Hãy kính trọng tự nhiên
Sau những phản ứng của dư luận và giới chuyên môn, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho tạm dừng triển khai dự án lấn sông Marina Complex(1). Việc tạm dừng này không có nghĩa là loại bỏ dự án mà để xem xét thêm và trấn an dư luận. Vụ việc một lần nữa lại gióng lên tiếng chuông cảnh báo mối quan hệ bất bình đẳng giữa con người với thiên nhiên.
Thiên nhiên có trước con người từ rất lâu, sự có mặt của con người văn minh, mà sản phẩm nhân tạo lớn nhất là các thành phố đang phủ dày đặc lên bề mặt trái đất này, bất quá cũng xuất hiện vài trăm năm nay. Con người và xã hội của con người thực chất chỉ là một phần của tự nhiên. Để nhận ra chân lý tưởng chừng đơn giản đó, con người phải trả giá rất đắt. Khi con người tạo ra máy móc, xây dựng nên “kỷ nguyên ánh sáng” thì hoang tưởng mình là “chúa tể muôn loài”. Ở một vài giai đoạn, tiền nhân của chúng ta cũng tin rằng hoàn toàn có thể làm được chuyện “thay trời, chuyển đất, sắp xếp lại giang sơn”. Thực tế cho thấy, mỗi lần sắp xếp lại giang sơn thì hậu quả thật khôn lường, người nhận lấy sự giận dữ của bà mẹ thiên nhiên, đa phần là người dân bình thường.
Những ai nghiên cứu lịch sử hình thành hệ thống đô thị của Việt Nam đều nhận thấy người Pháp thật khôn khéo khi đối xử với thiên nhiên để hình thành nên các đô thị. Tất cả thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội hay nhỏ như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, Đà Nẵng, khi xây dựng người Pháp không có ý định đóng vai trò của Thần “Nữ Oa”, họ hạn chế tối đa việc san đồi, lấp hồ, nắn dòng sông mà dựa hẳn vào tự nhiên, coi tự nhiên là cái phông nền, chỉ cấy vào đó các công trình kiến trúc công sở, nhà ở với một tỷ lệ khá khiêm tốn so với bức tranh tự nhiên.
Họ tôn trọng tự nhiên không phải vì họ kém cỏi mà họ tôn trọng khả năng tự điều chỉnh, tự tái tạo, tự vận hành của tự nhiên. Trải qua thời gian hàng ngàn năm, trải qua các biến động tương tác giữa các phân hệ để tạo nên một hệ sinh thái trở nên cân bằng một cách rất kỳ lạ. Phá bỏ một rừng cây, chặn một dòng sông, san một quả núi sẽ đưa đến hậu quả khôn lường. Lịch sử nhân loại không bao giờ quên một “thành tích” vĩ đại của Liên Xô là xóa sổ hoàn toàn biển Aral rộng tới 120.000 ki lô mét vuông (diện tích gấp đôi Myanmar) chỉ vì đã đổi dòng hai con sông để lấy nước trồng bông. Do vậy mà mỗi một động thái của con người tác động đến tự nhiên thì phải cực kỳ cẩn trọng.
Điều này liên quan đến một câu chuyện đang nóng ở Đà Nẵng, khi Marina Complex cho làm bờ kè lấn từ bờ ra phía giữa dòng sông Hàn khoảng trăm mét để xây dựng bến du thuyền và các công trình bất động sản để kinh doanh. Cái lý của người cho phép và người chiếm dụng dòng sông là việc lấn này chỉ có chút xíu và ở hạ lưu sông nên không ảnh hưởng đến dòng chảy, không tác động xấu đến cảnh quan, đời sống của người dân. Đó chỉ là giả định, còn kết quả như thế nào, câu trả lời sẽ nhận được từ thực tế, nhưng chắc không mấy sáng sủa. Nếu biết sông Hàn chỉ rộng 900 mét, mà phần lấn ra dài gần 800 mét và rộng chừng 100 mét tính từ mép ra giữa sông thì không thể không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, thì vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây ra hiện tượng chảy tràn, xói lở, phía đối diện của diện tích lấn chiếm có mặt vát mũi tàu nhất định sẽ bị xói lở, về lâu dài các trụ cầu Thuận Phước cách mũi tàu lấn biển chỉ vài chục mét chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Chưa kể về cảnh quan, một đoạn sông đang thẳng, tầm nhìn đang suôn sẻ tự nhiên bị chặn lại bởi một dãy công trình hoàng tráng thì quả thật là rất khó coi, điều đó cho thấy tư duy “sĩ diện” tiểu nông, lúc nào cũng muốn chòi đạp ra mặt tiền gây ấn tượng hơn người, rất phản cảm về văn hóa. Đã khi nào những người có trách nhiệm tự hỏi tại sao trong hơn 100 năm hiện diện ở đây, từ khi Đà Nẵng còn mang tên là Tourane, người Pháp chỉ cho xếp đá hộc hai bên bờ nhằm giữ cho bờ không bị lở với mục đích duy nhất dùng để dẫn dòng chảy từ cửa sông Hàn thẳng ra biển mà không lấn ra thêm một chút nào.
Những năm gần đây, hiện tượng xói lở ở các bờ sông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên diễn ra liên miên, hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn héc ta đất canh tác, hàng chục ki lô mét đường giao thông đổ sụp xuống trong nháy mắt, khiến cho đời sống dân cư khốn đốn, thường trực bất an. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là con người đã can thiệp quá thô bạo vào hai bờ của những con sông. Nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà máy, công xưởng làm kè cứng lấn ra sông làm cho sông bị đổi dòng chảy, cứ “bên này bồi, thì bên kia lở”, bên này kè cứng thì bên đối diện hay đoạn sông kế tiếp bị nước xói sâu tạo ra hàm ếch.
Sau hơn 30 năm đô thị hóa, rất nhiều bài học nhãn tiền cay đắng từ việc coi thường tự nhiên, cho mình cái quyền “làm chủ tự nhiên” diễn ra khắp nơi, từ thủy điện làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái miền Trung, đê bao ngăn mặn làm cho nước ngọt ô nhiễm không thoát ra được ở đồng bằng sông Cửu Long, phá rừng bóc thảm thực vật khiến Tây Nguyên khát cháy, đến bạt núi lấy đá làm nền khiến cho vùng cao Tây Bắc bị mất áo giáp hộ thân, nên luôn bị lũ quét. Đã quá muộn để học được một điều thật giản dị “thuận thiên”. Lẽ nào Đà Nẵng không rút ra cho mình được gì từ bài học nhãn tiền đó sao?
(1) Tháng 4-2019, UBND thành phố Đà Nẵng cho phép đầu tư dự án Marina Complex (dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng) đổ bê tông lấn ra ở bờ Đông sông Hàn, thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), việc lấn này bị nhân dân và giới chuyên môn của thành phố Đà Nẵng phản đối mạnh mẽ.
Nguyễn Minh Hòa
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn