Hành hương trên núi thiêng Koyasan

Koyasan có một vị trí đặc biệt trong lòng người Nhật. Ngọn núi thiêng cao 800m, nằm giữa tám đỉnh núi tạo thành hình búp sen, là nơi Đại sư Không Hải đặt nền móng cho Phật giáo Chân ngôn tông vào năm 819, sau thời gian tu học tại Trung Quốc. Hiện nay, Koyasan có trên 100 tu viện khác nhau, nhiều nơi trong số đó cung cấp chỗ trọ cho khách hành hương trong hàng thế kỷ qua.

Nơi đây, bạn có thể tìm thấy một trong những trải nghiệm độc đáo nhất khi du lịch Nhật Bản, đó là qua đêm trong một căn phòng truyền thống lót thảm tatami, ăn tối theo kiểu kaiseki với các món thuần chay do nhà chùa phục vụ, và tham gia thời khóa tụng kinh buổi sáng, hoặc các buổi thiền tập, chép kinh cùng các vị tu sĩ Chân ngôn tông.

Tòa tháp Konpon Daito thuộc quần thể tu viện Garan
Tòa tháp Konpon Daito thuộc quần thể tu viện Garan

Từ ga Namba của Osaka, bạn có thể đi xe lửa đến ga Gokurakubashi, sau đó đổi qua cáp treo để lên núi, và cuối cùng là một chuyến buýt 10 phút để vào trung tâm Koyasan. Toàn bộ hành trình mất khoảng 3 tiếng. Các địa điểm tham quan tại Koyasan khá gần nhau nên bạn có thể chọn đi bộ hoặc xe buýt để đi lại giữa các điểm.

Một ngôi chùa có phòng trọ cho khách (shukubo) tại Koyasan
Một ngôi chùa có phòng trọ cho khách (shukubo) tại Koyasan

Vốn là nơi hành hương nổi tiếng tại Nhật Bản, Koyasan có khoảng 50 ngôi chùa cung cấp chỗ ngủ cho khách trọ, gọi là shukubo. Hầu hết các shukubo tại đây đều có thể đặt phòng qua Agoda hoặc Booking, hoặc gọi điện trực tiếp nếu bạn biết tiếng Nhật. Koyasan đẹp nhất vào mùa thu khi các hàng cây ngả vàng, hoặc mùa đông khi tuyết trắng phủ đầy các mái chùa thâm nghiêm cổ kính.

Ở trong chùa dĩ nhiên là không thoải mái như trong khách sạn. Mọi sinh hoạt đều có giờ giấc cố định. Thời khóa buổi sáng lúc 6 giờ. Điểm tâm lúc 7 giờ. Tắm rửa từ 5 – 8 giờ chiều. Ăn tối trong trai phòng lúc 6 giờ chiều. Và cổng chùa đóng lúc 8 giờ tối. Tuy nhiên, phòng ốc lại rất gọn gàng, sạch sẽ, trong tủ quần áo có để sẵn bộ yukata cho khách mặc ban đêm. Bữa ăn chay có cơm, đậu hũ, rau củ tempura, dưa chua, súp miso, mỗi món một chút được bày vào khay rất đẹp mắt. Ban đêm ở Koyasan im phăng phắc, phố xá vắng hoe, nhà nhà đều tắt đèn. Tôi chợt nhận ra đã lâu lắm rồi mình không được tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng như vậy.

Một nhóm tu sĩ Phật giáo tại Koyasan
Một nhóm tu sĩ Phật giáo tại Koyasan

Khi ghé thăm Koyasan, khách hành hương và tín đồ Phật giáo có thể tham gia nghi thức thọ giới (jukai) ở Daishi Kyokai. Thọ giới là một nghi thức trọng đại đối với mỗi Phật tử. Đó là một buổi lễ ghi dấu sự cam kết tuân thủ những giới luật do Đức Phật đặt ra, nhằm sống một cuộc đời an lạc, thiện lành cho bản thân và người khác.

