Hiểu và giúp con học online

Việc học online có vẻ còn “rối bời cả thế giới”. Chính sách của các quốc gia càng khiến cha mẹ có con du học hoang mang hơn.

Online hay không online?

Bỏ một đống tiền cho con du học là để trải nghiệm học tập và sống môi trường tiên tiến. Ngoài ra còn hy vọng con tìm được việc làm tốt và thành công, thành công dân toàn cầu. Nhưng giấc mơ ấy càng trở nên xa vời khi chính ở những “xứ thần tiên” ấy còn chới với bị động trước con Covid-19 ào đến.

Ngay ở Mỹ, khi các trường công lập thành… “ảo” – tức là học online, nhiều cha mẹ nhà giàu chọn cho con học trường tư thục đắt tiền và tổ chức học tốt hơn, vẫn “mở cửa” và tìm hoạt động phù hợp và an toàn cho trẻ.

hieu-va-giup-con-hoc-online
Ảnh minh họa. Nguồn: hoctot.vn

Các đại học Úc giải quyết thách thức phải cân bằng giữa một phần giáo dục online với hoạt động thể chất – đồng thời với số giáo viên ít hơn. Họ sẽ phải tập hợp học sinh với những thời gian khác nhau. Đại học mở chi nhánh, lo chỗ ở mới cho sinh viên, hợp tác với chính phủ xây dựng các cơ sở y tế mở rộng.

Các nhà giáo dục ở Singapore thì cho rằng giáo dục là một quá trình xã hội. Việc học tốt nhất là diễn ra trong lớp học khi học sinh trao đổi, tranh luận và làm việc nhóm, tìm sự tương tác với thầy với bạn trong thế giới thực.

Tuy vậy trong tình hình dịch bệnh chưa có thuốc chữa Covid-19 như hiện nay thì việc học online không thể tránh khỏi và buộc trường học phải thay đổi. Thế hệ Z -hay còn gọi I Gen – thoải mái với thể hiện bản thân trực tuyến, họ không thấy khó khăn gì lớn.

Ở Thái Lan, giáo viên phải giỏi công nghệ. Họ học từ bất cứ ai, đồng nghiệp, bạn bè, con cái, không trông chờ gì ở kế hoạch lớn của chính phủ.

Lợi ích của học online không còn xa lạ. Ngay khi không có đại dịch, đây cũng là một phương thức học tập rất tốt cho mọi người để có thể mở mang kiến thức nhiều mặt.

Cùng con học online an toàn

Vì sao phải an toàn? Học thì có gì mà nguy hiểm?

Cũng có trường hợp các lớp đang học qua Zoom, bị kẻ xấu lọt vào tung lời nói hình ảnh phá quấy. Cũng có những ứng dụng giúp phụ huynh được chỉ dẫn của nhà trường giúp cha mẹ biết thời gian con học và cách giúp con an toàn.

Những nội dung thường được cha mẹ nhắc nhở con là thái độ ứng xử khi lên mạng như: các nguyên tắc tử tế trong ứng xử, thái độ, khi chia sẻ phải cẩn trọng, những gì bí mật riêng tư không nên nói trên mạng xã hội… Có gì bất thường phải nói cho cha mẹ biết. Không có gì lớn, khó hơn thì chỉ là vấn đề phương pháp. Đừng tưởng trẻ thời nay nứt mắt đã giỏi công nghệ, vài tuổi đã… bấm bấm mà không hướng dẫn. Bởi vì theo một nghiên cứu, từ Hiệp hội Quốc gia ngăn chặn ngược đãi trẻ em thì có ¼ trẻ em ở Anh đã xem những thứ không tốt trên mạng xã hội. Trong đó tỷ lệ lớn cho thấy chúng buồn vì bạn trên mạng và 22% có những trải nghiệm tiêu cực.

Đầu tiên muốn giúp con học, cha mẹ phải biết, chứ không thể “mù máy tính”. Với những trẻ còn nhỏ học cấp tiểu học, vừa qua cha mẹ phải giúp con kết nối, theo dõi giờ nào con học để mở máy, kết nối mạng và có khi phải ngồi suốt bên cạnh cho con học, có gì để hướng dẫn.

Đã xuất hiện hình ảnh “cả nhà như… cái chợ” ngồi bên thằng cu con lớp Một cùng học online với nó.

Phải tạo môi trường yên tĩnh cho con học được tập trung, không học trong hoàn cảnh cả nhà ồn ào, nói với nhau như quát tháo, gọi ời ời ra ăn cơm, chó ngoài sân sủa, hay hàng xóm sửa nhà gõ đập ầm ĩ Cũng không đi qua đi lại “dòm” con học thế nào làm cho nó phân tán.

Ngoài ra cha mẹ phải hiểu, ngay khi con đã lớn, là sinh viên càng phải biết, học online có yêu cầu cao về sự chuẩn bị và tự học. Với các con nhỏ, cha mẹ nên nhắc chúng đọc trước các bài học để tiếp thu tốt hơn. Có thể tìm các bài tập và cách giải những bài mẫu. Khi học xong, còn đang hứng thú và nhớ kiến thức mới, nhớ làm bài ngay đừng để lâu sẽ quên và ngại khó.

Có điều gì chưa hiểu, con nên hỏi ngay bạn bè hoặc chính thầy cô để nghe giải đáp kịp thời. Phải học mỗi ngày cho thành thói quen tự học và suy nghĩ, tìm tòi. Rèn tính chủ động và biết cách ghi chép khi nghe giảng.

Có vẻ bận rộn hơn, nhưng bù lại chúng ta không phải đưa đón chạy tới lui ngoài đường đông đúc và nguy hiểm. Con được ở nhà an toàn, cha mẹ có thể “biết” con học gì chứ không còn “thôi thì phó mặc nhờ nhà trường”.

Nhờ cùng giúp con học mà cha mẹ cũng “giỏi lên” không chỉ sống cùng kiến thức con học mà còn hiểu con hơn, biết nó sát sao hơn và đó chính là niềm vui, “lời lãi” khi được sống cùng con, tạo được sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Tư Hồng

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh 

Cùng chuyên mục