Hy vọng Trà Leng…
Xã Trà Leng (Nam Trà My) những ngày cuối đông đã bắt đầu chớm nắng, cây cối lại vững vàng hơn sau thời gian dài nghiêng ngã vì mưa bão. Con đường dẫn về xã cũng đã “thành hình” trở lại sau nhiều tháng ngày oằn mình với những chuyến xe cứu nguy…
Niềm đau nguôi ngoai…
Tính ra đã ngót hai tháng kể từ ngày đồng bào Trà Leng lăn lộn với những lớp đất đá để giành lại sự sống. Đứng cạnh ngôi mộ mới vừa xây xong cho người con trai út (anh Hồ Văn Hùng), trên bia đá còn lấm tấm những vệt vôi, ông Hồ Văn Đề đang bàn bạc với mấy anh thợ chuyện dựng mái vòm nhỏ để che nắng che mưa cho con. “Sống nhà chết mồ, lúc sống con mình ở chỗ đàng hoàng thì chết rồi cũng phải có chỗ yên nghỉ tử tế” – ông Đề bộc bạch.
Ông Đề không khóc nữa, người làng ông Đề cũng không ai muốn gợi lại chuyện đau thương. Họ gặp nhau lại hỏi thăm dăm ba câu việc cơm nước, giặt giũ… Suốt mấy ngày nay, chị Bông (con gái ông Đề) ngược xuôi ra vào xã, vừa để khuây khỏa, vừa tính chuyện làm lại nhà. Ông Đề cho biết: “Mấy hôm trước lãnh đạo tỉnh có lên thăm bà con, ai nấy cũng thấy được an ủi phần nào. Mấy anh cán bộ xã lại báo, tỉnh chỉ đạo phải có nhà cho bà con trước Tết Nguyên đán sắp tới, nên mọi người lại càng yên tâm hơn. Vui rồi, có nhà là vui rồi, không buồn nữa… Có nhà rồi thì đi làm rẫy, trồng quế”.
Những lời nói dõng dạc ấy phát ra từ miệng của người có uy tín của làng, người được lấy tên đặt cho làng mình, người cựu binh lẽ ra đã hạnh phúc vì nuôi dạy các con nên người, giờ đây chính ông lại tự tay viết tiếp cuộc đời mình. Trà Leng giờ cũng như chính ông Đề vậy, một lão nông già vừa tỉnh lại sau những đêm đông tái tê với nỗi đau mất mát. Người Mơ Nông thì như dòng sông Leng kia, nước đã xanh và hiền hòa chảy mãi, nhưng lòng sông ấy vẫn còn âm thầm, lạnh buốt, chỉ khi hòa mình vào dòng nước ấy, ta mới có thể cảm nhận được hết tiếng lòng của con sông…
Giờ về Trà Leng tìm người để tâm sự thật khó, đặc biệt là ở làng Tắc Pát. Mấy cô bán nước kể, họ tản đi hết rồi, phần lớn lên rẫy và làm công, chẳng ai hơi đâu ngồi nghĩ ngợi chuyện đau buồn, mất mát. Người Trà Leng thực tế lắm, còn sống là phải làm để sống. Tiền hỗ trợ làm nhà, làm mộ cho người thân họ để riêng, tiền mua mắm mua muối cất vào túi, cái gì ra cái đó, họ tự quản lý chính bản thân mình; có chính quyền, cộng đồng bên cạnh nên chẳng ai chịu cảnh bơ vơ.
Nhiều dự định mới
Chật vật xếp mớ ván gỗ lại chỗ ngăn nắp, bà Hồ Thị Hương (làng Tắc Pát) cho biết vừa nhận được công việc mới trong ngày. Làng Tắc Pát trôi, nhà bà cũng bị cuốn đi theo đất đá. Chồng qua đời khi đứa con thứ hai còn trong bụng mẹ, giờ một đứa học lớp 12, một đứa học lớp 9. “Tiếc căn nhà thật, nhưng cũng phải cố gắng làm thêm, mình phải làm chỗ dựa, động viên cho các con ăn học!” – bà Hương nói.
Nhiều người trong làng Tắc Pát bị mất nhà cũng lo đi tìm công việc trang trải cuộc sống, đa số đi phát quế, làm rẫy, người yếu sức hơn thì dạo sang làng bên để nhặt rau, xếp ván gỗ như bà Hương, mỗi ngày công cũng kiếm được vài trăm nghìn. “Chỗ ở có rồi, mấy anh dân quân dựng cho, đồ ăn không thiếu, không sợ đói, giờ đi làm công kiếm tiền gửi thêm cho con đang học dưới Tam Kỳ” – bà Hương tâm sự.
Cuối làng Tắc Pát, còn hơn chục ngôi nhà may mắn thoát khỏi miệng hà bá, cũng là những vết tích còn sót lại của cả một ngôi làng, chỉ có điều vết tích ấy chứa đựng sự sống và hy vọng. Tranh thủ chất vội mớ củi trong bếp để sưởi ấm, anh Cao Thanh An lên vạt rẫy sau nhà để dắt trâu. Chỉ một con trâu đực khỏe mạnh, với vài sào sắn tự trồng, đây sẽ là kế sinh nhai mới của gia đình anh. Đợt bão số 9 và số 10 vừa qua, hàng xóm mất nhà, may mắn anh chỉ bị sạt mấy sào rẫy bên kia núi. An dự định sẽ tìm một rẫy mới, với sức người và sức trâu, tháng 3 năm sau gia đình lại có chỗ để gieo trồng.
