Hồi sinh cây chè Quyết Thắng
Từ lâu, chè Quyết Thắng đã được nhiều người biết đến với hương vị đặc trưng. Có thời điểm diện tích trồng chè Quyết Thắng giảm đi đáng kể, gần đây Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng nỗ lực tái cơ cấu, đổi mới hình thức sản xuất và dần tìm lại thương hiệu trên mảnh đất vùng cao Đông Giang.
Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng tiền thân là Nông trường chè Quyết Thắng đóng trên địa bàn xã Ba (Đông Giang), từ lâu đã nổi tiếng là đơn vị sản xuất chè có quy mô lớn của Quảng Nam. Sau cổ phần hóa vào cuối năm 2017, khắc phục nhiều khó khăn, công ty từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, đầu tư máy móc, làm ăn ngày càng có hiệu quả, nhất là góp phần giải quyết lao động tại chỗ cho người dân địa phương. Đến nay, công ty tuyển dụng mới, đào tạo và giải quyết hơn 70 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Chị ATing Thị Hiếu (người dân xã Ba) chia sẻ: “Công ty ở gần nhà nên thuận lợi cho việc sinh hoạt, đi lại và lương cũng tương đương với các công ty khác. Thanh niên ở xã Ba, xã Tư vào đây làm nhiều, vừa làm ở bên xưởng và ngoài đồng”.
Bên cạnh việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng còn phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phương án đầu tư mở rộng diện tích chè ra nhân dân trên địa bàn với hình thức liên kết đầu tư. Công ty đang quản lý gần 300ha chè xanh, trong đó có 100ha đang cho thu hoạch, gần 200ha còn lại đang được cải tạo, trồng mới. Nếu năm 2017 năng suất khoảng 7 – 8 tấn chè/ha thì hiện nay giống chè cũ sau khi được cải tạo bước đầu nâng lên 12 tấn/ha, có diện tích đã nâng lên 14 – 15 tấn/ha. Để đảm bảo đời sống của hơn 60 hộ nhận khoán chăm sóc cây chè, công ty đưa ra giá thu mua bình quân 4.500 đồng/kg chè búp tươi. Sau 2 năm chuyển đổi mô hình quản lý, năng suất năm 2019 tăng 40 – 50% so với trước khi cổ phần hóa.
Ông Nguyễn Đại Trường – Phó Giám đốc Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng cho biết, ban lãnh đạo công ty quyết tâm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Một thuận lợi của việc cổ phần hóa là vốn được tự chủ để tái kiến thiết và tổ chức sản xuất. Đơn vị mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, khôi phục và phát triển đồng chè ở các xã Ba, xã Tư. Ngoài ra, đơn vị đang nghiên cứu, gieo ươm các giống chè mới chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để thay thế dần các diện tích chè già cỗi. Sau hai năm cổ phần hóa, đến nay người lao động dần thay đổi cung cách làm việc, nhiều khu vực trồng chè hoang hóa được phục hồi, đem lại thành công bước đầu cho đơn vị.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng chè xanh ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ rộng, kéo theo giá chè tăng… Đây chính là niềm vui và động lực để người trồng chè Quyết Thắng an tâm phát triển vườn chè. Từ đó, giải quyết thêm công ăn việc làm, thực sự trở thành hướng thoát nghèo của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Nghiêm – Chủ tịch UBND xã Ba cho biết: “Nơi đây có khí hậu rất đặc trưng là ảnh hưởng khí hậu từ vùng biển Đà Nẵng kết hợp với khí hậu của vùng Tây Trường Sơn nên phù hợp cho việc phát triển cây chè. Thời gian qua, Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng có nhiều nỗ lực đổi mới hình thức sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho lao động. Hiện sản phẩm chè xanh Quyết Thắng đang xây dựng thành sản phẩm OCOP ở địa phương. Tôi tin việc quản trị tốt, mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời liên kết với người dân sẽ mở ra hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế từ cây chè. Qua đó, cũng giúp địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Thái Bình
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/hoi-sinh-cay-che-quyet-thang-88694.html