Hàng không đưa miền Trung cất cánh
Việc liên tục mở các đường bay quốc tế từ Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình… không chỉ kích cầu du lịch mà còn là động lực thu hút các nhà đầu tư đến với miền Trung
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết một trong những kế hoạch để tăng lượng khách du lịch đến TP này là việc chính quyền địa phương luôn xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.
Nhộn nhịp các đường bay
Cuối năm 2018, có 23 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó 15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 8 đường bay trực tiếp thuê chuyến với tần suất 328 chuyến/tuần.
Đặc biệt, tháng 12/2018, Hãng hàng không Qatar Airways đã khai thác đường bay Doha – Đà Nẵng với tần suất 4 chuyến/tuần. Ngoài ra, trong quý I/2019, số lượng chuyến bay từ Thái Lan – Đà Nẵng tăng mạnh với 56 chuyến/tuần (8 chuyến/ngày), được khai thác từ 3 hãng hàng không: Thai Air Asia, Vietjet Air, Bangkok Airways. Riêng hãng Jetstar Pacific dự kiến đưa vào khai thác đường bay mới Cao Hùng (Đài Loan) – Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/ tuần từ ngày 10/8.
Trong khi đó, tháng 9/2019, Bình Định sẽ mở chuyến bay quốc tế đầu tiên tại sân bay Phù Cát. Hiện công tác chuẩn bị cho chuyến bay quốc tế đầu tiên tại sân bay này đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, hãng Bamboo Airways là đơn vị đầu tiên khai thác các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay Phù Cát. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng đã khảo sát thị trường, nhu cầu các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay Phù Cát. Năm 2018, sân bay này đón khoảng 1,3 triệu lượt hành khách, dự kiến năm 2019 sẽ nâng lên 1,4 triệu lượt hành khách, mức tăng trưởng bình quân đạt 27%/năm.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế và Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã có buổi làm việc về chủ trương đầu tư mở hãng hàng không Vietravel Airlines có trụ sở tại Huế. Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Biên, Giám đốc Vietravel Airlines, cho biết dự án Vietravel Airlines có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2020. Hãng hàng không này có khả năng khai thác 20 máy bay và 5 triệu hành khách/năm; dự kiến chuyến bay đầu tiên cất cánh vào ngày 1/1/2020. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định địa phương này sẽ đồng hành với Vietravel trong việc triển khai dự án. Mới đây, Công ty CP Hàng không Hải Âu cũng đã mở đường bay chặng ngắn giữa Huế – Đà Nẵng và khai thác bằng loại máy bay thủy phi cơ nhằm phục vụ du khách ngắm cảnh.
Theo thống kê, chỉ 4 tháng đầu năm 2019, Cảng Hàng không Đồng Hới đã đón, tiễn 1.234 chuyến bay với 153.297 lượt khách. Sân bay Đồng Hới chủ yếu phục vụ 2 đường bay chính từ Đồng Hới đi Hà Nội và TP HCM. Vừa qua, ở đây đưa vào khai thác 2 đường bay mới đi Chiang Mai (Thái Lan) và Hải Phòng đã góp phần kích cầu du lịch địa phương.
Cơ hội thu hút đầu tư
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết việc mở thêm các chuyến bay quốc tế tại sân bay Phù Cát sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương này mỗi năm đạt bình quân trên 15%. Mỗi năm, tỉnh đón hơn 4 triệu khách du lịch, trong đó có hơn 200.000 du khách quốc tế. Bình Định đang hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Phù Cát để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách đến TP Quy Nhơn và các khu du lịch trong tỉnh. “Nếu giao thông thuận lợi sẽ thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Định” – ông Dũng kỳ vọng.
Cũng như vậy, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định việc nhiều hãng hàng không mở văn phòng đại diện, hội sở tại Huế và khai thác đường bay đi/đến địa phương này sẽ tăng cơ hội thu hút khách du lịch.
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Chu Lai sẽ trở thành trung tâm vận chuyển và dịch vụ hàng không lớn nhất khu vực. Chính phủ cũng đã đồng ý quy hoạch tổng thể sân bay này trở thành trung tâm vận chuyển và dịch vụ hàng không quốc tế vào năm 2030 với tần suất 5 triệu khách/năm và 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Chậm chạp là mất cơ hội Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không Đồng Hới thành sân bay quốc tế. Sân bay này sắp vượt công suất thiết kế, trong khi tiềm năng còn rất lớn. “Nếu chậm một ngày, Quảng Bình và ngành du lịch Việt Nam sẽ lỡ đi một cơ hội” – Thủ tướng lưu ý. |
Nhóm phóng viên
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)