Hành trình Di sản miền Trung – Đâu chỉ là một tuyến tour…
Non già 15 năm trôi qua, con đường Hành trình Di sản miền Trung, dù có những lúc gập ghềnh, nhưng cũng đã tạo dựng được những nét dấu ấn riêng và giá trị nhận diện cho thương hiệu riêng mình.
Và trong bối cảnh câu chuyện liên kết vùng du lịch đang được quan tâm, thì đây chính là hình mẫu lý tưởng…
Từ những con đường trên thế giới
Con đường Hành trình di sản miền Trung hiện kết nối 4 địa phương là Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế và Quảng Bình, trên cơ sở cả 4 địa phương này đều có những di sản do UNESCO công nhận. Tại Quảng Nam, có đến 2 Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999, là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; trong khi đó, vào năm 2003, thì Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) có động Phong Nha được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Thời điểm này, ông Paul Stone – Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, người có kinh nghiệm làm việc nhiều nơi trên thế giới, đã chứng kiến thành công của Xa lộ lịch sử ở Kansai (Nhật Bản), Con đường rượu vang ở Pháp, Con đường tự do ở Mỹ và Con đường lãng mạn ở Đức, nên đã có ý tưởng đặt cho tuyến du lịch miền Trung Việt Nam một cái tên theo chủ đề nào đó để phát triển tiềm năng du lịch to lớn nơi đây.
Lúc này, văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch tại Đà Nẵng do ông Hồ Việt – nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam – Đà Nẵng cũ), làm trưởng đại diện, đã đề xuất Tổng cục Du lịch triển khai đề tài nghiên cứu khoa học Khai thác Con Đường Di Sản trong sự phát triển du lịch miền Trung. Đề tài này được ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương Papa (đồng thời là Phó Tổng giám đốc công ty Vitours) chấp bút dưới sự hướng dẫn của ông Hồ Việt. “Sở dĩ tôi được chọn, vì khi còn là sinh viên ngành du lịch, lúc thực tập ở văn phòng của Tổng cục Du lịch tại Đà Nẵng, tôi được tham gia viết nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cho sự phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên, như khai thác văn hóa Chăm, con đường Xanh Tây Nguyên, Tuyến hành lang kinh tế Đông Tây EWEC,…” – ông Tùng nhớ lại.
Cũng theo ông Tùng, thời điểm năm 2003 trở về trước, những tour du lịch đến miền Trung chưa có tên gọi là Con đường Di sản hay Hành trình Di sản miền Trung, mà chỉ đơn thuần là Thương về miền Trung, Miền Trung thương yêu, Đường về miền Trung, Một thoáng miền Trung,… Vì thế, vấn đề làm sao để “đẻ” ra được tour Hành trình Di sản miền Trung luôn được ông Hồ Việt và những người tham gia viết đề án như ông Tùng chú tâm tạo dựng. Cho đến nay, ông Tùng cho biết vẫn còn một vài luồng ý kiến về ai là “cha đẻ” của tour du lịch trên. Còn riêng bản thân ông, thì ông Hồ Việt chính là “cha đẻ” của tour du lịch Hành trình Di sản miền Trung, từ sự gợi ý của ông Paul Stone về những con đường trên thế giới.
Đi qua những gập ghềnh
Không chỉ là người chắp bút dưới sự hướng dẫn của ông Hồ Việt, ông Tùng cùng với công ty của mình và một vài đối tác khác, đã cùng bước những bước đi đầu tiên trên con đường Hành trình Di sản miền Trung. “Đầu năm 2004, được điều về văn phòng chính của Vitours làm việc, tôi được giao làm việc với các công ty du lịch 2 đầu đất nước để kết nối tour về miền Trung. Cả tháng trời cặm cụi gửi mail cho các công ty du lịch tại Sài Gòn và Hà Nội, với hàng trăm email gửi đi mỗi ngày, nhưng không thấy hồi âm, nên ban đầu cũng có nhiều lo lắng và hơi chán nản” – ông Tùng nhớ lại.
Nhưng rồi một buổi sáng, ông Tùng nhận được email của ông Từ Quý Thành – Chủ tịch HĐQT, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên bang Sài Gòn. Ông Thành đại diện cho nhóm 10 công ty du lịch tại Sài Gòn đang bán các tour ghép khách lẻ, nói nếu Vitours làm được tour khởi hành cố định ghép đoàn về miền Trung thì sẽ hợp tác. Sau đó, ông Tùng báo với lãnh đạo Vitours, đồng thời xây dựng tour Con đường di sản khởi hành vào thứ 7 hằng tuần. Ở tour đầu tiên, có 10 khách tham gia với giá chỉ 1.350.000 đồng mỗi khách và đơn vị thực hiện tour… hòa vốn.
