Hai trải nghiệm ở đồng cừu An Hòa, Ninh Thuận

Đi chơi đồng cừu gần như là “đặc sản” riêng khi khám phá Ninh Thuận. Có thể còn một số nơi nuôi cừu nữa ở xứ Việt nhưng chỉ cừu Ninh Thuận mới nổi tiếng nhất, đặc biệt là ở An Hòa.

Quang cảnh đồng cừu An Hòa, Ninh Thuận.
Quang cảnh đồng cừu An Hòa, Ninh Thuận.

Đồng cừu An Hòa thuộc địa phận thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong vài nơi chăn thả cừu tự do lớn nhất tỉnh Ninh Thuận, mà thời gian gần đây, được dân du lịch và mê sống ảo tìm đến nhiều nhất. “Nhận diện” này quen thuộc tới mức chỉ cần bạn chụp tấm hình với cừu ở Việt Nam, chắc chắn trong đầu người xem sẽ nghĩ rằng à, bạn đang ở Ninh Thuận.

Một buổi chiều đi theo đàn cừu

Có hai thời điểm ngắm cừu đẹp nhất trong ngày là buổi sáng tầm 8h và chiều muộn sau 17h. – khi cừu đi ăn và lúc chúng trở về.

Khi nắng chỉ còn đậu trên những ngọn núi, khi đồng cỏ mênh mông bắt đầu nhuốm màu loang tối, là lúc lũ cừu trở về nhà.
Khi nắng chỉ còn đậu trên những ngọn núi, khi đồng cỏ mênh mông bắt đầu nhuốm màu loang tối, là lúc lũ cừu trở về nhà.

Lần đầu, tôi đến khu đồng cừu vào thời điểm đẹp thứ hai trong ngày, khi buổi chiều nắng vàng ươm bờ đập của hồ Thành Sơn. Cùng các bạn đồng hành, đi loanh quanh trên bờ đập, kiên nhẫn ôm máy ảnh ngồi đợi lũ cừu đi ăn về. Những đồng cỏ nằm quanh khu hồ này là địa điểm lý tưởng để người ta cho cừu đi ăn. Khi nắng đã nhạt theo ánh mặt trời chìm dần sau dãy núi bên kia, thì cũng là lúc lòng hồ mùa cạn nước này rộn ràng tiếng “be be” và cuốn lên những làn bụi nhỏ. Hàng trăm con cừu lũ lượt trở về. Theo sau là những người chăn cừu, và cả những con chó chăn cừu đang rất cần mẫn làm việc lùa cừu về đúng lối. Chúng lúp xúp đi lủn củn trông xa như những cụm bông lăng xăng giữa thảo nguyên bao la. Chộn rộn theo là chúng tôi, những kẻ ngắm cừu và chụp cừu, khi đi trước, lúc đứng giữa, lúc bọc hậu bở hơi tai theo chúng qua những triền đồi rộng.

Đặc điểm phân biệt cừu nhà ai, cứ nhìn lỗ tai thì biết.
Đặc điểm phân biệt cừu nhà ai, cứ nhìn lỗ tai thì biết.

Tiếng là lùa cừu về trang trại nhưng thực ra chúng vẫn không ngừng nghỉ việc chúng đã làm từ sáng khi ra đồng: gặm cỏ. Cái lũ hiền lành này rất hám ăn và rất nhát người, bị lùa đi như thế nhưng luôn tranh thủ gặm thêm bất cứ chút cỏ nào vô tình nằm trên đường đi của mình. Và chỉ cần thấy người từ xa là chúng dạt hết cả ra, khó mà chọn được góc hình nào đông đúc như ý nếu không chịu khó rình hoặc nhờ sự trợ giúp của những người chăn cừu.

Phổ biến và đỡ tốn hơn là người ta quẹt màu lên lưng cừu để phân biệt đàn.
Phổ biến và đỡ tốn hơn là người ta quẹt màu lên lưng cừu để phân biệt đàn.

Nếu để ý, sẽ thấy bộ lông cừu trên lưng hay có những vệt màu khác nhau. Đây là cách để các trang trại phân biệt cừu của nhau thông qua các ký hiệu nhận biết này. Ai đầu tư hơn thì bấm hẳn vào lỗ tai của chúng một tấm bảng nhỏ như bảng tên. Mỗi trang trại có từ vài chục cho đến cả ngàn con, nếu không làm thế thì chuyện cừu anh cừu tôi chạy lộn đàn chắc chắn sẽ xảy ra.

