“Hậu cần” của ngư dân
Qua bao phen lận đận, anh Nguyễn Ngọc Tư (ở thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) mới xây dựng được cho mình một cơ sở sửa chữa tàu thuyền có quy mô lớn, dịch vụ hậu cần hiệu quả cho nghề cá ở địa phương.
Chọn hướng đi
Thay chiếc quần cộc và cái áo phông sạm đen vì luyn dầu, anh Tư nhảy ùm xuống sông. Ngón tay cái đưa lên khỏi mặt nước ra hiệu mọi thứ xong xuôi. Chiếc thuyền lớn, sau khi áp đúng vào gờ của đường ray, được máy tời kéo lên khỏi mặt nước, dần dần xuất hiện và nằm gọn trên xưởng sản xuất, chờ ngày tu bổ, sửa chữa. Anh Tư chia sẻ, đây là công việc hằng ngày của mình hơn 4 năm nay. Mặc dù là chủ một cơ sở hậu cần rộng hơn 800m2 và 6 nhân công, nhưng mỗi bận có tàu thuyền đến sửa chữa là anh lại đích thân làm mọi việc, nhất là những khâu quan trọng như nâng – hạ tàu, kiểm tra máy móc…
Giống như bao người dân cùng quê khác, sinh ra, lớn lên, nghề biển vận vào đời tự lúc nào, anh Tư cũng không rõ. Chỉ nhớ rằng, trước đây anh có thời gian dài cùng vợ bám biển mưu sinh. Miếng cơm, manh áo cứ phập phồng theo từng con nước. Nhiều đêm trăn trở trong nỗi khó khăn, vất vả, anh luôn đau đáu về một hướng làm kinh tế mới.
Trước suy nghĩ “để ổn định, phải lên bờ”, cộng với thời điểm năm 2015, xã Tam Tiến đang phát triển mạnh nghề cá, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt, thu mua hải sản ra vào tấp nập ở bãi ngang, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân rất lớn, trong vùng lại chưa có người làm nên anh quyết định rời biển, lên bờ mở xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá. Với số vốn 1,2 tỷ đồng, anh Tư đầu tư xây dựng cơ sở, mua hai máy tời nối liền hệ thống đường ray dài 50m, rồi sắm sửa thêm một số trang thiết bị như máy tiện, hàn, khoan… và các nguyên vật liệu khác như gỗ, nhôm, sắt… mở lối kinh doanh.
Hiểu được tính gấp rút của nghề biển nên hễ ngư dân cần sửa chữa, làm thiết bị gì anh đều sẵn sàng phục vụ bất kể ngày hay đêm. Nhờ sự tận tâm và chuyên nghiệp trong công việc, uy tín dần dà được tạo dựng, xưởng của anh Tư trở thành một cơ sở có quy mô, mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đồng hành cùng ngư dân
Anh Tư cho biết, tùy mức độ hư hỏng và nhu cầu của người chủ mà các tàu thuyền được sửa chữa theo nhiều kiểu khác nhau. Mỗi tháng, xưởng nhận sửa chữa cho 5 – 10 tàu cá, vào những lúc cao điểm, nhất là mùa biển động thì lên đến 20 tàu. Trung bình, một năm, xưởng thu được khoảng 500 triệu đồng tiền lãi.
Thu nhập tương đối cao nhưng nghề này vất vả trăm bề, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì vì suốt ngày phơi nắng, dầm mình dưới nước, nhất là công đoạn sửa máy móc, động cơ… tốn hao rất nhiều sức lực. Những lúc trời nắng cũng phải chui vào hầm máy nóng như đổ lửa để tháo, lắp máy tàu. Có những bộ phận máy nặng hàng tạ phải căng sức để khuân, vác. Có những lần sơ suất để sắt đè vào tay, chân dẫn đến bị xây xát, bong gân. Chưa kể người thợ còn thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, bụi kim loại lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng ngư dân quý chiếc tàu hơn ngôi nhà của mình. “Biển cả mênh mông, miếng cơm manh áo và ngay cả sự sống của họ tùy thuộc con tàu, vì vậy buộc người thợ như mình phải tỉ mỉ và trách nhiệm từng chi tiết, làm sao cho con tàu được bền, đẹp nhất để mọi người yên tâm đánh bắt cá” – anh Tư chia sẻ.
Không chỉ sửa chữa tại xưởng, anh Tư còn thành lập đội thợ sửa chữa lưu động, họ có mặt khắp nơi khi tàu của ngư dân gặp sự cố. Trong quá trình hoạt động, rất nhiều tàu của bà con ngư dân bị hỏng hóc khi đang đánh bắt ở ngoài biển, không cập bến được, chỉ còn cách gọi về đất liền cầu cứu. Mỗi lần như vậy, anh em trong xưởng đều sẵn sàng ra tận nơi để sửa chữa, giúp bà con tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản.
Ông Trần Thanh Trọng (ngư dân thôn Long Thạnh) chia sẻ: “Đi biển lâu năm nhưng chúng tôi chỉ có kinh nghiệm đánh bắt cá chứ về máy móc tàu thì không rành. Nếu không có những người thợ chuyên sửa chữa máy như anh Tư kịp thời ứng cứu thì chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Tàu hoạt động hư hỏng ở bất cứ đâu, chỉ cần gọi điện thoại là được sửa chữa. Việc làm này góp phần giúp chúng tôi an tâm bám biển, đồng thời giảm được phần lớn chi phí”.
Sự quyết tâm vượt khó làm giàu của anh Tư đã được cấp ủy chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp biểu dương. Năm 2019, anh Tư được trao danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”.
“Khai thác và chế biến thủy hải sản đang là thế mạnh kinh tế của địa phương. Cơ sở của anh Tư ra đời góp phần lớn vào việc phát triển khâu hậu cần nghề cá, đáp ứng được nhu cầu sửa chữa của ngư dân. Chính quyền luôn khuyến khích và hỗ trợ nhiều mặt để xưởng anh Tư được hoạt động ổn định và phát triển hơn nữa”.
(Ông Trương Quang Luật – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến) |
Kiều Ly
Theo Quảng Nam Online