Joy – Từ bà nội trợ đến nữ doanh nhân sáng tạo

Làm thế nào để một người phụ nữ đã ly dị, cùng với một nách ba con, suốt ngày phải đầu bù tóc rối trong chuyện dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc gia đình nhỏ, bỗng chốc trở thành một nữ doanh nhân thành công rực rỡ sau một ngày đẹp trời nào đó trong đời mình?

Bộ phim Joy kể chuyện về một cuộc đời phụ nữ như thế, từ câu chuyện có thật trong đời thường của nước Mỹ.

Khi bi kịch gia đình làm nền cho sáng tạo!

Hẳn rất nhiều người đã từng biết đến bộ truyện huyền ảo Harry Potter, cùng với câu chuyện ly kỳ về “mẹ đẻ” của tác phẩm này – nữ tác giả J.K. Rowling người Anh, người đã sáng tác ra toàn bộ thế giới giả tưởng của các nhân vật phép thuật lừng danh ấy trong các quán café nơi cô vừa một mình ngồi chăm con vừa viết dạo.

J.K. Rowling là một mẫu điển hình của người phụ nữ từng thất bại thảm hại trong đời sống thường nhật, thông qua câu chuyện tan vỡ hôn nhân gia đình. Bảy năm sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã phải trở thành một bà mẹ đơn thân từ cuộc hôn nhân bị bạo hành và đồng thời bị thất nghiệp triền miên, phải sống dựa vào trợ cấp bang, ngày ngày viết tiểu thuyết trong nhiều quán café gần nơi trú ngụ để hy vọng thoát khỏi các cơn trầm cảm và những dự tính tự tử. Và sau đó thì ai ai cũng đã biết, J.K. Rowling đã có một cái kết có hậu với sự nghiệp viết sách cho thiếu nhi, bởi loạt truyện Harry Potter đã bán được trên 300 triệu bản trên toàn thế giới. Thậm chí, với lợi nhuận “trong mơ” thu được từ phim cùng tên được chuyển thể từ sách, J.K. Rowling có lúc đã trở thành người phụ nữ giàu thứ 2 trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí chỉ sau nữ nghệ sĩ da màu tài danh Oprah Winfrey (theo bảng xếp hạng thường niên của tạp chí nổi tiếng Forbes, năm 2006).

Joy (tên đầy đủ là Joy Mangano) trong câu chuyện phim cùng tên cũng có một cuộc đời ít nhiều tương đồng với J.K. Rowling về thân phận phụ nữ như thế. Cô đã phải một mình nuôi ba đứa con nhỏ sau khi ly dị chồng, đồng thời phải liên tục “nhìn ngó” cho đời sống tinh thần của cha và mẹ mình, vốn dĩ cũng là một mẫu thất bại điển hình của đời sống hôn nhân gia đình mà vẫn phải sống chung cùng nhau dưới một mái nhà. Có nguồn gốc xuất thân từ người nhập cư gốc Ý trên đất Mỹ, “bà nội trợ” Joy đã phải chật vật “chiến đấu” xuyên suốt với nhiều chuyện tủn mủn vặt vãnh của đời sống thường nhật trong gia đình nhỏ của mình, chẳng hạn như việc dọn dẹp nhà cửa bề bộn với sàn nhà bẩn bựa. Và Joy đã tìm ra cách giải quyết vấn nạn đời sống của một bà nội trợ bằng cách sáng chế ra loại cây lau nhà tự vắt, với vòng bông dây vải cuộn tròn có độ dài đáng ngạc nhiên là 300 feet (91m), giúp người dùng là chị em nội trợ không còn phải trực tiếp vắt nước bẩn bằng tay, khác hẳn với các cây lau nhà thông thường, trước đó. Đây cũng chính là phát minh chính thức của Joy được thế – giới – phụ – nữ công nhận, dù không hẳn là phát minh đầu tiên trong đời cô. Bởi ngay từ khi còn nhỏ, lúc còn là một thiếu niên phải đi làm thêm để phụ giúp kinh tế gia đình tại một bệnh viện thú y ở Long Island (New York), Joy đã “mơ” thấy một chiếc vòng cổ huỳnh quang sẽ là khắc tinh của bọ chét, nhằm giữ an toàn cho thú cưng.

Phát minh về cây lau nhà tự vắt của Joy khởi phát vào năm 1990, tuy nhiên phải đến năm 1991 thì việc sản xuất hàng loạt sản phẩm gia dụng tiện ích này trong thực tế mới có thể được cô tự tay phụ trách điều phối triển khai chính thức, bằng số tiền tiết kiệm và đầu tư của chính cô cùng sự vận động từ bạn bè người thân.

Con đường trở thành nữ doanh nhân không phải chỉ là ngủ một đêm thức dậy…

Cây lau nhà tự vắt của Joy có bản vẽ phác thảo bằng sáp màu được mượn từ con gái nhỏ của cô, ngay trong loạt hàng đưa vào sản xuất ban đầu với 1000 sản phẩm thử nghiệm đã khiến Joy tiêu tốn hơn 15.000 USD gom góp từ gia đình, cũng chính là thứ áp lực kinh doanh mà cô phải bước đầu gánh vác. Dự án kinh doanh được những người trong gia đình đầu tư này buộc phải có lãi trong 6 tháng kể từ khi Joy bắt tay thực hiện. Cho dẫu sản phẩm này có ưu thế là nhẹ và thấm hút sàn nhà bẩn gấp 10 lần so với các cây lau nhà truyền thống, tại thời điểm ấy khung giá 19,95 USD/ sản phẩm vẫn khiến nhiều người dùng khước từ không cần lý do, bất kể Joy cùng gia đình và bạn bè nỗ lực chào bán ở nhiều nơi chốn công cộng trong vùng. Mãi cho đến khi Joy tình cờ được giới thiệu và tiếp cận với mạng lưới bán lẻ kiểu mới, thông qua truyền hình cáp của kênh TV Fox và hệ thống bán lẻ liên hợp của chuỗi cửa hàng Kmart danh tiếng. Đơn đặt hàng sản xuất 50.000 sản phẩm với thời hạn một tuần chính là bước ngoặt kinh doanh lớn nhất đời cô, khiến mọi thứ liên quan đời sống gia đình cô và cả sự nghiệp trở thành nữ doanh nhân sáng tạo được nước Mỹ công nhận là cả một hành trình kịch tính, với nhiều cung bậc thăng trầm ngoài mọi dự kiến thường thức của Joy và gia đình, bạn bè. Đã có lúc, những tưởng Joy sẽ phải đệ đơn phá sản khi sắp mất trắng thêm 200.000 USD công nợ đầu tư sản xuất và thậm chí phải thế chấp ngôi nhà của chính mình. Chuyện kinh doanh chưa bao giờ là đơn giản, nhất là với một kẻ có phần trẻ người non dại như Joy, trong mắt các đối tác cũng đồng thời là đối thủ cạnh tranh, vốn dĩ luôn sẵn sàng hạ gục nhau bằng đủ các chiêu thức.

Hành trình kinh doanh ngay từ bước khởi nghiệp mang tính sáng tạo đột phá với kịch tính dồn dập ấy của Joy đã được những người làm phim Joy khắc họa khá rõ nét, đồng thời không quên dùng thủ pháp hồi tưởng đan xen giữa các khoảnh khắc gia đình có lúc hạnh phúc có khi bất hạnh cùng đồng hiện trong cuộc đời Joy, trên phim. Sử dụng ngôn ngữ điện ảnh theo hướng kể chuyện mộc mạc dung dị, thỉnh thoảng chỉ “lẩy” ra đôi ánh nhìn thẫn thờ với hiện thực có phần nghiệt ngã của đời sống gia đình hoặc đầy khát khao được đôi lần hành động của nhân vật nữ chính, những người làm phim đã khá thành công trong ý đồ tạo nên những mặt đối lập tương phản – những góc khuất còn bị che chắn trong con người Joy thuở còn là người đàn bà đơn thuần của gia đình và khát vọng  dấn thân vào con đường kinh doanh sáng tạo ở đoạn đời về sau của cô.

