Hòn Sơn – Điểm đến cuối tuần đang “ăn khách”

Những ai thích xê dịch đều biết rõ du lịch nước ngoài là bất khả kháng trong thời dịch Covid-19 này. Việc tìm đến những điểm du lịch trong nước đang là điều rất được khuyến khích hiện nay.

Hoàng hôn trên đảo Hòn Sơn.

Thí dụ như đi khám phá phong cảnh của một hòn đảo nằm giữa vịnh Hà Tiên, gần quần đảo Bà Lụa và đảo Hòn Tre, Kiên Giang, mà gần đây bỗng thu hút khá nhiều khách gần xa vì vẻ dân dã, hoang sơ. Đó là Hòn Sơn (hay còn được gọi là đảo Hòn Rái) thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải. Một hòn đảo nhỏ, chỉ rộng 11km vuông, đi loanh quanh chừng một tiếng đồng hồ là hết một vòng đảo, nhưng cũng đủ níu chân bạn, ít ra là đủ cho 2 ngày cuối tuần.

Bãi để ngắm

Hòn Sơn có rất nhiều dừa, và chúng rất cao.

Con đường vòng quanh đảo chỉ dài chừng 15km thôi, nhưng rất đẹp. Không chỉ vì uốn lượn qua nhiều vực biển có bờ nằm tít sâu bên dưới rì rầm sóng vỗ, ôm theo sườn núi nhấp nhô hay xuyên qua nhiều khu dân cư, làng biển mà còn gây ấn tượng với cơ man là dừa, bao phủ nhiều dưới bãi hay cheo leo bên vách núi.

Cây dừa nằm nổi tiếng được đặt tên cho bãi biển ở đây. Chỉ sáng sớm thế này, nó mới vắng khách.

Bãi biển được nhiều người tìm đến sống ảo nhất hòn đảo này là bãi Cây dừa nằm. Cây dừa vốn không xa lạ ở vùng biển, nhưng dừa ở đảo Hòn Sơn không chỉ mọc rất nhiều mà có một điểm đặc biệt là thân mảnh khảnh mà rất cao. Mỗi cây trung bình có thể cao trên dưới 20 mét, từ xa trông lêu nghêu như một điểm nhấn đặc trưng của Hòn Sơn. Không ít cây dừa, vì điều kiện tự nhiên, thời tiết, đã ngả hướng ra biển tạo nên những hình ảnh ấn tượng khiến dân du lịch ưa tìm đến để chụp ảnh. Bãi Cây dừa nằm này là điểm đến ăn khách và nổi tiếng nhất.

Một nữ du khách đang ngồi thiền đầu ngày cạnh cây dừa nằm.

Sau hiệu ứng hút khách của bãi Cây dừa nằm, khá nhiều nơi trên hòn đảo này cũng đã kịp có có những cây dừa nằm khác, dù có thể kiểu dáng chưa kịp độc đáo bằng và nổi tiếng bằng. Lý do là khá nhiều thân dừa được người làm du lịch ở đây chủ động cho ngả nằm rạp xuống, chăm bón gốc cho không bật khỏi đất và chằng níu thân cây cẩn thận trong một thời gian dài để “tạo hình” không khác gì nghệ nhân uốn nắn cây kiểng. Bãi Cây dừa nằm vốn không thích hợp để tắm, vì nhiều đá tảng, bãi cát hẹp, nhưng chụp ảnh thì khá tuyệt. Nếu muốn chụp ảnh, bạn phải đi thật sớm hoặc đến đây tránh những ngày cuối tuần. Tình trạng xếp hàng để được chụp hình cây dừa này xảy ra thường xuyên. Khách tìm đến đây còn chủ yếu là để ăn uống và nghỉ dưỡng ở dãy nhà nghỉ ven biển. Buổi sáng nơi đây rất hợp để bạn có thể hít thở không khí trong lành và ngồi tĩnh tâm.

Bãi để tắm

Bãi Bàng, bãi tắm lớn và đẹp nhất của Hòn Sơn.

Nhích lên một chút nữa với bãi Cây dừa nằm, là bãi Bàng. Có đường bờ biển dài hơn 1km uốn cong hình lưỡi liềm, đảo Hòn Sơn có nhiều bãi biển nhỏ, thành từng khu riêng biệt, như bãi Bàng, bãi Nhà, bãi Giếng, bãi Bấc, bãi Thiên Tuế,… đều khá sạch sẽ và hoang sơ. Trong đó, bãi Bàng được xem là bãi biển đẹp nhất với bãi cát dài, nước biển sạch trong cùng nhiều bãi đá lớn nhỏ thích hợp để tắm biển và chụp hình. Sườn núi ở bãi Bàng cũng như các bãi tắm này khá dốc nên lối đi xuống bãi tắm khá dốc và xa, nhưng cũng là sự khởi động nhẹ trước khi bạn lao xuống dòng nước mát lạnh của biển. Khu nhà tạm của dân chài ngay cạnh đó cũng là nơi để những ai có nhu cầu khám phá đời sống người dân dịa phương có thể tò mò tạt qua.

Chiều xuống ở một góc biển bãi Bàng.

Cũng như bãi Cây dừa nằm, bãi Bàng cũng như một số bãi biển nơi đây rất chiều chuộng sở thích thời thượng chụp hình sống ảo của du khách. Vì muốn hút khách, nên ngoài điều kiện tự nhiên, những bãi biển ở đây hay có thêm các công trình nhỏ làm bằng gỗ, tre như xích đu, võng, chòi… trên bờ biển và trong làn nước biển. Hay máng mắc dây lên những ngọn dừa cao, dù những “công trình” này hơi thô mộc. Dịch vụ du lịch ở Hòn Sơn còn khá sơ sài, nhưng cũng cho thấy dân ở đảo đã biết cách níu chân du khách, ít nhất là trong suy nghĩ của họ. Nhưng trên hết, níu chân du khách vẫn là phong cảnh của nơi đây, núi non và biển cả của một vùng thanh vắng.

Người dân địa phương đi lượm rác ở bãi biển. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường bãi biển, cũng là vấn đề đang được quan tâm ở Hòn Sơn.

Núi để leo

Lối đi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh luôn có nhiều bảng quảng cáo về hàng quán dọc đường.

Đảo Hòn Sơn còn có 7 ngọn núi, trong đó hay được nhắc đến nhất là đỉnh núi Ma Thiên Lãnh ở độ cao 450m. Đây cũng là đỉnh núi mà du khách ưa chọn leo nhất. Một độ cao và quãng đường sẽ khiến dân leo núi chuyên nghiệp bĩu môi và những ai từng leo núi “văn phòng” ở Bà Đen, Chứa Chan… sẽ thấy rất bình thường. Nhưng độ cao này vừa đủ cho thời gian khám phá đảo của bạn mất thêm một buổi nữa, thong dong với cây rừng và gió biển. Bù lại, đỉnh núi giúp nhìn bao quát phong cảnh Hòn Sơn và những bãi biển xinh xắn rợp bóng dừa bên dưới. Hầu hết hành trình của những ai đến với Hòn Sơn đều dành thời gian để leo núi, băng rừng lên đỉnh tha hồ ngắm trời mây non nước.

Du khách đang đu dây thừng để leo lên đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Độ dốc của núi ở những đoạn giữa và đỉnh có khả năng thử thách du khách một chút, nhưng không khó vượt qua nếu bạn biết… thở. Những lối leo dốc trên các tảng đá phải níu lấy rễ cây hay dây thừng cột sẵn cũng đủ cho bạn thêm chút hồi hộp. Những câu chuyện hóng được từ sự niềm nở của người dân, của các chủ quán ven đường đi sẽ khiến bạn thấy thú vị hơn. Nhất là những câu chuyện về vài chục năm đến gần trăm năm nước, khi xung quanh lối đi núi còn là rừng nguyên sinh rậm rạp và nhiều thú. Một ngôi chùa nhỏ lẻ loi bên lối đi gần đỉnh núi, mấy hang động nhỏ nơi đỉnh núi với dấu vết của chuyện những người ẩn thân, tu hành luyện võ đi kèm các câu chuyện tâm linh ngày xưa cũng góp phần cho hành trình leo núi thêm thú vị và hấp dẫn.

