Họa sĩ Lê Kinh Tài: “Hài nhi tóc bạc”
Không nghi ngờ gì nữa, Lê Kinh Tài hiện là một trong vài họa sĩ gây tranh cãi nhất của đất Quảng và của Việt Nam. Với tranh của anh: người thích thì rất thích, người chê thì rất chê; giới phê bình, nghiên cứu cũng chia làm mấy luồng dư luận tương tự. Riêng về giá bán, tranh của anh thuộc nhóm vài tác giả cao giá nhất Việt Nam.
Trong từng tác phẩm của Lê Kinh Tài, về bề mặt, chúng ta có thể thấy rõ 4 động tác phổ biến, đó là “quệt, bôi, trát, phết”, vắng bóng sự tỉa tót, nắn nón. Gọi Lê Kinh Tài là “hài nhi tóc bạc”, đầu tiên cũng ở khía cạnh này, nơi anh “vẽ” – nếu có thể gọi vậy – rất tự nhiên nhi nhiên. Dù kinh qua trường hớp, học hành bài bản, viết thông điệp (artist’s statement) rõ ràng, nhưng khi vẽ, dường như anh muốn dùng cái “tâm hài nhi” để được tự nhiên và tự do nhất trong thể hiện.
Như nhà nghiên cứu Mai Chi đã nhận xét: “Lê Kinh Tài băn khoăn về con người và xã hội nói chung – nơi các sinh linh chen chúc, bấu víu, cắn xé nhau, nhưng chủ yếu, anh bị ám ảnh bởi chính bản thân mình. Trong thế giới của anh, những hình thù nửa người nửa thú cố gắng di chuyển trong những khung tranh khổng lồ, nhưng vẫn chật chội”.
“Trách nhiệm của người nghệ sĩ là chuyển tải các thông điệp mang tính nhân văn từ cuộc sống va đập vào mình thông qua tác phẩm. Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật do người nghệ sĩ tạo ra với mục đích cao cả nhất là phục vụ món ăn tinh thần cho chính con người thời đại đó” – trong một cuộc phỏng vấn, Lê Kinh Tài cho biết.
Rõ ràng họa sĩ này không phải là người vô tư vô tâm trước bộn bề cuộc sống, những chữ viết lên bề mặt tác phẩm, lúc tiếng Việt lúc tiếng Anh, cũng thể hiện điều này. Đôi khi viết cả sự bực dọc, chửi bới…, như cách của nhiều nghệ sĩ phản kháng ở đường phố. Thế nhưng về tổng thế, tác phẩm của Lê Kinh Tài luôn mang đến cho người xem cảm giác lạc quan, vui sống, với nguồn năng lượng tích cực. Có lẽ vì điều này mà tác phẩm của anh ít khi nào làm cho phụ nữ trẻ em thấy sợ, dù họ có thể thích hoặc không. Một bí mật, điểm danh những nhà sưu tập mê tranh Lê Kinh Tài, phần nhiều là nữ giới.
Chắc chắn Lê Kinh Tài không thể tự nhiên nhi nhiên có được tâm thế hài nhi trong sáng tạo, mà phải nhờ vào sự tìm tòi, luyện tập. Đây cũng là sự thú vị khi đến với triển lãm Nhìn lại, nơi chắc lọc những tác phẩm tiêu biểu trong 10 năm chín muồi của sự nghiệp. Giai đoạn này, dù khá thành công trên thị trường nghệ thuật, nhưng không phải tác phẩm nào Lê Kinh Tài cũng muốn bán, anh muốn “để dành” cho các triển lãm quan trọng.
Với giá bán như hiện có, Lê Kinh Tài trở thành một trong vài nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất của Việt Nam. Và như một quy luật, lục bình lên thì nước lên, chính nhờ hấp lực đang có của những tên tuổi như Lê Quảng Hà, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Bùi Công Khánh, Bùi Hữu Hùng, Phạm An Hải…, vị thế của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thị trường quốc tế đang dần được cải thiện.
Vì sao họa sĩ luôn muốn giữ tâm hài nhi? Khi viết về một triển lãm trước đây của Lê Kinh Tài, giám tuyển độc lập Nguyễn Như Huy cắt nghĩa: “Trước thế giới đang ngày càng già nua và buồn chán này, trở thành trẻ thơ chính là một nhu cầu, thậm chí một đòi hỏi quyết liệt nhất cho chúng ta để có thể sống sót. Trở lại trẻ thơ, nói một cách nào đó, cũng chính là trở lại với khả năng ngạc nhiên mà chúng ta dường như đã quên mất, trở lại với năng lực nhận ra được các nhiệm màu của đời sống, khả năng rung động sâu xa trước những điều mà khi đã lớn khôn, có lẽ chúng ta sẽ chỉ coi là những sự kiện thường nhật, và không để lại trong trí óc và tâm hồn chúng ta bất cứ dấu vết nào”.
Nên có thể chốt lại rằng, để vẽ được những bức tranh “quậy tưng bừng”, nhưng vẫn lạc quan, tích cực, đôi khi họa sĩ phải thấm nhuần được câu “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. Với cuộc sống – công việc thì phải tập trung, tận lực, nhưng cũng không nên “chấp nê”, “bám trụ” vào bất cứ điều gì. Được vậy, cái tâm mới sáng sủa, mới được là “hài nhi tóc bạc”.
Lý Đợi
Dẫn theo Tạp chí Mỹ thuật