Nuôi dưỡng giấc mơ…

Không khó để nhận ra rằng, mẫu số chung cho những người phụ nữ như J.K. Rowling, như Joy Mangano chính là luôn có những giấc mơ được ấp ủ từ thuở ấu thơ, nuôi dưỡng tiếp nối lúc trưởng thành. Bất kể có khi cơm áo đời thường làm rơi rớt những giấc mơ, hoặc bị giới hạn bởi thân phận phụ nữ trong mặc định cố hữu của đời.

Chẳng hạn, khi còn nhỏ thì Rowling vẫn thường hay viết nhiều câu chuyện tưởng tượng bay bổng về thế giới xung quanh, rồi đọc cho em gái mình nghe. Cũng vậy, Joy Mangano – một mẫu người thuận tay trái, đã luôn sáng tạo từ thuở bé, vừa để tự giải quyết những khó khăn của đứa trẻ con nhà nhập cư thiếu hụt điều kiện sống cơ bản, cũng đồng thời là khát khao vượt thoát khỏi hiện thực đơn điệu, phần nhiều là ức chế. Dẫu vậy, Joy Mangano, cho đến khi đã thành niên, vẫn luôn phải đối mặt với khả năng bị người đời – cuộc đời “nguyền rủa” phải sống đời sống thất bại hoặc đầy nguy cơ phải thất vọng với những mơ ước không thành. Joy Mangano tốt nghiệp Đại học Pace với tấm bằng Quản trị Kinh doanh, có lúc đã phải đi làm phục vụ bàn để trang trải qua ngày cho cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau của bà mẹ ba con sau ly dị. Nhưng cuộc đời cũng đã tưởng thưởng xứng tầm cho những người phụ nữ luôn biết ước mơ. Joy Mangano  đã được Ernst & Young vinh danh là Doanh nhân tiêu biểu của vùng Long Island (New York), vào năm 1997. Đến năm 2009, công ty Arma Products của Joy Mangano được xếp hạng 77 trong danh sách 100 công ty sáng tạo nhất trong kinh doanh của Fast Company; và đến năm 2010 thì Joy Mangano tiếp tục được Fast Company liệt kê vào danh sách 10 Phụ nữ sáng tạo nhất trong kinh doanh.

Joy Mangano đã giữ hơn 100 bằng sáng chế cho các phát minh liên quan đến các dòng sản phẩm tiện ích và ứng dụng gia đình, tính đến nay.

Với riêng sản phẩm khởi nghiệp là cây lau nhà tự vắt, Joy Mangano đã bán được 18.000 đơn hàng trong vòng chưa đầy 30 phút, ngay sau khi được QVC tạo điều kiện cho lên sóng truyền hình trực tiếp, tự làm người bán hàng cho chính sản phẩm của mình đã sáng tạo. Với giá 19,95 USD cho mỗi cây lau nhà tự vắt ấy, từ năm 2000 công ty của Joy Mangano đã chào bán được khoảng 10 triệu USD doanh thu mỗi năm.

Bộ phim Joy của đạo diễn David Owen Russell (người New York, Mỹ – từng có 5 lần được đề cử giải Oscar), với sự tham gia của nhiều diễn viên hạng A của Hollywood như Robert De Niro (sinh năm 1943, từng chiến thắng 2 giải Oscar trong 7 lần nhận được đề cử); Bradley Cooper (sinh năm 1975, từng 7 lần nhận được đề cử giải Oscar); và Jennifer Lawrence (sinh năm 1990, từng 4 lần nhận được đề cử giải Oscar, trong đó có 1 lần chiến thắng Oscar). Vai diễn về nhân vật đời thật Joy Mangano của Jennifer Lawrence trong phim Joy cũng đã giúp cô đạt giải Quả Cầu Vàng năm 2016.

Châu Quang Phước

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục