Hôm nay, Đà Nẵng chuyển sang trạng thái mới

Sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, chiều 10-9, UBND thành phố ban hành văn bản về việc chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11/9. Việc chuyển đổi sang trạng thái có nguy cơ lây nhiễm thấp tạo thuận lợi cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Mở cửa hàng ăn uống, từ 14/9 học sinh cấp 2-3 đi học trở lại

Theo văn bản số 6055/UBND-SYT ngày 10-9 của UBND thành phố, kể từ 0 giờ ngày 11/9 cho đến khi có thông báo mới, toàn thành phố tiếp tục chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Điều 5, Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 4/9 về Quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình hiện nay. Theo đó, UBND thành phố cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại nhưng phải có cam kết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

da-nang-chuyen-sang-tinh-hinh-moi
Các nhà hàng, quán ăn chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Trong ảnh: Công tác chuẩn bị tại quán cà phê Mayaca (113 Lê Đình Dương, quận Hải Châu). Ảnh: M.QUẾ

Trong đó, cần lưu ý đối với người chế biến thức ăn, đồ uống, chủ nhà hàng, chủ quán, người phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng; bố trí chỗ ngồi cho khách ăn, uống đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét; bố trí khu vực và yêu cầu khách hàng rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi. Việc người dân đi chợ vẫn được triển khai theo phương án phân chia tần suất bằng “thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).

Đối với hoạt động dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố, UBND thành phố thống nhất cho các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học lại từ ngày 14/9. Các trường cao đẳng, đại học; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do hiệu trưởng, thủ trưởng các trường, cơ sở đào tạo quyết định ngày đi học lại của học sinh, sinh viên, học viên trên cơ sở hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và phải từ ngày 14/9 trở đi.

Đối với các nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học; các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm…bắt đầu đi học lại từ ngày 21/9. Ngoài ra, những sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội quá 30 người và thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện…tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người; khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người.

Bên cạnh đó, tiếp tục tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, các điểm vui chơi, giải trí có thưởng, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử; hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động bơi lội tại các bể bơi trong nhà, ngoài trời; hoạt động thể thao võ thuật tiếp xúc trực tiếp.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết; không lơ là, chủ quan

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, việc chuyển sang trạng thái có nguy cơ lây nhiễm thấp không có nghĩa lơ là, chủ quan các biện pháp phòng, chống dịch. Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, hiện nay nguy cơ lây nhiễm vẫn còn trong cộng đồng. Các sở, ngành, địa phương tùy theo tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết, phù hợp.

da-nang-chuyen-sang-tinh-hinh-moi
Các nhà hàng, quán ăn chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Trong ảnh: Công tác chuẩn bị tại nhà hàng Thái Market (43 Bình Minh 5, quận Hải Châu).

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hà Bắc, việc tiếp tục sử dụng thẻ đi chợ trong thời điểm hiện nay là phương án hiệu quả khi thành phố mới chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19. “Sở Công thương cũng đã chuyển văn bản đề nghị UBND các quận, huyện triển khai tới các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích về việc cam kết áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19, bảo đảm an toàn cho người lao động trong khu dịch vụ và khách hàng”, ông Bắc cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, vai trò của người dân trong phòng, chống dịch chính là chấp hành các quy định về lâu dài hình thành những thói quen an toàn để có thể sống chung với dịch bệnh. “Trong tình hình hiện nay, người dân vẫn nên hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện công cộng… Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc; không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Việc cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực thiết yếu sẽ gỡ bỏ phần nào những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp đang đối mặt. Ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Mayaca cho biết, sau khi nhận được thông tin thành phố cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực, công ty đã sẵn sàng để mở cửa 3 quán cà phê Mayaca trên địa bàn thành phố vào sáng mai, tuyển dụng thêm nhân sự pha chế phục vụ, kiểm tra thiết bị, đổi mới nguyên vật liệu pha chế và vệ sinh tổng thể các quán. “Chúng tôi hướng dẫn nhân viên quản lý sắp xếp bàn ghế giữ khoảng cách theo đúng yêu cầu phòng, chống dịch của văn bản thành phố ban hành”, ông Tiến cho biết.

Cùng tâm trạng đó, trong chiều 10/9, chị Hải, chủ cửa hàng trà sữa Đà Nẵng 1975 (đường Bạch Đằng) đã cùng nhân viên vệ sinh hàng quán, nhập nguyên liệu để sẵn sàng hoạt động trở lại vào 0 giờ ngày 11/9. “Từ cuối tháng 7 đến nay, quán phải đóng cửa theo quy định của thành phố để phòng, chống dịch nên gặp nhiều khó khăn về doanh thu. Việc cho phép mở cửa trở lại giúp giải quyết được bài toán kinh doanh, tất nhiên các biện pháp phòng, chống dịch phải được đảm bảo đảm”, chị Hải cho biết.

Cách ly tại cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam nhập cảnh

Chiều 10/9, Sở Du lịch thành phố cho biết vừa ban hành văn bản về việc chuẩn bị các cơ sở lưu trú và phương án mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam nhập cảnh.

Theo đó, hiện Đà Nẵng có 3 khách sạn với 148 phòng, công suất phục vụ 298 khách (đã có quyết định phục vụ khách cách ly y tế của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố) sẵn sàng phục vụ khách cách ly y tế tại khách sạn do người được cách ly tự nguyện chi trả (các khách sạn không có khách). Sở Du lịch đề xuất, trước mắt giao Sở Y tế công bố rộng rãi thông tin của 3 khách sạn này và ưu tiên sử dụng phục vụ cách ly y tế cho người nhập cảnh trong thời gian đến.

Ngoài ra, Sở Du lịch đã chuẩn bị dự phòng thêm 21 khách sạn với 1.279 phòng, dự kiến có thể phục vụ 2.346 khách. Sở Du lịch sẽ phối hợp với  Sở Y tế kiểm tra thực tế các điều kiện phòng, chống dịch và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố.

Về phương án mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú đối với người lnước ngoài và người Việt Nam nhập cảnh, Sở Du lịch đề xuất giao cho Sở chủ trì phổ biến chủ trương để các khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có thu phí với yêu cầu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tại cơ sở cách ly như: cơ sở vật chất, nhân lực, yêu cầu phục vụ khác…theo quy định. Đề xuất cho phép các khách sạn đủ điều kiện là địa điểm cách ly có thu phí được quyết định giá dịch vụ và đăng ký niêm yết công khai giá dịch vụ lưu trú và dịch vụ khác trong khách sạn…

 Thu Hà

Phan Chung – Mai Quế

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5399/202009/hom-nay-da-nang-chuyen-sang-trang-thai-moi-3707942/

Cùng chuyên mục