“Biết là nhiều khó khăn, gập ghềnh, nhưng suốt một năm triển khai, chương trình may mắn nhận được sự ủng hộ của nhà xe, nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, trong thời gian này, anh Nguyễn Hồng Tuấn đã không nhận công tác phí của hướng dẫn viên. Dù vậy, thị trường chỉ với 10 công ty du lịch tại Sài Gòn và 5 công ty tại Hà Nội, đã khiến chương trình liên tục lỗ. Song, may mắn là thương hiệu của tour Con đường Di sản dần dần có tiếng, được những công ty du lịch nước ngoài để ý và quan tâm” – ông Tùng kể.
Tạo dựng thương hiệu
Cho đến đầu năm 2005, tour Con đường Di sản được đổi tên thành Hành trình Di sản, được lấy ý tưởng tên gọi của Lễ hội Hành trình Di sản Quảng Nam. Lúc này, mỗi tuần khởi hành 2 tour, mỗi tour kéo dài 5 ngày 4 đêm và được nâng lên 15 khách, phạm vi đối tác được mở rộng lên hơn 1.000 công ty du lịch. Theo ông Tùng, để có được thành công của thương hiệu Hành trình Di sản như ngày hôm nay, là các đơn vị thực hiện tour rất chăm chút về lịch trình, đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng dịch vụ và liên tục mở rộng đối tác khách hàng.
Ông Tùng bày tỏ: “Chúng ta cần ý thức được rằng, du lịch đang có sự phát triển vượt bậc, bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như ngày nay và gần như công ty du lịch nào ở miền Trung cũng xác định tour Hành trình Di sản là sản phẩm chủ lực của mình. Rồi xu hướng khách hàng, cũng đã có sự thay đổi không còn mua tour trọn gói, đối tác cũng thay đổi khi đặt trực tiếp các dịch vụ mà không cần nối tour qua các công ty tại miền Trung, do đó đòi hỏi những công ty hoạt động du lịch ở miền Trung cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp”.
“Rõ ràng, trong câu chuyện của Hành trình Di sản miền Trung, có một vấn đề không thể không nhắc tới, đó là sự liên kết vùng?” – tôi đặt câu hỏi. “Đúng vậy. Chính nhờ có yếu tố liên kết vùng, mới có được thành quả như hôm nay” – ông Tùng khẳng định. Liên kết vùng trong du lịch, ngoài yếu tố địa lý, thì quan trọng hơn hết là sản phẩm du lịch. Theo đó, các địa phương nằm trong chuỗi liên kết, phải có sản phẩm du lịch không được giống nhau. “Bởi nếu sản phẩm du lịch giống nhau, sẽ tạo cảm giác nhàm chán cho du khách. Và vì, nếu giống nhau thì họ chỉ đi một hay hai tỉnh, chớ cần gì đi nhiều tỉnh cho tốn thời gian và tiền bạc”.
Nhìn lại Hành trình Di sản miền Trung, rõ ràng xuyên suốt tour, du khách lần lượt được trải nghiệm những sản phẩm du lịch khác nhau. Chẳng hạn ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, du khách tận hưởng vui thú với thiên nhiên trong động Phong Nha; rồi khi vào Huế, ngoài được thăm thú kinh thành Huế, du khách còn được thưởng thức Nhã nhạc Cung đình Huế; để rồi khi vào Đà Nẵng, du khách sẽ được mở lòng mình với biển, núi rừng Sơn Trà hay Bà Nà trước khi nhẹ nhàng, chậm rãi và sâu lắng với phố cổ Hội An; hay thánh địa Mỹ Sơn… Tất nhiên, song song với đó, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc sản của từng địa phương… Điều đó, để thấy rằng, Hành trình Di sản miền Trung đã tạo dựng được nét rất riêng, và đó xem như là thương hiệu của tour du lịch này vậy.
