Khi Sơn Trà cấm xe tay ga và những cột mốc nguy hiểm phải cẩn thận
Sau khá nhiều tai nạn xảy ra gần đây ở bán đảo Sơn Trà, lần đầu tiên, có lệnh cấm xe tay ga đi tham quan khu vực này.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, có 12 vụ va chạm được ghi nhận tại bán đảo Sơn Trà, khiến 7 người thương vong và cũng khiến dư luận quan tâm nhiều hơn đến chuyện làm sao để có thể di chuyển an toàn khi tham quan bán đảo này, đặc biệt là ở những địa điểm khá xa xôi khuất nẻo trong rừng ít người qua lại.
Lệnh cấm và… tranh cãi
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông nơi này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa yêu cầu cấm xe máy tay ga lên bán đảo này. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng hiện đã đặt một số biển cảnh báo quanh những khu vực dốc cua nguy hiểm và khuyến cáo du khách không nên tự chạy xe mà nên đi với những người dân am hiểu địa hình.
Hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng đề án quản lý khách tham quan bán đảo Sơn Trà, trong đó có đề xuất cấm du khách tự chạy xe máy, mà sẽ sử dụng các xe trung chuyển. Trong thời gian chưa cấm toàn bộ xe máy, Thành phố sẽ xem xét cấm các xe tay ga trước. Do núi Sơn Trà đổ dốc xuống nên việc chạy xe tay ga, không làm chủ được tốc độ là hết sức nguy hiểm.
Là một người đến Sơn Trà khá nhiều lần, người viết cảm nhận được những nguy hiểm là có thật. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là tay lái vững và không chủ quan. Thăm dò nhanh khá nhiều bạn trẻ tham gia phượt, chạy xe vòng quanh bán đảo này trước đây, hầu hết mọi người đều bày tỏ sự thích thú phiêu lưu khi chinh phục những con dốc cao, có độc dốc lớn, đường hẹp hay sát vực mà quên đi yếu tố an toàn. Chính những con đường nhựa nhỏ, hoặc bê tông chạy uốn lượn cao thấp theo các triền núi tiềm ẩn những nguy cơ khi đi xe mà không kiểm tra. Bởi phần lớn các con đường ở đây phục vụ cho mục đích quân sự, nay đông khách đến thì mặc nhiên trở thành đường du lịch phục vụ khách tham quan. Nhất là khi người ta thấy con đường phục vụ du lịch ở đoạn từ chùa Linh Ứng lên khu resort Intercontinetal khá đẹp và rộng dễ sinh tâm lý chủ quan cho những cung đường nhỏ hẹp kế tiếp. Không ít người còn cho đây là dịp để tha hồ thử tay lái. Với người viết, trải nghiệm đi tay ga và xe máy đều có đủ, phải thừa nhận rằng đi núi bằng xe tay ga khá hồi hộp khi đổ dốc.
Nhất là với những xe tay ga đời cũ, gầm thấp và một số dòng xe tay ga phụ nữ thích dùng là những chiếc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn cả. Tuy nhiên, quy định mới này cũng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, từ chuyện hiệu quả của xe trung chuyển cho đến chuyện khả thi của việc thiết lập các chốt chặn, hay chuyện chạy xe tay ga có thật sự kém an toàn, trong khi nhiều người vẫn dùng xe tay ga làm phương tiện qua đèo dốc?
Sơn Trà nguy hiểm nhất ở đâu?
Có 8 con dốc được cho là nguy hiểm nhất ở bán đảo Sơn Trà đã được anh Bùi Văn Tuấn, một người thường xuyên chụp ảnh voọc Sơn Trà và luôn gắn bó với các cung đường ở đây đúc kết sau nhiều năm đi lại. Đó là:
(1) Dốc đầu tiên ở hướng đi từ Cảng Tiên Sa đến Bãi Đá Đen. Đoàn dốc này dài khoảng 1km và đổ dốc liên tục. Điểm cuối của dốc là đổ ra đường lớn 2 chiều rất nhiều xe ô tô đi lại.
(2) Đoạn dốc có nhiều vách núi lở dựng đứng. Khu vực này dốc không cao nhưng cua gấp, vách núi lở nhiều nên khá nguy hiểm.
(3) Dốc gần đỉnh đồi Vọng Cảnh (hướng từ Vọng Cảnh về thành phố, nơi xảy ra tai nạn mới đây). Đoạn này đường đi rất đẹp, nhưng cua lại rất gấp, dốc dài và độ dốc cao kéo dài liên tục. Nếu xuống dốc mà không cẩn thận thì sẽ dễ bị giật mình khi xe ngược chiều đi lên gây hoảng và va đập vào các thành lan can bên cạnh đường.
(4) Dốc ngắn khoảng 500m từ đỉnh đồi Vọng cảnh về hướng sân bay trực thăng. Dốc ngắn, nhưng độ dốc > 45 độ, và có đoạn cua ngặt. Lên dốc cũng phải bò mới lên được.
(5) Dốc đi xuống Hố Sâu. Đoạn dốc này rất kinh khủng vì độ dốc có chỗ lên đến 60%. Dốc dài liên tục gần 2km, đường hẹp, nhiều khúc cua ngặt nguy hiểm. Nếu xuống dốc mà gặp xe ô tô đi lên thì khó tránh kịp nếu không chú ý.
(6) Dốc từ Đỉnh bàn cờ về Intercon. Dốc này ai đi Sơn Trà lần đầu cũng phải gồng mình lên vì sợ. Dốc kéo dài liên tục vài cây số, đường hẹp, bên phải đường là taluy âm nên rất sâu. Khi xuống dốc, gặp xe máy hay ô tô đi ngược chiều thì rất dễ bị va quẹt xe.
(7) Dốc đi từ ngã 3 Intercon lên ngã 3 đi Cây đa đại thụ. Dốc này thường xảy ra tai nạn do độ dốc quá cao và dốc quá tức. Trước khi vào lên dốc, có một đoạn cua ngặt nên các xe thường bị mất đà. Xuống dốc thì quá dốc nên tay lái dễ bị lạc.
(8) Dốc đi từ ngã 3 Cây đa đại thụ ra Khu DLST Trường Mai. Dốc này bao gồm cả 2 đoạn (Dốc đôi). Vừa lên hết dốc là thả dốc gấp, đường rất nhỏ mà ít được dọn dẹp, 2 bên đường là taluy âm và dương vực sâu. Dốc kéo dài, nhiều chỗ cua tay áo, nên bạn luôn phải chủ động chú ý tay lái, tránh xe đi ngược chiều.
Sơn Trà