Khó đạt tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch

Tín dụng tăng cao, lượng hàng tồn kho giảm, tăng trưởng kinh tế chậm, dự báo hụt thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng… là những nội dung được đề cập tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh vào cuối tuần qua.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 10 tháng qua đều có tốc độ tăng trưởng chậm (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 10 tháng qua đều có tốc độ tăng trưởng chậm (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Kinh tế tăng trưởng chậm

Kinh tế tháng 9 ảm đạm đã bất ngờ có tín hiệu tích cực bởi sự tăng trưởng trở lại của các ngành công nghiệp. Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi sau khi suy giảm đáng kể ở quý III. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng gần 20% so tháng 9, tăng 16,4% so cùng kỳ. Công nghiệp khai khoáng tăng 36,7%, ngành cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 25,6%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,3%. Ngành sản xuất và phân phối điện có xu hướng tăng trở lại nhưng sự sụt giảm sâu của 9 tháng qua đã khiến hai ngành này vẫn tiếp tục giảm đến 13,5% so cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động được đánh giá là một trong những điểm sáng khi đến cuối tháng 10 tăng hơn 3,2% so cùng kỳ (khu vực nhà nước tăng gần 3% và ngoài nhà nước tăng 7,5%).

“Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,7%  nhưng tăng trưởng sản xuất công nghiệp 10 tháng qua vẫn chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất chung toàn ngành tăng thấp, khả năng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chưa cao. Tuy nhiên, dự báo sản xuất công nghiệp sẽ dần phục hồi do nhu cầu mua sắm tăng vào hai tháng cuối năm” – ông Phong nói.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 10 tháng qua đều có tốc độ tăng trưởng chậm (ảnh minh họa).Ảnh: T.D
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 10 tháng qua đều có tốc độ tăng trưởng chậm (ảnh minh họa).Ảnh: T.D

Không chỉ sản xuất công nghiệp tăng chậm, thương mại dịch vụ và nông nghiệp vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh sụt giảm. Nghịch lý dễ thấy là lượng khách tham quan giảm (vì thời tiết bất lợi), năng suất lúa giảm (1 tạ/ha), sản lượng lúa giảm 2,4% so cùng vụ 2018, chăn nuôi heo tiếp tục khó khăn (do dịch bệnh)… nhưng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tăng nhiều hơn so với trước là điều không mong muốn.

Tổng dư nợ tăng đến 21,15% so đầu năm được cho là mức tăng trưởng cao nhất trong “lịch sử” tín dụng địa phương, vốn đã đổ nhiều vào nền kinh tế nhưng ngược lại thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ. Ước tính đến ngày 31.10, tổng thu ngân sách nhà nước chỉ bằng 81% dự toán và 93,5% so cùng kỳ. Thu nội địa có ý nghĩa quan trọng cho ngân sách Quảng Nam, nhưng chỉ mới bằng 78,5% dự toán, giảm 6% so cùng kỳ. Hai nguồn thu chính từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ đạt 49% dự toán và khu vực ngoài quốc doanh chỉ đạt 73%. Ảm đạm nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và các năm khi mới chỉ đạt khoảng hơn 40%.

Khó đạt kế hoạch

Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính 2019. Phân tích kỹ các con số thống kê sẽ rõ bức tranh kinh tế Quảng Nam không còn nhiều dư địa để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch. Nguồn thu một số lĩnh vực quan trọng giảm dần, khó đạt dự toán giao từ đầu năm.

Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận thu ngân sách rất khó khăn. Tổng thu ngân sách và thu nội địa đều sụt giảm. Nếu trừ tiền đất và xổ số ra thì thu cân đối ngân sách tỉnh chỉ đạt 72%, chỉ còn 2 tháng nữa thì sẽ khó đạt được số thu ngân sách như kế hoạch. Dự kiến ít nhất ngân sách tỉnh sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Không chỉ không thể giải ngân hết vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà cả chi thường xuyên chắc chắn cũng không thể giải ngân được khi còn nhiều khoản chưa phân bổ, các khoản chi cho đề án, kế hoạch mua sắm chưa được triển khai kịp thời.

Cơ chế, thủ tục đầu tư khó khăn, giải phóng mặt bằng chậm trễ vì nhiều lý do khiến tốc độ giải ngân quá thấp đang là chuyện đau đầu của chính quyền địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Sỹ – Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, tỷ lệ giải ngân tại kho bạc mới chỉ đạt 43% (tính đến ngày 31.10) cho các dự án đầu tư năm 2019, và các dự án năm 2018 kéo dài cũng chỉ đạt 45%. Nếu điều chuyển vốn từ các dự án không có khối lượng sang các dự án tốt thì chỉ có thể nâng mức giải ngân kế hoạch vốn cao hơn, còn mức chỉ tiêu 100% như kế hoạch không thể nào đạt được, khi có quá nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, thậm chí 0%.

Tỷ lệ giảm nghèo và xuất khẩu lao động, rác thải – những chỉ tiêu quan trọng đặt ra cho tăng trưởng từ đầu năm cũng đang là câu hỏi khó cho tăng trưởng. Ông Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, kinh tế địa phương chưa thể gọi là sáng sủa khi công – nông nghiệp đều kém, chưa kể đến dịch bệnh. Hai nghị quyết liên quan đến giảm nghèo và xuất khẩu lao động đã ban hành nhưng gần như không ai làm dự toán cấp ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Nếu không nỗ lực thì chuyện tồn tại của giải phóng mặt bằng, đất đai sẽ mãi mãi gặp khó cho các dự án và nếu cứ tích tụ mãi thì cũng sẽ y như rác, không thể dọn hết mà ngày càng đầy thêm khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói, sẽ không đạt dự toán thu, giải ngân khi cả nước đã đạt đến 69,2% tỷ lệ giải ngân. Không phải sợ mất danh hiệu thi đua hay xem xét chỉ tiêu thi đua cuối năm, nhưng sợ nhất là không đưa được dòng tiền vào phát triển. Không đầu tư phát triển sẽ không có năng lực mới tạo ra giá trị gia tăng thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Ông Toàn đề nghị các cơ quan quản lý phải có ngay giải pháp và điều chuyển vốn, tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng để giải ngân hết vốn đầu tư…

Trịnh Dũng

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục