Hàng không và du lịch: Khó chồng thêm khó

61% du khách quốc tế đến Việt Nam từ ba thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi tình hình dịch bệnh do Covid-19 ở cả ba quốc gia này đều trở nên trầm trọng, ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch Việt Nam và dự báo sẽ kéo dài.  

Dịch bệnh lan rộng toàn cầu và các thị trường khách chính của Việt Nam chịu tổn hại lớn, ngành hàng không và du lịch đã khó nay lại càng thêm khó hơn. Trong khi đó, thị trường nội địa vẫn chưa thể phục hồi khi người dân vẫn còn tâm lý lo sợ dịch bệnh nên hạn chế du lịch.

Trao đổi với Forbes Việt Nam, đại diện công ty lữ hành Saigontourist cho biết đã hủy các tour đi Hàn Quốc ngay trong tháng 2 và tháng 3 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách cũng như tuân theo khuyến cáo của Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Quyết định Saigontourist đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang diễn biến tiêu cực trong những ngày qua. Saigontourist hiện khai thác các tour du lịch đến gần 50 quốc gia trong đó Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm.

Hàn Quốc là thị trường du lịch lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Theo số liệu Tổng cục du lịch Việt Nam, năm 2019 Việt Nam đón gần 4,3 triệu lượt du khách Hàn Quốc, chiếm 24% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tăng trưởng du khách ở thị trường này bình quân đạt mức cao trên hai con số mỗi năm trong suốt 10 năm qua.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường du lịch có mức tăng trưởng cao của Hàn Quốc. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết trong năm qua đã có 550.000 lượt du khách Việt Nam đến Hàn Quốc, tăng hơn 20% so với năm 2018 và đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất đóng góp vào thị trường du lịch Hàn Quốc.

Trước tình hình bệnh dịch lây lan nghiêm trọng, đại diện KTO cho biết các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam – Hàn Quốc có thể sẽ lùi lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ thông báo sau. Thông lệ cho thấy, các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thường được tổ chức trong những tháng đầu năm, sau kỳ nghỉ Tết.

Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung mọi nguồn lực để có thể kiểm soát dịch bệnh và hạn chế dịch bùng phát lớn hơn. Ngay cả trước khi dịch bùng phát tại Hàn Quốc thì ngành du lịch ở cả hai nước, cũng như toàn thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có thể nói, đây là ảnh hưởng chung toàn cầu”, đại diện KTO nói với Forbes Việt Nam.

Số liệu từ KTO cho biết, tính đến tháng 11/2019, trung bình mỗi tháng có 2.125 chuyến bay giữa Việt Nam – Hàn Quốc với số khách tối đa chuyên chở là 476.000. Trong đó khai thác các đường bay chủ yếu từ các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đến các tỉnh Incheon, Kim Hae, Busan, Daegu…

Theo số liệu của Cục Hàng không, năm 2019, tổng vận chuyển trên các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc hơn 9,67 triệu lượt hành khách, tăng 25% so với năm 2018 với hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 82,5%.

Tuy nhiên, hiện con số này đã sụt giảm ngay trong những tháng đầu năm nay, đặc biệt sau khi nhiều hãng hàng không ra thông báo tạm dừng một số tuyến bay. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo giảm tần suất nhiều tuyến bay đến Hàn Quốc. Trong khi Vietjet Air tạm dừng khai thác đường bay Đà Nẵng – Daegu từ ngày 25.2 đến 28.3, hãng hiện khai thác 7 chuyến/tuần cho mỗi chiều bay trên tuyến này.

Bamboo Airways cũng thông báo hủy chuyến trên hai tuyến bay từ Đà Nẵng và Nha Trang đến Incheon và ngược lại kể từ hôm nay 26.2 cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện hãng khai thác 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần trên hai tuyến này, hành khách đã đặt vé trong thời gian tạm ngừng khai thác sẽ được hoàn trả.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trước đó, thị trường hàng không và du lịch của Việt Nam đã chịu thiệt hai đáng kể kể từ khi thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Năm 2019 Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc và chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch ước sẽ thiệt hại nặng khi 54% lượng khách đến từ hai thị trường chủ lực này sẽ suy giảm mạnh.

Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty lữ hành lớn nhất thị trường Vietravel cho biết ban đầu công ty kỳ vọng đẩy mạnh thị trường Hàn Quốc, trước tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Khó khăn từ Hàn Quốc là một “cú bồi” cho du lịch Việt Nam. “Tình hình bây giờ chỉ có thể ngồi chờ xem diễn biến tiếp theo sẽ dẫn đến câu chuyện gì và đi đến đâu”, ông Kỳ nói.

Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp lữ hành đang chuyển hướng sang thị trường nội địa. Nhưng ngay cả thị trường trong nước cũng không tránh khỏi sụt giảm. Theo lãnh đạo Vietravel, vấn đề quan trọng hiện nay là tâm lý của khách hàng. “Thực tế khách trong nước cũng đang lo sợ, nên muốn lấy lại thị trường phải giải quyết được vấn đề tâm lý cho khách hàng, có như thế mới có thể đẩy mạnh xúc tiến khuyến mại chứ tình hình như hiện nay chẳng mấy khách đi, kể cả trong nước,” ông Kỳ cho biết.

Saigontourist cho biết trước đó đã triển khai chương trình kích cầu lần 1 năm 2020 trong toàn tổng công ty, thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5.2020. Theo đơn vị này đây có thể là một trong những chiến dịch kích cầu quy mô nhất từ trước đến nay được áp dụng cho toàn hệ thống các công ty thành viên bao gồm áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị gia tăng.

Đơn vị này cho biết vẫn tiếp tục tham gia quảng bá tại nhiều hội chợ du lịch tại các nước như Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh… trong năm nay để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như một điểm đến an toàn cùng với chương trình khuyến mại, kích cầu cho khách hàng.

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa chính thức ban hành tiêu chí du lịch an toàn với dịch Covid-19. Bộ tiêu chí được đưa ra dựa trên chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến từ Bộ Y tế. Đối tượng áp dụng gồm các địa phương, doanh nghiệp du lịch đăng ký chương trình kích cầu du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động.

Theo ông Kỳ, những giải pháp là cần thiết nhưng cần có sự động bộ mới thực sự phát huy hiệu quả. Nhưng trước mắt cần ban hành bộ tiêu chí về du lịch an toàn của Bộ văn hóa – Thể thao – Du lịch, vừa qua Hiệp hội du lịch ban hành nhưng không mang tính pháp lý, chỉ mang tính nội bộ, tự nguyện chứ chưa mang tính ràng buộc.

Kỳ Ngọc

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/hang-khong-va-du-lich-kho-chong-them-kho-9417.html

Cùng chuyên mục