Khó đưa khách du lịch đến bảo tàng

Bảo tàng, nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử văn hóa quý giá của một vùng đất. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát huy giá trị bảo tàng gắn với du lịch ở một vài nơi dường như chưa hiệu quả. Làm thế nào đưa khách du lịch đến bảo tàng vẫn là bài toán khó.

Bảo tàng Điện Bàn dù lưu giữ bộ đèn cổ quý hiếm nhưng vẫn không thu hút được khách du lịch.
Bảo tàng Điện Bàn dù lưu giữ bộ đèn cổ quý hiếm nhưng vẫn không thu hút được khách du lịch.

Chưa kết nối được doanh nghiệp du lịch

Quý I/2019, Bảo tàng Điện Bàn đón khoảng 700 lượt khách tham quan, phần lớn là học sinh. Đây là con số tương đối thấp nếu biết Bảo tàng Điện Bàn là nơi duy nhất hiện nay ở Quảng Nam, kể cả miền Trung đang lưu giữ bộ đèn cổ quý hiếm với hơn 500 chiếc, niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Đồng thời có vị trí khá thuận lợi khi nằm trên “tuyến đường di sản” kết nối đô thị cổ Hội An và khu đến tháp Mỹ Sơn.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh truyền hình Điện Bàn (đơn vị quản lý Bảo tàng Điện Bàn), dù tăng trưởng cao qua từng năm nhưng lượng khách từ các công ty du lịch đưa đến rất ít, đa phần khách tham quan bảo tàng là học sinh, thanh niên, cựu chiến binh.

“Chúng tôi đã làm nhiều cách từ phát tờ gấp, giới thiệu trên website, miễn phí tham quan, kết nối với một số doanh nghiệp du lịch tại Hội An… nhưng không hiệu quả. Nguyên nhân, do các đơn vị du lịch thường có hành trình tour tuyến riêng nên không mặn mà đưa khách vào bảo tàng” – ông Dũng nói.

Các mộ chum tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Hội An
Các mộ chum tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Hội An

Tương tự, tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa Duy Xuyên (thôn Trà Kiệu, xã Duy Sơn) việc đón khách du lịch cũng khá èo uột. Khánh thành năm 2009, bảo tàng là nơi trưng bày, giới thiệu hơn 300 hiện vật văn hóa Sa Huỳnh có giá trị như mộ chum, trang sức (khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, chuỗi mã não, thủy tinh…).

Đặc biệt, hệ thống mộ chum với nhiều kiểu dáng độc đáo và tương đối nguyên vẹn. Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng trăm hiện vật Champa có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8, từ đồ dân dụng (đĩa gốm, nồi gốm, ấm, chuỗi hạt, đá mài, quả cân đá, đinh đồng, dao đồng, chỉ lưới, bi gốm) đến các trang trí kiến trúc đền tháp như tai lửa, chóp tháp, đầu gói ống, gạch Chăm; tượng thần, tu sĩ, linga – yoni…

Cũng như số phận một số bảo tàng trên địa bàn tỉnh, hầu như rất ít khách du lịch ghé thăm Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa Duy Xuyên dù nằm trên trục đường 610 đi khu đền tháp Mỹ Sơn. Do hoạt động không hiệu quả, đầu năm nay, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa Duy Xuyên phải sáp nhập, bàn giao về Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn quản lý khai thác.

Tạo sức hút cho bảo tàng

Bảo tàng được xem là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các bảo tàng chuyên đề và trưng bày những hiện vật độc bản. Tại TP.Hội An, trong số các bảo tàng chuyên đề đang được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý và bán vé (thông qua ô vé tham quan phố cổ) tuy chưa phải hoàn hảo nhưng cũng đã ghi nhận sự gia tăng khách qua từng năm. Riêng năm 2018 các bảo tàng Hội An đã đón gần 337 nghìn lượt khách, và 4 tháng đầu năm nay khoảng 154 nghìn lượt khách đã chọn các bảo tàng Hội An tham quan khi du lịch đến phố cổ.

Ông Phạm Phú Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trong số 5 bảo tàng đang mở cửa đón khách du lịch (Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An) thì hầu hết đều có nhiều hiện vật gốc, độc bản nên luôn thu hút đông du khách trong nước và quốc tế tham quan.

Mỗi năm Quảng Nam đón hàng triệu lượt khách nhưng số lượng du khách tham quan bảo tàng rất ít.
Mỗi năm Quảng Nam đón hàng triệu lượt khách nhưng số lượng du khách tham quan bảo tàng rất ít.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5) mới đây, Hội đồng Bảo tàng quốc tế (International Council of Museums – ICOM) đã đưa ra nhận định: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.

Theo ông Phan Hộ – Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, bảo tàng là một sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao. Do đó, để du khách biết đến bảo tàng, ngoài công tác quảng bá thì một yếu tố không kém quan trọng chính là trưng bày hiện vật nhằm tạo sự hấp dẫn và mới lạ cho khách. Tại Bảo tàng Mỹ Sơn, kể từ khi các chuyên gia Italia hỗ trợ trưng bày lại hiện vật, mỗi ngày có khoảng 70% khách tham quan khu di tích Mỹ Sơn ghé thăm.

Ông Hộ cho biết, với Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Champa Duy Xuyên, sau khi nhận bàn giao, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn sẽ tổ chức trưng bày lại hiện vật và xây dựng phương pháp đưa khách đến tham quan. Đồng thời cũng sẽ tính đến việc phát triển hệ thống dịch vụ nhằm tạo nguồn thu duy trì hoạt động.

“Bây giờ phải trưng bày lại các hiện vật, trang bị nội dung và công cụ thuyết minh, hướng dẫn thật chất lượng. Tiếp đến sẽ phát vé miễn phí cho khách tham quan bảo tàng khi du lịch đến Mỹ Sơn để kéo khách xuống. Tóm lại, trước mắt phải tạo sức hút cho bảo tàng, phải cho khách biết mình có cái bảo tàng và các hiện vật quý giá nhằm tạo sự lan tỏa” – ông Hộ chia sẻ.

Khánh Linh
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục