em chịu học thì xuất sắc còn đa số thì “nước chảy bèo trôi” lờ mờ không rõ một khả năng nào.
Nền giáo dục mấy chục năm vẫn tranh cãi về triết lý nghề. Trong khi ngành Y họ cũng gặp bao khó khăn, cùng một nền tảng kinh tế xã hội – mà họ không nhiều khủng hoảng hoặc nhiều cuộc tìm tòi xáo trộn kinh người như giáo dục.
Có người nói: Triết lý ngành Y là “Còn nước còn tát” – cứu người tới cùng. Mà truy lại nguồn gốc xa xưa, họ có lời thề Hippocrates – sinh viên phải đọc trong lễ tốt nghiệp.
Thử “dò” theo lời thề ấy mới ngạc nhiên khi có những câu: “Tôi sẽ coi các thày học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi…”, “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh…”, “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai…”, “Tôi sẽ im lặng trước những điều không cần để lộ ra và coi sự kín đáo như một nghĩa vụ”…
Đó, lời thề coi trọng đạo đức, kính trọng thày và yêu thương cứu chữa bệnh nhân. Thật rõ ràng, cứ thế mà phấn đấu.
Giáo dục chẳng có lời thề nào. Phải chăng Giáo dục phải thề: Tôi quý trọng thày tôi như cha mẹ – những người đã dạy cho tôi tri thức và yêu thương, để tôi thành người giỏi giang cống hiến cho cuộc đời. Lời thề không là khẩu hiệu suông hình thức. Cũng không là “slogan bán hàng, quảng cáo”. Nó dẫn dắt ta mục đích rõ ràng để phấn đấu suốt cuộc đời.
Quảng Yên