Hình thức của buổi lễ thọ giới tại Koyasan hầu như vẫn giữ nguyên suốt 1.200 năm qua. Hôm đó vào khoảng 4 giờ chiều, buổi lễ tôi tham dự là buổi lễ cuối cùng trong ngày, tôi cũng là vị khách duy nhất. Sau khi đăng ký với quầy lễ tân, tôi được phát một tờ hướng dẫn bằng tiếng Anh giới thiệu sơ lược về nội dung buổi thọ giới, và được yêu cầu ngồi đợi trong phòng khách. Chừng 10 phút sau, một tu sĩ trẻ bước vào, cúi đầu chào và ra hiệu cho tôi đi theo. Chúng tôi đi đến một gian phòng tối, chỉ thắp leo lét vài ngọn nến, ở giữa là điện thờ và trước đó là một tấm phản dành cho người thọ giới.

Khu vườn đá tại Kongobuji
Khu vườn đá tại Kongobuji

Tôi ngồi tĩnh tâm khoảng vài phút thì vị tu sĩ trẻ quay trở lại cùng với vị chủ tế. Vì phòng khá tối nên tôi hầu như không thấy mặt vị chủ tế, mặc dù ông ngồi trên điện thờ đối diện tôi chừng vài ba mét. Toàn bộ buổi lễ được cử hành bằng tiếng Nhật, với một vài hướng dẫn đơn giản bằng tiếng Anh từ vị tu sĩ trẻ. Bắt đầu với phần sám hối, sau đó là quy y Tam bảo, và cuối cùng là tụng đọc Thập Thiện. Sau khi buổi lễ kết thúc, vị chủ tế đưa cho tôi một lá bùa có in nội dung mười giới mà tôi đã tuyên thệ, như một vật kỷ niệm của buổi lễ thọ giới.

Lối vào nghĩa trang Okunoin, nơi yên nghỉ của hơn 200.000 tu sĩ Phật giáo
Lối vào nghĩa trang Okunoin, nơi yên nghỉ của hơn 200.000 tu sĩ Phật giáo

Phía tây thị trấn Koyasan là Okunoin, một khu nghĩa trang rộng lớn với hơn 200.000 mộ bia kéo dài gần hai cây số. Sinh thời, Đại sư Không Hải được xem là vị tổ thứ tám của dòng Mật tông ở Trung Quốc, và là một trong những tu sĩ rất được tôn trọng tại Nhật Bản. Sau khi ông viên tịch, đến năm 921, Đề Hồ Thiên Hoàng trao tặng cho ông thụy hiệu Hoằng Pháp Đại sư. Vì thế trong suốt lịch sử và cho đến tận ngày nay, vô số vua chúa, tăng lữ và thường dân đều mong muốn được chôn cất gần nơi ông an nghỉ, chính là tại trung tâm nghĩa trang Okunoin này. Vào sáng sớm, ánh nắng ban mai trong trẻo chiếu xuyên qua hàng cây cổ thụ và những bia đá bám đầy rêu phong, tạo nên một bầu không khí an nhiên kỳ lạ. Bên cạnh lối đi vào nghĩa trang truyền thống, ngày nay còn có một lối đi khác với khu nghĩa trang của các tập đoàn lớn Nhật Bản, với nhiều kiểu bia mộ, đài tưởng niệm hiện đại hơn, và thậm chí một mô hình… tên lửa.

Tượng Phật trong nghĩa trang Okunoin
Tượng Phật trong nghĩa trang Okunoin

Ngoài Okunoin, tại Koyasan còn có một số điểm tham quan khác như quần thể tu viện Garan, chùa Kongobuji với khu vườn đá lớn nhất Nhật Bản, bảo tàng Reihokan với nhiều tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, và lăng mộ gia tộc Tokugawa.

Nhìn chung, Koyasan là một điểm đến tuyệt vời cho những người muốn trải nghiệm du lịch tâm linh tại Nhật Bản, hay đơn giản muốn tạm lánh xa sự nhộn nhịp của Osaka trong vài ngày, để tìm về thiên nhiên trong lành và các kiến trúc cổ xưa còn tồn tại với thời gian.

Bài và ảnh: Đăng Trình

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục