“Hồn gốm” Thanh Hà
Một trong các mô hình hoạt động thanh niên ở TP. Hội An để lại dấu ấn với nhiều người là Câu lạc bộ “Hồn gốm” của thanh niên phường Thanh Hà.
Câu lạc bộ (CLB) “Hồn gốm” của thanh niên phường Thanh Hà hình thành và đi vào hoạt động từ tháng 8.2018 gồm 16 thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ, đang là những người thợ từng ngày gắn bó với làng nghề gốm truyền thống. Họ đang cùng các bậc cha anh làm nên những sản phẩm thể hiện nét nghệ thuật đặc sắc, riêng biệt, mang đậm “hồn đất, hồn người” Hội An – Quảng Nam.
Lấy tên gọi “Hồn gốm”, các bạn trẻ nơi đây muốn lưu giữ mãi hồn cốt của quê hương và không ngừng nuôi nấng tâm hồn của người thợ đầy tài hoa, sáng tạo. “Có 3 mục tiêu chính của câu lạc bộ. Thứ nhất là tập hợp các thanh niên làm việc trong làng gốm để tạo sự đoàn kết và làm ra những sản phẩm mới. Thứ hai là chúng tôi muốn quảng bá làng gốm Thanh Hà rộng trên địa bàn Hội An nói riêng cũng như cả nước nói chung. Thứ ba là chúng tôi muốn khích lệ truyền nghề cho giới trẻ và thanh niên trong cũng như ngoài làng” – anh Trần Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHTN phường, Chủ nhiệm CLB “Hồn gốm” cho biết.
Dù mới ra đời nhưng mô hình của các bạn trẻ “Hồn gốm” tạo được ấn tượng bằng chính những sản phẩm hàng ngày các bạn cùng gia đình làm ra như con thổi, bình cắm hoa, bùng binh, đèn sân vườn, đèn trang trí, mặt nạ… đang được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến tham quan du lịch Hội An, trải nghiệm khám phá cuộc sống làng nghề ở Thanh Hà. Đáng chú ý là hiện nay, trên nền tảng xây dựng và phát triển ý tưởng của nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (đến từ TP. Hồ Chí Minh), được 2 thợ trẻ của làng nghề là Nguyễn Viết Lâm, Lê Văn Nhật tiếp thu và chế tác, các bạn trẻ cùng những người thợ làng gốm Thanh Hà đã tạo ra bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An” làm từ đất sét công nghiệp, giới thiệu 9 món ăn đặc sản nổi tiếng của phố cổ, được du khách rất yêu thích. Bộ sản phẩm gồm 9 món ăn: cao lầu, mỳ Quảng, cơm gà, tôm hữu, bánh bao bánh vạc, hoành thánh, ram, bánh xèo, bánh mì… được chuyển hóa bằng những mô hình tinh tế, đẹp mắt, thể hiện tình cảm và tâm huyết của người thợ với di sản mà các bậc cha ông trao truyền, góp phần quảng bá giá trị văn hóa nghề gốm Thanh Hà và văn hóa ẩm thực Hội An – Quảng Nam. Thợ trẻ Nguyễn Viết Lâm tâm sự: “Mình muốn làm một sản phẩm gì đó thì phải nghĩ trước trong đầu là nó được làm như thế nào, cấu hình như thế nào để cho vào lò cho chắc chắn. Trước tiên là mình phải suy nghĩ và phải đặt mình vào trong sản phẩm đó. Mỗi sản phẩm đều là đứa con tinh thần của mình!”.
Tại Festival gốm Thanh Hà – Hội An năm 2018 vừa qua, với sự tham gia của nhiều làng nghề gốm truyền thống Việt Nam như: Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Bầu Trúc (Ninh Thuận), Lư Cấm (Khánh Hòa) và Vĩnh Long…, những gian hàng trưng bày của các bạn trẻ CLB “Hồn gốm” vẫn thu hút sự chú ý và để lại tình cảm tốt đẹp của nhiều người nhờ sự sáng tạo mới lạ trong chi tiết thể hiện trên sản phẩm, sự tìm tòi thử nghiệm mẫu mã mới, phong cách trẻ trung nhiệt tình trong những trải nghiệm làm nghề… Từ thực tiễn, thợ trẻ Lê Văn Nhật trao đổi về những dự định mới: “Muốn phát triển những mẫu quảng bá về làng nghề, nhất là về trang trí, thu hút khách du lịch đến xem nhiều hơn và muốn phát triển thêm những cái mới lạ hơn nữa”.
Sắp tới, CLB “Hồn gốm” tiếp tục duy trì những hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng làm nghề, sẽ tổ chức các cuộc thi sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm mới và từng bước đưa hoạt động tiếp cận vào trường học, nói chuyện và hướng dẫn về nghề gốm Thanh Hà cho các em học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn…
Đỗ Huấn
Theo báo Quảng Nam