Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 15 tại TP.HCM
Từ ngày 4 đến 7/9, Hội chợ Du lịch Quốc tế lần thứ 15 – cửa ngỏ du lịch đến với châu Á sẽ diễn ra tại thành phố.
Là cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm kinh tế lớn, địa điểm thu hút khách du lịch, thành phố là lựa chọn hàng đầu để đăng cai tổ chức hội nghị, triển lãm dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Cụ thể, số lượt khách quốc tế đến thành phố tăng từ 5,2 triệu người (năm 2016) đến 7,5 triệu lượt (năm 2018). Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượt khách quốc tế TP đạt 711.000 lượt, tổng doanh thu du lịch của TP HCM đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Sở Du lịch TP HCM đánh giá, sự tăng trưởng tích cực của ngành phải kể đến sự đóng góp của thị trường khách công vụ (du lịch MICE); mở ra một thị trường tiềm năng, trở thành một điểm đến mới tại Đông Nam Á. Số liệu báo cáo năm 2017 của Tập đoàn tư vấn McKinsey, có đến 17% số du khách đến thành phố vì mục đích công việc, cao hơn so với mức bình quân 14-15% khu vực.
Ðiều này khẳng định thành phố có sức hút mạnh đối với thị trường khách MICE, góp phần vào việc nâng cao giá trị kinh tế của ngành du lịch, sự phát của thành phố. Hiện, TP HCM phát triển nhanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, số khách sạn xếp hạng sao tăng đều qua các năm. Từ 1.461 cơ sở lưu trú du lịch với 34.091 phòng đã phân loại, xếp hạng năm 2011, đến cuối năm 2018, tăng lên 1.799 cơ sở lưu trú du lịch với 46.257 phòng.
Ngoài ra, thành phố sở hữu hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, hạng sang có khả năng phục vụ ăn uống với thực đơn cao cấp, đa dạng, phong phú theo yêu cầu của khách. Địa danh có hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, khu vui chơi giải trí như sân golf, trung tâm thương mại cao cấp. Đến cuối năm 2018, Sở Du lịch cấp biển hiệu dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách cho 72 cơ sở mua sắm, 139 nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Hiện nay, một số quận huyện chủ động xây dựng đề án hình thành các tuyến phố đi bộ, kết hợp quảng bá, giới thiệu ẩm thực theo hướng chuyên nghiệp, lâu dài.
Bên cạnh đó, thành phố sở hữu hệ thống các trung tâm hội nghị triển lãm chuyên nghiệp, có khả năng cung cấp nhiều tiện ích phục vụ du lịch MICE như sảnh tiệc, trung tâm Hội nghị Triển lãm SECC, trung tâm Hội nghị GEM Center với không gian đa chức năng trong nhà, ngoài trời, diện tích gần 10.000m.
Từ một thành phố ít lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, ngành du lịch tiếp cận những giá trị hấp dẫn khác để hình thành những sản phẩm đặc trưng, từ đó phát triển du lịch văn hoá, giải trí, thể thao sôi động: như Giải Marathon quốc tế, Lễ hội Áo dài, ngày hội du lịch thành phố, lễ hội ẩm thực Đất Phương Nam.. nhiều công trình sáng tạo trở thành điểm đến được du khách yêu thích như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, toà nhà Bitexco…
Bên cạnh đó, cách tiếp cận thị trường linh hoạt, sự đổi mới liên tục trong thu hút, gắn kết du khách quốc tế thể hiện rõ qua Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE HCMC cải tiến về quy mô, chất lượng, chương trình nghệ thuật mang tầm quốc tế, giao lưu rộng với báo giới quốc tế, ứng dụng công nghệ vào tiếp cận du khách. Trong quá trình định hướng phát triển, thành phố xác định khuyến khích sáng tạo sản phẩm du lịch, gắn kết với cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, so với các thành phố trong khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur thì du lịch MICE TP HCM còn nhiều hạn chế tập trung ở hệ thống cơ sở vật chất, số lượng lượng địa điểm với chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, tại Thái Lan, Trung tâm Muang Thong Thani có diện tích 47.000m2, trung tâm Hội chợ, Triển lãm Quốc tế Bangkok (BITEC) rộng 50.000m2… trong khi trung tâm Triển lãm Sài Gòn SECC diện tích 5.000m2.
Để phát triển nhanh, bền vững loại hình du lịch MICE, tương lai, thành phố tiếp tục khắc phục những tồn tại liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, giao thông, visa, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh, nhằm khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư xây dựng thêm các khách sạn 4-5 sao, trung tâm hội nghị triển lãm lớn.
Hội chợ Du lịch Quốc tế (International Travel Expo Ho Chi Minh City) lần đầu tiên tổ chức năm 2005, là một trong những sự kiện du lịch lớn khu vực tiểu vùng sông Mêkông, thu hút hàng trăm đơn vị trưng bày, khách quốc tế. Năm 2015, sự kiện ghi nhận sự tham dự của 450 khách quốc tế, 13 báo chí nước ngoài, 25.623 khách tham quan, 73 đơn vị triển lãm là các hãng hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Quy mô của sự kiện qua các năm mở rộng theo hướng chuyên nghiệp, năm 2018, chương trình thu hút 600 người bán và người mua quốc tế, 50 báo chí quốc tế, 35.000 khách tham quan, 122 đơn vị tham gia triển lãm.
Lê Nguyễn
Theo VnExpress