Đâu chỉ là một tuyến tour
Nhờ sự liên kết, biết lồng ghép thế mạnh của từng di sản ở mỗi địa phương mà Hành trình di sản miền Trung đã mang lại rất nhiều lợi ích cho du lịch ở các tỉnh này. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề, nhất là tâm lý “ăn sẵn” của một vài doanh nghiệp lữ hành trước di sản mà không nghĩ đến chuyện cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Vấn đề này tại Hội thảo quốc tế Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới do UNESCO tổ chức tại Quảng Ninh hồi tháng 7/2018, đã được nhiều chuyên gia lên tiếng. Với Hội An, các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ khi doanh nghiệp tư nhân xây dựng công trình lớn không phù hợp với di sản. Nhóm nghiên cứu của UNESCO – tiến sĩ Peter Larsen, bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng phòng Văn hóa, văn phòng UNESCO tại Hà Nội) và PGS – TS. Phạm Trương Hoàng (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), còn chỉ ra hệ lụy của tăng trường “nóng” về du lịch ở các vùng di sản: “Nó có thể dẫn đến một dòng khách du lịch lớn vượt quá khả năng của chúng ta. Chẳng hạn, trong buổi sáng thứ Bảy, khách du lịch quá nhiều ở Hội An cũng làm giảm cảm xúc của chính họ với di sản này”.
Ngoài ra, tác động của khí hậu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đến di sản luôn làm đau đầu những người làm công tác bảo tồn di sản, bởi sự sống còn của di sản cũng chính là sự sống còn của du lịch ở các địa phương này. Theo số liệu của Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, địa phương này đang phải trùng tu 44 di tích xuống cấp, trong đó có 7 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 23 di tích xuống cấp nặng và 14 di tích xuống cấp nhẹ. Cũng tại Hội An, nhiều năm qua, câu chuyện trùng tu, tôn tạo bảo vệ di tích Chùa Cầu – một biểu tượng của phố cổ Hội An, đã tốn rất nhiều thời gian thảo luận và mới đây, là có đề xuất mời chuyên gia Nhật Bản xử lý.
Đối với Thánh địa Mỹ Sơn, việc trùng tu, bảo tồn các tháp, cụm tháp khi xuống cấp quá trầm trọng dưới tác động của thời gian trong những năm qua như là cuộc chạy đua. Theo Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, những năm qua đã tiến hành các hoạt động bảo tồn, trùng tu ở khu đền tháp như lót gạch, gia cố chân tháp A1; diệt mối mọt; phục hồi đoạn tường bao các tháp B, C, D; phát lộ chống xâm thực 2 nhóm tháp A và L…
Còn ở khu cố đô Huế, năm 2018, UNESCO thậm chí còn đưa ra cảnh báo có thể liệt nơi này vào danh sách “những khu di tích có tình trạng nguy hiểm”. Các chuyên gia của UNESCO chỉ ra rằng khu cố đô Huế đang bị bức tử mạnh bởi sự can thiệp của con người và khí hậu. GS – TS. William Logan – Chủ tịch Ban di sản và đô thị của UNESCO tại Đại học Deakin (Úc) nhận định những gì đang diễn ra ở đây cần phải được gióng lên hồi chuông cảnh báo thức tỉnh về cách bảo tồn di sản. Ông William Logan cũng nhận định rằng, sở dĩ khu cố đô Huế dễ bị tổn thương hơn so với những di tích khác, là ở đây chỉ có vùng lõi của di sản mà chưa tạo dựng được vùng đệm xung quanh nhằm giảm bớt tổn thưởng cho di sản. Do vậy, Huế cần sớm gấp rút xây dựng vùng đệm, dừng lại hoặc hạn chế các công trình gây tổn hại đến khu cố đô, nếu không di sản này sẽ rơi vào dĩ vãng…
Tour Hành trình Di sản miền Trung kết nối 4 địa phương là Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế và Quảng Bình. Tại Quảng Nam, có hai Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999 là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, ngoài ra, có bài chòi (nằm trong bài chòi miền Trung) cũng vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2017. Tại Đà Nẵng tuy chưa có di sản nào được công nhận là di sản thế giới, nhưng cũng có những di sản nổi tiếng ở tầm quốc gia như Thành Điện Hải, Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan,… Tại Huế, có đến 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau đã được UNESCO vinh danh như Quần thể di tích cố đô Huế (Di sản văn hóa vật thể, 1993), Nhã nhạc cung đình Huế (Di sản văn hóa phi vật thể, 2003), Mộc bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu, 2009), Châu bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu, 2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản tư liệu, 2016). Tại Quảng Bình, vào năm 2003, động Phong Nha trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. |
Bài:Xuân Thọ
Ảnh: Mai Thành Chương
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh