Hội đồng Anh tìm kiếm 10 nghệ sĩ âm nhạc đương đại cho chương trình FAMLAB tại Hội An

Hội đồng Anh tại Việt Nam đang tìm kiếm nghệ sĩ âm nhạc đương đại sinh sống tại Việt Nam để tham gia chương trình lưu trú FAMLAB tại Hội An, vào tháng 6/2019.

Chương trình lưu trú FAMLAB tại Phù Sa Lab, tháng 1/2019.
Chương trình lưu trú FAMLAB tại Phù Sa Lab, tháng 1/2019.

Chương trình thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản Kết nối (do Hội đồng Anh tại Việt Nam triển khai) và thực hiện với sự phối hợp cùng Lune Production và Phù Sa Lab (Giám đốc Âm nhạc Nguyễn Nhất Lý cùng các thành viên của dàn nhạc SEAPHONY), chương trình lưu trú FAMLAB hướng đến sự giao lưu, trao đổi và chia sẻ chuyên sâu về âm nhạc bản địa.

Với sự tham gia của các nghệ nhân và nghệ sĩ đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam và Scotland, chương trình lưu trú sẽ diễn ra trên khung nền là âm nhạc bản địa của các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, với các nghệ sĩ Phù Sa Lab trong vai trò cố vấn và điều phối nghệ thuật.

Chương trình sẽ diễn ra trong 20 ngày làm việc và tập luyện (6–25/6/2019), kết thúc với một buổi diễn tổng kết tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp, Hội An, Đà Nẵng, giới thiệu các tác phẩm thể nghiệm được phát triển trong quá trình lưu trú.

Hội đồng Anh sẽ sắp xếp và đài thọ chi phí đi lại, ăn ở trong suốt thời gian diễn ra chương trình cho các nghệ sĩ tham gia.

Di sản Kết nối là dự án trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, kéo dài trong 2 năm, nhằm tìm hiểu việc sử dụng di sản văn hóa để phát triển và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Dự án này sẽ làm việc với di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một.

Hai hợp phần của dự án có liên kết chặt chẽ: Hoạt động văn hóa cộng đồng, và Lab Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab).

Khởi động vào tháng 4/2018, dự án nhằm kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó.

Các hoạt động của dự án bao gồm nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách (bao gồm đối thoại chính sách và cộng đồng), cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại.

Kim Thoa
Theo Giáo Dục và Thời Đại

Cùng chuyên mục