Trước nhà anh An, căn nhà gỗ 3 gian của ông Nguyễn Văn Tùng bao năm qua thách thức thời gian, giờ phải cùng chủ chống chọi với thời tiết thất thường. Chẳng chút lo lắng gì, mặc dù căn nhà giờ đây trở thành điểm đầu “chiến tuyến”, trực diện với bãi sạt lở mà sông Xoang gây ra. “Đường nào cũng đi, xã bảo rồi, phải đi thôi. Nhưng giờ phải tự lo cho gia đình mình trước cái đã” – vừa nói, ông Tùng vừa hì hục đào hố trồng mấy gốc cau non trên mô đất sát bờ sông. Ông Tùng quan niệm rằng, xã sẽ giúp, nhưng hộ nào khó khăn hơn thì đi trước, mình đi sau. Nhà mình còn, chừ phải tự bảo vệ nó thôi, sớm muộn cũng đi, nhưng còn ở đây thì phải tự làm mà sống.
Mảnh vườn khoảng 500m2 của ông Hồ Cao Cường cũng được ông dự tính sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng sau khi gia đình dời đi nơi khác. Chẳng ai ngờ người làng Tắc Pát lại chu đáo đến mức, nhiều nhà có hẳn một khu vườn rộng, được “quy hoạch” rất bài bản, trong đó có một căn nhà để ở, một vạt rau xen dưới mấy gốc cau và một cái ao nhỏ để nuôi cá. Riêng ông Cường thì có thêm ngón nghề đan mây tre, mỗi ngày đan được 3 – 4 cái giỏ cũng đủ sống qua ngày.
“Sau khi dỡ nhà đi đến chỗ mới, nếu mảnh vườn này không bị sạt thì sẽ dùng làm trang trại, mọi thứ đều có sẵn ở đây, nhưng thay vì ở, tôi sẽ trồng rau, nhân giống quế và nuôi cá” – ông Cường nói.
Người Trà Leng vậy mà có tình cảm sâu đậm với cây quế Trà My, họ tin rằng quế chính là nguồn sống và là cách tốt nhất để giữ núi. Trôi mất năm nghìn gốc quế, cam trong vụ sạt lở vừa qua, nhưng ông Cường không vì thế mà bi quan, ngược lại ông hy vọng sẽ có một vụ mùa bận rộn. Theo ông Cường, nhà ươm sẵn hơn 500 gốc quế giống rồi, giờ chuẩn bị mua 3 – 4 nghìn gốc quế giống về trồng, trên này đất nhiều, chỉ bỏ công thôi.
Gió rít từng hồi, cuộc trò chuyện cũng dần chìm vào bóng tối. Tôi lại nhớ tới dự định của ông Hồ Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Leng về việc lắp đèn điện đi qua khu vực sạt lở nóc ông Đề. Tuyến đường qua khu vực này rất quan trọng, do đó, để đảm bảo cho việc đi lại của người dân, xã sẽ dùng kinh phí vận động được để thắp sáng nơi này…
Vận động nhân dân nỗ lực khôi phục sản xuất Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã thống nhất phương án bố trí tất cả hộ dân bị mất nhà tại nóc Ông Đề (thôn 1, Trà Leng) và Tắc Pát (thôn 2, Trà Leng) tại khu vực thao trường đã lựa chọn trước đó. Những ngày qua, công tác san lấp, giải phóng mặt bằng tại khu vực này được địa phương khẩn trương thực hiện. Bên cạnh xây dựng nơi ở mới, huyện Nam Trà My định hướng xây dựng ngôi làng này thành làng văn hóa kiểu mẫu của đồng bào người Mơ Nông. Hiện nay, huyện đã giao UBND xã Trà Leng tiếp tục tham vấn và làm việc cụ thể với các hộ dân để thống nhất phương án lựa chọn mẫu nhà và quy cách nhà cụ thể, nhưng đảm bảo việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào và các công trình cơ sở hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng được chính quyền xã Trà Leng tích cực thực hiện, trong đó tập trung vận động nhân dân nỗ lực khôi phục sản xuất. Bà Lê Thị Thu Hằng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng cho biết, do quỹ đất hạn chế nên toàn bộ khu vực thao trường sẽ được tận dụng để xây dựng nhà ở, một số hộ bị trôi rẫy thì địa phương sẽ có phương án hỗ trợ, tìm địa điểm sản xuất mới nhằm hạn chế việc khai hoang, tác động đến rừng và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. “Các tuyến đường cơ bản đã lưu thông trở lại bình thường, nên việc đi lại của người dân đảm bảo hơn. Do vậy, khu tái định cư cách xa khu vực đất canh tác của các hộ dân làng Ông Đề không ảnh hưởng lớn đến hoạt động canh tác của bà con” – bà Hằng nói. |
Phú Thiện
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/hy-vong-tra-leng-107041.html