Khi xứ Quảng là tâm điểm của mùa khai trường

Mùa tựu trường năm nay, xứ Quảng đã “chiếm sóng” sự quan tâm của cư dân mạng và truyền thông vì những chuyện “lạ” hơn so với những nơi khác.

Ở phố thị

Cũng như mọi năm, đến mùa thì cả nước tổng khai giảng, nhưng chuyện Đà Nẵng kiên quyết cho học sinh nghỉ học đúng ba tháng Hè và tựu trường đúng ngày 5 tháng 9, để thầy trò được trở lại không khí trong bài văn Tôi đi học của Thanh Tịnh vào đúng dịp đầu Thu thì không phải địa phương nào cũng… “dám làm”.

Cái dám thứ hai, được truyền thông đưa tin đậm nét là lễ khai giảng “bất thường”, không có bong bóng bay rợp trời, diễn văn phát biểu dài lê thê mà diễn ra cực kỳ ngắn gọn. Đơn cử như trường PTTH Phan Châu Trinh, một trường trung học lớn nhất nhì Đà Nẵng đã làm lễ khai giảng trong vòng 15 phút. Nghĩa là các cô cậu học trò không có dịp ngồi ngoài nắng mỏi lưng trò chuyện riêng miệt mài chờ cho nhà trường làm xong cái lễ dài lê thê với đủ thể loại tiết mục như mọi khi. Giới học trò xứ Đà vì thế, đã có một lễ khai giảng vui khỏe và thân thiện nhất với môi trường trong nhiều năm qua!

Những chuyện xôn xao khác mùa khai giảng, có chăng là đến từ phụ huynh. Đà Nẵng bây giờ chuộng mốt phụ huynh đưa đón con đi học không kém gì Sài Gòn, Hà Nội. Các con đường trước những ngôi trường luôn kẹt xe vào giờ đưa đón đã đành, mà còn phải chứng kiến những cảnh đậu xe, dừng xe rất tùy tiện của người lớn, đặc biệt là từ những chiếc xe hơi. Sự giàu có được phô trương trước cổng học đường cũng phản ánh sự phân hóa giàu nghèo ở xứ Đà mỗi lúc một rõ rệt hơn.

Ở đầu non

Nếu như học trò phố thị nhiều em đến tận cổng trường mới phải đặt chân xuống đường thì rất nhiều nơi vùng sâu vùng xa trên đất Việt, trẻ con phải tự thân trèo đèo lội suối để đến trường, mà nhiều khi chỉ với đôi chân trần.

Hầu như ai nhìn thấy điểm trường trong không gian lãng mạn này đều bất giác nhớ bài hát, bài thơ Đi học: Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây… Ảnh: FB  cô giáo Trà Thị Thu.

Ngày hôm qua, chỉ sau buổi sáng khai giảng, trang cá nhân của cô giáo Trà Thị Thu, giáo viên tiểu học điểm trường Tắk Pổ, Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bỗng dưng hot một cách bất ngờ. Gọi bỗng dưng, vì cô giáo cũng chỉ đăng hình về cô trò của điểm trường mình như thói quen cập nhật, chia sẻ công việc cảm xúc hàng ngày của mình thôi, nhưng hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt chia sẻ đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng cảm xúc về điểm trường nằm trên đỉnh Ngọc Linh kia. Có lẽ cô giáo trẻ không ngờ chuyện khai giảng đơn sơ giản dị trong nghèo nàn của điểm trường cô trò mình lại được dư luận quan tâm đến vậy.

Sự xúc động của cư dân mạng đều rất dễ hiểu, khi điểm trường nhỏ nhoi tạm bợ nằm ở một nơi xa xôi, có khung cảnh đẹp hoang sơ đến ngỡ ngàng, có những đứa học trò người dân tộc thiểu số dự khai giảng cùng cô giáo thật dễ thương và hồn nhiên trong nghèo khó.

Buổi khai giảng đơn sơ, thiếu ghế và thiếu cả dép. Ảnh: FB cô giáo Trà Thị Thu.

Tôi thì đặc biệt chú ý đến tấm ảnh có đám trẻ ngồi ngay ngắn trong buổi khai giảng ấy. Chúng không đủ ghế ngồi, chúng phải ngồi xổm.

Và những đôi chân. Lũ trẻ đến trường đứa có dép, đứa không. Những đôi chân trần vẫn vô tư tung tăng chạy vui chơi theo cô giáo trên khắp núi đồi. Các em được sở hữu một vùng thiên nhiên tươi đẹp quá. Một bức tranh đẹp mà vẫn mãi chưa hoàn thiện, khi nhìn thấy những đôi chân.

Tôi thường tham gia những chuyến thiện nguyện ở vùng xa, nên hay “có dịp” được thấy đôi chân của các em. Trường của chúng có thể nghèo nàn dột nát hay rộng rãi khang trang vì được nhà nước xây dựng, đồng phục đến trường có thể tươm tất trong những dịp lễ lạt quan trọng, nhà trường đón khách đến tham quan, nhưng những đôi chân thì không giấu đi đâu được. Những đôi chân chỉ mang những đôi dép nhựa rẻ tiền nhất, dù cũ hay mới cũng đều không giấu được vẻ nghèo khó. Hoặc lắm khi chẳng mang gì dưới đôi bàn chân màu nâu đen xin xỉn cố hữu đầy bụi bặm. Những đôi chân trở thành một trong những hình ảnh phản ánh rõ nét nhất đời sống của lũ học trò và khả năng kinh tế của gia đình, của vùng chúng đang ở. Những đôi chân quen để trần, sớm chai sần từ bé, tự do tung tăng chạy nhảy khắp núi đồi trong sự vô tư và nghèo khó. Vô tư với sự học và cả tương lai, khi chuyện chúng đi học là cả một vấn đề.

Và một sự mộng mơ

Không ít người đã cùng tình chung ý khi bình luận về buổi lễ khai giảng ấn tượng của cô trò điểm trường Tắk Pổ là “một sự lãng mạn trong nghèo khó”. Mà thật, nếu không lãng mạn, thì chẳng ai phải bỏ công sức thời gian đi dạy xa xôi cách trở thế kia.

Lũ học trò tiểu học đang tung tăng bên sườn đồi, hay là đường đến trường của chúng. Ảnh: FB cô giáo Trà Thị Thu.

Hẳn nhiên, có hàng trăm trường hợp cô giáo, học trò và điểm trường ở khắp nơi còn thiếu thốn cực khổ, đi lại khó khăn hơn rất nhiều so với điểm trường ở  Nam Trà My này, nhưng chính vẻ đẹp lãng mạn đơn sơ bình dị ấy, khiến người ta còn niềm tin và quan tâm hơn sự học của con trẻ. Việc đem con chữ đi dạy nó khó khăn mà đẹp đến dường nào.

Và trong cái sự đẹp đẽ lãng mạn ấy, tại sao tôi lại không cho mình được mong ước rằng, lũ trẻ phố thị hay non cao đều được tới trường trên đôi chân của chính các em mỗi ngày, những đôi chân trên những đôi dép lành lặn. Phía sau hình ảnh đó là một xã hội ngăn nắp không lấm lem và thơ mộng, như lời bài hát Đi học mà hôm qua, hôm nay, người ta đang buột miệng hát theo khi nhìn thấy điểm trường Tắk Pổ…

Chim đùa theo trong lá

Cá dưới khe thì thào

Hương rừng chen hương cốm

Em tới trường hương theo…

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục