Khó quản lý ngư trường khai thác hải sản

Ngư dân trên địa bàn tỉnh đánh bắt hải sản không đúng quy định về ngư trường, tuy nhiên công tác quản lý, xử phạt còn bất cập. Do vậy, hành trình chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm còn nhiều gian nan.

ngu-truong-khai-thac-hai-san
Cần nhiều thời gian để hình thành nghề cá có trách nhiệm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Sai phạm hàng loạt

Triển khai Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thay thế Luật Thủy sản 2003 trên địa bàn tỉnh đã phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, trước đây, tàu cá được quản lý theo công suất, tàu dưới 90CV sản xuất ở tuyến lộng và ven bờ, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên bắt buộc phải sản xuất ở vùng biển xa bờ. Với quy định mới, tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên bắt buộc phải sản xuất xa bờ, tàu cá có chiều dài dưới 15m phải hoạt động ở tuyến lộng và ven bờ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều tàu cá Quảng Nam khai thác hải sản sai quy định về ngư trường.

Ngư dân Trần Công Minh (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) – chủ tàu lưới hụp có chiều dài thân tàu 18m cho biết, vẫn thường xuyên sản xuất ở tuyến lộng. “Sản xuất ở vùng biển xa bờ, chúng tôi chủ yếu thu được mực xà, giá trị kinh tế thấp lại khó phơi khô do chưa lắp đặt giàn phơi mực. Sản xuất ở tuyến lộng, chúng tôi thu được mực nang, mực ống, mực cơm, giá trị kinh tế cao hơn lại giảm chi phí chuyến biển. Nhà nước chỉ hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm nên ngoài thời gian sản xuất xa bờ để nhận hỗ trợ, chúng tôi đành phải đánh bắt hải sản ở tuyến lộng” – ông Minh nói.

Chủ trương của tỉnh là tiếp sức, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân sản xuất xa bờ để làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Tréo ngoe ở chỗ, tàu cá có công suất hơn 90CV nhưng chiều dài thân tàu dưới 15m, vốn sản xuất xa bờ nhưng nay theo quy định mới phải sản xuất ở tuyến lộng. Nhiều chủ tàu đã lâm vào thế khó, nếu duy trì cách sản xuất cũ thì sai nhưng theo quy định mới thì bạn biển “quay lưng”, thiếu lao động phải nằm bờ.

Nghề lưới vây có đặc thù là phải bám biển xa bờ với 2 loại thủy sản chính là cá nục và cá ngừ. Ở tuyến lộng, các loại hải sản đó rất ít ỏi, sản lượng thấp, thu không đủ bù chi. Rất khó cải hoán thân tàu để tăng chiều dài lên 15m vì độ an toàn sẽ không đảm bảo mà chi phí rất tốn kém” – ngư dân Nguyễn Mạnh Hảo (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) – chủ tàu cá có chiều dài 14m hành nghề lưới vây truyền thống cho biết.

Lưới vây trũ và câu cá hố là 2 nghề đặc trưng của ngư dân ở khu vực phía bắc của tỉnh, như Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) và Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam (TP.Hội An). Sản xuất với hai nghề trên, ngư dân sở hữu tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng ngư trường chính lại là tuyến lộng. Thậm chí, với nghề lưới vây trũ, chuyến biển của ngư dân chỉ từ tối đến sáng hôm sau.

Cần nhiều thời gian

Mặc dù đã có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay, ngư dân vẫn gặp rất nhiều trắc trở để thực hiện đúng quy định về ngư trường đánh bắt hải sản theo Luật Thủy sản 2017. Để hạn chế ngư dân đánh bắt hải sản sai ngư trường, ngành chức năng đã vận dụng công cụ giám sát hành trình (GSHT). Khi sản xuất, ngư dân bắt buộc phải vận hành máy GSHT để ngành thủy sản theo dõi, nhắc nhở và xử phạt khi sai ngư trường.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Định – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, mặc dù phát hiện nhiều trường hợp sản xuất không đúng ngư trường nhưng vẫn chưa xử phạt, chủ yếu chỉ nhắc nhở để ngư dân “quen dần”. Nguyên nhân là ngư dân có quá nhiều lý do để “giải thích” cho sai phạm về ngư trường như đang thả trôi tàu cá. Thậm chí, nhiều chủ tàu cá cho rằng, máy GSHT mới sử dụng chưa quen hoặc bị hỏng đột xuất nên không nhận được thông tin nhắc nhở của ngành chức năng.

Cùng với tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về ngư trường khai thác hải sản, ngành chức năng đã có hướng dẫn các ngư dân phải cải hoán tàu cá để có chiều dài thân tàu tương ứng với quy định về ngư trường sản xuất. Thế nhưng, do không đủ vốn huy động hàng trăm triệu đồng nên ngư dân bỏ mặc. Một giải pháp khác là với các tuyến xa bờ và vùng lộng, các tàu cá bắt buộc phải đánh dấu tàu cá bằng cách sơn màu lần lượt ở ca bin là màu ghi và màu vàng. Việc này phục vụ cho công tác kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra hoạt động đánh bắt hải sản của ngành chức năng. Tuy vậy, tàu kiểm ngư của lực lượng kiểm ngư Quảng Nam xuống cấp, nằm bờ bấy lâu nay nên có thực tế ngư dân được “phó mặc” đánh bắt hải sản ở tuyến lộng và xa bờ mà không có lực lượng kiểm tra, xử lý.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành chức năng đang đề xuất với UBND tỉnh cho chủ trương đóng mới tàu kiểm ngư vật liệu vỏ thép có công suất 1.000CV để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm ngư ở các vùng biển trong thời gian đến. Bởi vậy, cần nhiều thời gian để chuyển nghề cá nhân dân tồn tại bấy lâu nay sang nghề cá có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững.

UBND tỉnh có quyết định công bố hạn ngạch 782 giấy phép khai thác hải sản vùng biển xa bờ và 716 giấy phép khai thác hải sản vùng lộng. Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản được kỳ vọng sẽ giúp ngành chức năng quản lý tốt số lượng tàu cá, ổn định ngư trường đánh bắt hải sản, tránh hiện tượng có quá nhiều tàu hoạt động ở một vùng, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kỳ vọng, cùng với công bố hạn ngạch giấy phép khai thác hải sản, công tác tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu cộng với đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm sẽ chấn chỉnh dần tình trạng sản xuất không đúng ngư trường như hiện nay.

Việt Nguyễn

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/thuy-san/kho-quan-ly-ngu-truong-khai-thac-hai-san-90008.html

Cùng chuyên mục