Hồi sinh con đường nước
Tuyến đường xe lửa kiểu Decauville từ Đà Nẵng đi Hội An khai trương năm 1905. Nhưng chỉ 11 năm sau, tuyến đường bị hủy bỏ, một phần do sự tàn phá của cơn bão năm đó và thêm nạn gió cát vùi lấp. Chạy dọc theo triền cát phía Ngũ Hành Sơn nên có thể hình dung đường xe lửa Đà Nẵng – Hội An nằm “song song” với tuyến đường thủy phía tây. Tất nhiên, khi ấy, sông Cổ Cò (Cảnh Lộ giang) đã bị bồi lấp nặng.
Tài liệu của Pháp (phúc trình của Phòng Tư vấn hỗn hợp thương mãi và canh nông Trung Kỳ, đọc trước Hội đồng Tối cao Đông Dương năm 1902) xác nhận “khoảng năm 1891, người ta vẫn còn đi lại dễ dàng trên con sông nối liền Đà Nẵng với Hội An bằng xà lúp”. Đại Nam nhất thống chí nhà Nguyễn (chép sự việc đến năm 1906) thì ghi nhận “nay nước sông cạn, ghe thuyền đi không thông”. Như vậy, thời điểm “tắc” tuyến sông quan trọng là những năm cuối thế kỷ XIX.
Hơn 1 thế kỷ nay, sứ mệnh lưu thông đường thủy kết nối 2 cảng lớn trong quá khứ đã thực sự gián đoạn. Đây là lý do cần nhắc lại tuyến đường xe lửa Đà Nẵng – Hội An bị ngưng từ đầu thế kỷ XX, để tăng thêm phần… tiếc nuối cho tuyến đường thủy thậm chí còn bị bỏ rơi sớm hơn.
Thế rồi, dòng sông ấy đang có dấu hiệu hồi sinh.
Hôm 17/12, một số bài báo cùng nhắc tên con sông Cổ Cò dưới những dòng tít đầy hy vọng: Đánh thức tiềm năng một dòng sông (VOV), Khai thông “long mạch” Cổ Cò (Thanh Niên). Có thể kế hoạch khai thông dòng chảy sẽ dẫn câu chuyện đi xa hơn, như phát triển hệ thống đô thị ven sông, kết nối du lịch, kích hoạt một vùng quê nghèo…, nhưng trước mắt chủ trương khơi dòng sông chết đã phát đi tín hiệu tốt lành. Nhiều chỉ dấu cho thấy năm 2020 là thời điểm mang ý nghĩa quyết định trong khâu hợp tác nạo vét 28km sông giữa chính quyền 2 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng. Nói “mang ý nghĩa quyết định” vì thực ra, ngay từ khi 2 tỉnh thành này tái lập (năm 1997), câu chuyện khơi thông Cổ Cò cũng từng được đề cập nhưng rồi đã phải trì hoãn cho đến tận bây giờ.
Vài năm trước, đã có nhiều ý tưởng thú vị về tuyến đường thủy này: thuyền từ cảng sông Hàn chạy vào phía Hội An, để du khách có chuyến trải nghiệm độc đáo. Lúc đó, ý tưởng ấy được cho là quá “lãng mạn”, vì chỉ nghĩ đến công đoạn nạo vét lòng sông, đền bù diện tích đất nông nghiệp mà người dân canh tác lâu nay… đã đủ khiến những người lạc quan nhất cũng phải chùn bước.
Trong biên khảo Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975 của Võ Văn Dật in tấm bản đồ chi tiết “con đường nước nối liền Đà Nẵng và Hội An ngày xưa” (phóng lớn từ bản đồ do Le Floche de la Carrière vẽ năm 1787), thấy sông Cổ Cò được đánh số 4. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Võ Văn Dật gọi sông Cổ Cò là “con đường nước”. Và không phải vô cớ mà nay con đường nước ấy hồi sinh.
H.X.H
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/su-kien-binh-luan/201912/hoi-sinh-con-duong-nuoc-886480/