Khi nghệ thuật trình bày cái ác
Không phải chỉ là để tôn vinh cái đẹp, cái thiện khiến cho khán giả vui vẻ, say mê, vun đắp những tình cảm tích cực (như loạt phim siêu anh hùng của Marvel chẳng hạn), nghệ thuật còn là miêu tả hành trình đi đến cái ác của một con người, là đi tìm căn nguyên và giải mã những điều xấu xa trong xã hội, không phải để người ta bắt chước mà là để người ta suy ngẫm và tìm cách tránh nó.
Năm 2019, rất nhiều phim hay hứa hẹn là ứng viên tiềm năng của giải Oscar sắp tới. Siêu phẩm Once upon a time in Hollywood của Quantin Quarentino đã giới thiệu Leonardo DiCaprio như một ứng viên giải nam chính Oscar 2019 vì vai diễn của chàng diễn viên cao bồi Mỹ cuối mùa xuất sắc nhưng đến Joker, khán giả lại thấy một nam chính xuất sắc khác: Joaquin Phoenix! Diễn viên này cân nguyên bộ phim nhức não suốt 2 giờ, diễn xuất ăn đứt Leonardo DiCaprio và Brad Pitt.
Nghệ thuật sinh ra để làm gì? Không phải chỉ là để tôn vinh cái đẹp, cái thiện khiến cho khán giả vui vẻ, say mê, vun đắp những tình cảm tích cực (như loạt phim siêu anh hùng của Marvel chẳng hạn). Nhưng, nghệ thuật còn là miêu tả hành trình đi đến cái ác của một con người, là đi tìm căn nguyên và giải mã những điều xấu xa trong xã hội, không phải để người ta bắt chước mà là để người ta suy ngẫm và tìm cách tránh nó. Con người sẽ đồng cảm với những tác phẩm nói về/đứng bên/ lý giải cho những người bất hạnh, yếu thế trong xã hội.
Những chủ đề của bộ phim về nhân vật Joker là gì? Cuộc sống luôn luôn là không công bằng; khi xã hội càng bất ổn thì đám đông càng dễ kích động; chúng ta nên đứng ở vị thế của người yếu thế để suy nghĩ… Ở đó, luôn có những lý giải vì sao một con người lương thiện trở thành ác.
Điều gì đã dồn đuổi một người bất hạnh rất tử tế, lương thiện, yêu mẹ, biết kháng cự cái ác, biết ước mơ thành một diễn viên, biết khao khát tình yêu… lại bị quá nhiều những nỗi đau đớn trong đời, bị bạo hành thể xác, bị lừa dối, bị cười cợt, bị chế nhạo, bị đuổi việc, bị thần kinh… Nhưng bộ phim cũng không nhằm biện minh là như thế thì sẽ phải ác, phải phạm pháp, rồi sau đó giết hết người này đến người khác kể cả mẹ mình, tự coi mình như là một biểu tượng của sự nổi loạn, của công lý… Do đó, đạo diễn đã để hai nụ cười ở đầu và cuối phim mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nụ cười mở đầu phim là sự tức tưởi, oan ức, trầm uất… làm người ta thương cảm, còn ở cuối phim lại là sự hả hê của một kẻ tự xem mình là biểu tượng chống lại bất công, dùng cái ác hơn để kháng cự cái ác, tự xem mình có thể dẫn dắt cả một đám đông cuồng tín, tự cho phép mình muốn giết ai thì giết trong nỗi thống khoái đến độ nhảy múa sau khi giết người… khiến người ta ghê tởm. Đấy rõ ràng là sự băng hoại và suy đồi.
Phim cũng chỉ đích danh vai trò của chính phủ thất bại trong việc kiến tạo một xã hội công bằng, trong việc đem lại những phúc lợi xã hội đồng đều cho người dân.
Cách dễ nhất là đổ lỗi cho chính phủ, giống như báo chí Anh những ngày qua cũng chỉ trích chính phủ Anh không làm hết mình trước tình trạng nhập cư lậu khi tin tức về một số người nhập cư lậu sang Anh chết tức tưởi trong thùng xe container.
Sau những thương xót là đến việc lý giải vì sao? Tôi không cho rằng việc nhân vật Joker phạm pháp, hay những người dân ra đi trong những chuyến xe đông lạnh là cùng đường, là không còn cách nào khác. Joker vẫn có thể giữ được bản chất lương thiện của mình; lương tri, sự tôn nghiêm của đạo đức nếu anh cố gắng, hay người nghèo vẫn có thể kiếm sống được, có thể không giàu nhưng không chết một cách oan uổng…
Tôi nghĩ căn nguyên sâu xa của cái ác là do nền tảng đạo đức suy đồi và sự giáo dục ở gia đình, xã hội, nhà trường không đủ mạnh để đẩy tính thiện trội hơn trong mỗi con người. Khi làng xóm, gia đình, cộng đồng chung quanh vẫn hâm mộ những đồng tiền của người đi xa gửi về, xây nhà, tiêu xài; thước đo đánh giá giá trị con người trong một xã hội đang phát triển là ở mức thu nhập bao nhiêu, nhà lầu, xe hơi… thì sẽ vẫn còn những “bi kịch số phận”…