Hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông xuân

Theo lịch thời vụ, ngày 30/12 nông dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu gieo sạ lúa và canh tác các loại rau màu, cây trồng cạn vụ đông xuân 2020 – 2021. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung khắc phục hạ tầng thủy lợi bị bão lũ làm hư hỏng và bồi lấp, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương cũng tích cực hỗ trợ giống cho nhà nông để có điều kiện tổ chức sản xuất.

ho-tro-nong-dan-san-xuat-vu-dong-xuan
Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương làm đất để triển khai gieo sạ vụ đông xuân 2020 – 2021. Ảnh: VĂN SỰ

Tập trung khắc phục hạ tầng thủy lợi

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, từ tháng 10 – tháng 11/2020, bão lũ liên tục xuất hiện gây thiệt hại hết sức nặng nề đối với hạ tầng thủy lợi của địa phương. Trong đó, hầu như toàn bộ 53 trạm bơm điện trên địa bàn huyện đều bị cát đá bồi lấp bể hút với khối lượng lớn. Cạnh đó, hàng loạt tuyến kênh dẫn nước về bể hút các trạm bơm và nhiều tuyến kênh chính, mương nội đồng bị sạt lở nghiêm trọng, nặng nhất là tại các xã Đại Quang, Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng…

Ngay sau bão lũ, địa phương khẩn trương tiến hành nạo vét các bể hút, sửa chữa và gia cố hệ thống kênh mương nhằm chủ động cung ứng nguồn nước tưới cho các loại cây trồng ngay từ đầu vụ đông xuân 2020 – 2021. Theo thống kê sơ bộ, tổng kinh phí Đại Lộc đầu tư khắc phục hạ tầng thủy lợi là hơn 10 tỷ đồng và đến thời điểm này đã cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất.

Ở Duy Xuyên, ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, để đảm bảo nước tưới cho 3.600ha lúa và khoảng 2.000ha hoa màu trong vụ đông xuân này, thời gian qua huyện đã chi 770 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để tiến hành sửa chữa, gia cố hệ thống kênh mương, cầu máng và nạo vét, khơi thông bể hút của nhiều trạm bơm điện tại các xã Duy Sơn, Duy Tân, Duy Thu…

“Bão lũ gây thiệt hại khá nặng đối với hạ tầng thủy lợi của Duy Xuyên. Nguồn kinh phí vừa nêu chủ yếu huyện ưu tiên khắc phục những công trình bức thiết, sắp tới sẽ linh hoạt huy động và lồng ghép các kênh vốn để tiếp tục khắc phục hệ thống thủy lợi” – ông Tường nói.

ho-tro-nong-dan-san-xuat-vu-dong-xuan
Nhiều địa phương ở Quế Sơn tập trung sửa chữa, gia cố hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: VĂN SỰ

Theo ngành nông nghiệp, đông xuân 2020 – 2021, bên cạnh việc sản xuất hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn và rau đậu các loại, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành gieo sạ 42.000ha lúa. Thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 30/12/2020 và kết thúc vào 10/1/2021.

Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua UBND tỉnh và ngành nông nghiệp yêu cầu chính quyền các địa phương phải chủ động xuất nguồn ngân sách dự phòng tập trung khắc phục sớm hạ tầng thủy lợi, trong đó ưu tiên đối với những công trình bức thiết.

“Đến nay hầu hết địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, gia cố, nạo vét hệ thống kênh mương, bể hút trạm bơm điện, hồ chứa, đập dâng… nên việc triển khai sản xuất đông xuân không ảnh hưởng lớn. Về kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương, tỉnh đang xem xét giải quyết” – ông Tý nói.

Hỗ trợ giống cho nông dân

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, từ nguồn do tỉnh phân bổ, UBND huyện đã giao 20 tấn hạt giống lúa thuần trung – ngắn ngày cho Phòng NN&PTNT huyện tiến hành cấp phát cho các địa phương thuộc khu vực ven núi như Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân, Đại Thắng, Đại Lãnh, Đại Hưng… để hỗ trợ nông dân gieo sạ, trong đó ưu tiên cho những gia đình khó khăn, bị thiên tai gây thiệt hại nặng. Còn đối với các xã, thị trấn như Đại Hòa, Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Quang, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa… chủ yếu nông dân liên kết với các công ty tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa theo hướng bao tiêu sản phẩm nên đầu vào hạt giống gieo cấy đã có doanh nghiệp cung ứng.

“Riêng đối với việc khôi phục sản xuất các loại cây trồng cạn và rau đậu, địa phương đang vận dụng cơ chế hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ để trợ giúp nông dân với mức 2 triệu đồng/ha” – ông Mẫn nói thêm.

Trong khi đó, ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn sẽ tiến hành canh tác 1.030ha lúa, 274ha bắp và nhiều diện tích hoa màu khác. Để giúp nhà nông có điều kiện sản xuất, thời gian qua huyện huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ 37,25 tấn giống lúa và 3,13 tấn giống bắp cho hàng nghìn hộ dân. Ước tính, lượng hạt giống hỗ trợ sẽ đảm bảo gieo trồng khoảng 50% diện tích theo kế hoạch đề ra. Những ngày qua, huyện Quế Sơn cũng tiến hành hỗ trợ nhiều loại giống lúa cho nông dân gieo sạ trên diện tích khoảng 520ha trong tổng số 3.650ha lúa dự kiến sản xuất vụ đông xuân này.

Ông Phạm Đình Thành – Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) cho hay, thời gian qua nhiều địa phương quan tâm hỗ trợ các loại giống cây trồng cho nông dân sản xuất vụ đông xuân, nhất là lúa, bắp, đậu phụng. Trong khi đó, hiện nay lượng hạt giống trên thị trường cũng tương đối nhiều, đa chủng loại và giá cả không biến động mạnh nên việc triển khai canh tác của nhà nông không ảnh hưởng lớn.

Tiếp nhận nhiều nguồn hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp

Đại diện một số doanh nghiệp vừa đến Quảng Nam trao tặng các loại con giống, vật tư thiết yếu nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Bồ Đề hỗ trợ 13.200 lít sản phẩm Mother Water phục vụ nghề nuôi tôm với trị giá 2 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ hỗ trợ 5 triệu con tôm giống trị giá 630 triệu đồng; Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hỗ trợ 30.000 con gà giống (2 đợt); Công ty TNHH Khoa học Việt Đức hỗ trợ 1.250 gói chế phẩm vi sinh Emuniv TS1 xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà hỗ trợ 500 lít thuốc sát trùng Antirus và các đơn vị gồm SeABank, BRG Group… hỗ trợ 40.000 con gà giống.

Văn Sự

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/ho-tro-nong-dan-san-xuat-vu-dong-xuan-106889.html

Cùng chuyên mục