Trước khi lên đến đỉnh, phải leo qua một cái hang, vốn từng là nơi ẩn tu nhiều kỳ bí của một số người tu hành từ thế kỷ trước.
Những chùm rễ ấn tượng của cây cổ thụ trên đỉnh Ma Thiên Lãnh.
Một góc Hòn Sơn nhìn từ đỉnh Ma Thiên Lãnh.

Đêm để dạo biển và ăn hải sản

Đêm, mọi hoạt động chủ yếu diễn ra khu trung tâm của đảo, nơi có cầu cảng, với bãi Nhà bên cạnh, cũng là nơi tập trung các nhà nghỉ, khách sạn của đảo và khu chợ đêm nho nhỏ duy nhất nơi đây, cặp theo mé bờ kè sát biển. Nếu thích không gian yên tĩnh, bạn nên ưu tiên đi dạo ở cầu tàu, nghe sóng vỗ và nhìn cư dân địa phương cần mẫn câu đêm. Thèm không khí nhộn nhịp vướng mùi hải sản, sẽ dễ dàng tìm được nhiều quán hải sản đủ loại với giá khá mềm ngay tại cầu cảng bãi Nhà. Các quán ăn nơi đây rất sẵn lòng chế biến lại cho bạn những thứ vừa mua theo yêu cầu với giá công khá rẻ.

Các quán ăn hải sản luôn là điểm đến buổi tối được ưa chuộng của du khách khi lên đảo Hòn Sơn.

Đi mùa này, là mùa có mực, tôm, ghẹ ngon và giá rẻ. Bạn cũng có thể ra chợ Bãi Giếng hoặc dọc theo bờ biển này cũng có một số thúng hàng bán hải sản mà dân địa phương vừa thu mua dưới ghe hoặc nhà bè đem lên, rồi nhờ chủ nhà nghỉ hoặc các nhà dân bên biển Bãi Bàng chế biến. Giá chế biến và thuê chén đĩa cũng chỉ từ 50.000 – 80.000 đồng. Một số các món hải sản ngon bạn không thể bỏ qua khi đến đảo Hòn Sơn là: tôm, cá, mực, bạch tuộc, nhum (cầu gai), gỏi cá trích, gỏi ốc giác, tôm tích hấp gừng hay lẩu hải sản. Giá cả, hẳn nhiên là rẻ hơn đất liền, và tất nhiên, là tươi hơn.

Hòn Sơn với bãi biển ở trước bãi Nhà được quây lại thành từng ô lớn để nuôi ốc hương.

Thời gian để đi thuận tiện nhất

Hiện, đang là mùa đẹp nhất để đi Hòn Sơn, từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm. Mùa biển đẹp và đánh bắt thuận tiện, hải sản rẻ.

Xe máy trên đảo cho thuê với giá 200.000 – 250.000 đồng/chiếc.

Lưu ý tàu cao tốc đi Hòn Sơn, đặt mua từ xa mùa cao điểm, cuối tuần rất dễ bị hủy vé, đổi chuyến giờ chót, dễ có nạn vé chợ đen đắt hơn. Lý do vì khách đông, mà mỗi ngày chỉ có 2 chuyến tàu cao tốc ra đảo và ngược lại, xuất phát lúc 6h35 và 8h40 tại Rạch Giá và 11h, 12h tại Hòn Sơn nên bạn cần phải chắc chắn lịch trình kẻo nhỡ tàu. Thuận tiện nhất để đi Hòn Sơn là tối thứ 6, tầm 10-11h từ Sài Gòn lên xe khách, đến thành phố Rạch Giá khoảng 5h sáng thứ 7. Đi xe trung chuyển ra bến tàu mất 30 phút. Trưa Chủ nhật lên tàu về lại đất Rạch Giá.

Nếu xe khách đến bến tàu ở Rạch Giá sớm – mà điều này thường xảy ra, có thể bạn phải thuê võng nằm đợi đến giờ tàu chạy. Giá 10.000 đồng/ võng.

Giá vé xe Sài Gòn – Kiên Gang: 200.000 đồng/vé (nhà xe Phương Trang, Việt Đức…). Vé tàu từ bến tàu Thạnh Thới đi Hòn Sơn: 140.000 đồng. Giá nhà nghỉ ở đảo khá rẻ, trung bình 400.000-450.000 đồng/ phòng 3, 4 giường.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/hon-son-diem-den-cuoi-tuan-dang-khach/

Cùng chuyên mục