Hiện tượng thẩm mỹ thay đổi từ bóng đá và hoa hậu

Việc đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và hoa hậu H’Hen Niê vào Top 5 của Miss Universe 2018 đã mang lại nhiều cảm xúc và năng lượng tích cực cho người hâm mộ. Trong những điều căn bản mà hai đại diện này làm được có việc thay đổi quan niệm về thẩm mỹ, về cái đẹp.

Rõ ràng trước đây, khi hình dung về đội hình, lối chơi của đội tuyển bóng đá Việt Nam, ít khi nào yếu tố chơi đẹp được đề cao. Nhưng với AFF Cup lần này, do được thay đổi quan niệm về thắng thua, về đối thủ mạnh yếu, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chơi rất đẹp.
Nói giả dụ nếu Việt Nam không vô địch AFF Cup mùa này, thì việc chơi đẹp của họ cũng sẽ làm cho đa số khán giả yêu thích, ủng hộ. Đã lâu rồi các khán đài sân vận động mới chật cứng khán giả như vậy, sự ủng hộ này chắc chắn có sự thu hút đáng kể từ lối chơi bóng đẹp, tinh thần thi đấu đẹp. Văn hào F.M.Dostoyevsky dành cả sự nghiệp để chứng minh câu nói của mình: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, và ông đã đúng.
Trên báo điện tử Zing, Phúc Nguyễn – chuyên gia đào tạo người đẹp – chia sẻ: “Ở trong nước, H’Hen không trở thành biểu tượng sắc đẹp. Nhan sắc của cô cũng không nổi bật như những đại diện khác. Tuy nhiên, khi bước ra cuộc thi quốc tế, H’Hen lại đem về nhiều thành tích… Trước giờ, những người chúng ta lựa chọn đều không có kết quả tốt bởi vì đẹp với Việt Nam nhưng xu hướng quốc tế thì chúng ta chưa chạm ngõ được”.
Bà bầu Thúy Nga (Giám đốc điều hành Công ty Elite, nơi đưa nhiều người đẹp đi thi quốc tế) cũng đồng tình: “Chúng ta dường như quá bảo thủ và cứ tự tung hô mình, nhưng quên mất chúng ta chọn người phải đúng theo tiêu chí của quốc tế chứ không phải cứ chọn thuần Việt rồi đưa ra quốc tế đua tài”.
Còn nhớ khi H’Hen Niê (sinh 1992) đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, cũng đã có nhiều ý kiến bảo thủ cho rằng cô này “không thuần Việt”, thậm chí tóc ngắn da ngăm cũng làm họ khó chịu.
H'Hen Niê lọt vào Top 5 của Miss Universe 2018
H’Hen Niê lọt vào Top 5 của Miss Universe 2018
Dường như những ý kiến bảo thủ này quên rằng H’Hen Niê đến từ xã Cư Suê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), là người Ê Đê. Suốt 30 năm từ Hoa hậu Việt Nam năm 1988, do người Kinh thường áp đảo về các giải thưởng người đẹp, nên những ý kiến bảo thủ cũng mặc định một số tiêu chí về thuần Việt theo cách riêng của họ.
Chứ thật ra Việt Nam là đất nước đa sắc tộc, trong 54 dân tộc anh em, người dân tộc nào đoạt hoa hậu cũng là đại diện cho cả Việt Nam mà thôi. Điều đáng quý của H’Hen Niê là cô ấy vẫn rất Ê Đê, nên khi đến với Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Miss Universe 2018, đã trở thành một nét lạ, một điểm nhấn riêng.
Không phải ngẫu nhiên mà xã hội toàn cầu hóa chọn câu “Think globally, act locally” (Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương) làm khẩu hiệu. Bởi chỉ có sự khác biệt ở các địa phương cụ thể mới làm nên một thế giới đa dạng, đại đồng. Còn UNESCO thì gần như hàng ngày hàng giờ lưu ý các quốc gia phải bảo tồn các bản sắc địa phương, bảo tồn sự dị biệt từ ngôn ngữ, tập tục cho đến tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh…
Sự dị biệt là gì nếu không đến từ sự khác biệt, đa dạng về thẩm mỹ, về quan niệm. Có thể đội tuyển bóng đá Việt Nam và hoa hậu H’Hen Niê chưa phải là những đại diễn tiêu biểu, độc sáng cho vẻ đẹp Việt Nam, nhưng những điều họ tạo ra đã góp phần đáng kể trong việc thay đổi quan niệm về thẩm mỹ, về cái đẹp.
Những phóng viên có dịp tiếp xúc, làm việc với H’Hen Niê thường có chung nhận định rằng hoa hậu này khá tự nhiên, chân thành, gần gũi. Thậm chí khi bị chê nói tiếng Anh dở tại Miss Universe 2018, H’Hen Niê cũng vui vẻ – chứ không phải khôn khéo – nhìn nhận, xem như một động lực để trau dồi thêm.
Có lẽ nhờ điều này, cộng với vẻ đẹp riêng về hình thể, đã giúp H’Hen Niê làm cho nhiều người thay đổi quan niệm về cái đẹp.
Vô Ưu
Theo Thể thao và Văn hóa

 

Cùng chuyên mục