Lũ cừu vẫn tranh thủ gặm cỏ không ngừng nghỉ trên đường về nhà.
Lũ cừu vẫn tranh thủ gặm cỏ không ngừng nghỉ trên đường về nhà.
Chân dung một cậu bé chăn cừu và bình nước uống trên vai cho cả ngày rong ruổi.
Chân dung một cậu bé chăn cừu và bình nước uống trên vai cho cả ngày rong ruổi.

Một buổi sáng ở trang trại cừu

Khi trở lại đồi cừu An Hòa, tôi tình cờ bước vào một trang trại ngay cạnh thành hồ Thành Sơn, trong thời điểm đẹp thứ nhất trong ngày để ngắm cừu. Và được ngắm cừu thả ra từ chuồng, tản mát đi ăn loanh quanh trong khuôn viên của trang trại chờ… khách tới.

Khoảnh khắc mặt trời thả những tia nắng cuối, làm bừng lên đồng cỏ. Lữ khách thì mê mẩn cảnh thiên nhiên đẹp còn lũ cừu thì vẫn chỉ mải mê gặm cỏ.
Khoảnh khắc mặt trời thả những tia nắng cuối, làm bừng lên đồng cỏ. Lữ khách thì mê mẩn cảnh thiên nhiên đẹp còn lũ cừu thì vẫn chỉ mải mê gặm cỏ.

Trước kia, dân du lịch bụi hay bảo nhau rằng nơi đây là điểm đến mới, tự phát, chưa có dịch vụ gì nên khi đến phải chuẩn bị đầy đủ nếu không muốn khát hay đói giữa những vùng đất mênh mông không nhà dân. Nay, khi tôi đến, đã thấy những tấm bảng chỉ dẫn vào thăm đồng cừu An Hòa, check – in trên Google cũng rất dễ kiếm. Sau vài năm, nơi đây đã kịp mọc lên vài hộ dân khai thác cừu làm du lịch. Làm du lịch ở đây theo kiểu tự phát, nghĩa là mở một trang trại kha khá rộng, nuôi chừng gần 100 con cừu để chờ du khách.

Ông chủ trang trại cừu Thành Quang ven hồ Thành Sơn bên cạnh con cừu non mời gọi khách tham quan.
Ông chủ trang trại cừu Thành Quang ven hồ Thành Sơn bên cạnh con cừu non mời gọi khách tham quan.

Những con cừu đi ăn loanh quanh trong trang trại, hễ có khách sẽ có nhân viên ra lùa về gom chúng lại chạy lon ton theo những ai cầm rau muống. Đây là cách duy nhất dụ chúng hiệu quả, chỉ việc cầm bó rau muống, chúng đánh hơi được sẽ tụ lại, nếu không kiên nhẫn thì nhờ nhân viên ở đây lùa chúng đến cho nhanh. Lũ cừu cũng rất… sòng phẳng, ăn hết rau muống thì chúng sẽ bỏ đi mặc kệ du khách có nài nỉ kiểu gì. Chỉ có rau muống mới đủ sức níu chân chúng lại. Bạn sẽ phải tiếp tục cần rau. Chủ trang trại sẽ tiếp tế ngay cho bạn.

hứ dụ cừu đến gần dễ nhất: rau muống.
Thứ dụ cừu đến gần dễ nhất: rau muống.

Tốn 10 ngàn đồng cho 1 bó rau để có hình bầy cừu xúm xít chung quanh thì cũng là quá rẻ. Thường thì ai cũng muốn bầy cừu ở lại lâu hơn để chơi với chúng hay chụp hình lưu niệm, nên chuyện trang trại này bán cả gần trăm bó rau muống những ngày cuối tuần mùa cao điểm du lịch cũng là điều dễ hiểu.

Hình ảnh hay gặp ở trang trại cừu.
Hình ảnh hay gặp ở trang trại cừu.

Chúng tôi đến sớm, nên trang trại không có ai, nhưng chỉ cần từ 10h hơn trở đi thì khách du lịch, khách đoàn từ các xe du lịch đổ xuống. Đọc tới đây bạn sẽ bảo trông có vẻ không có gì hấp dẫn và hơi công thức nhỉ. Dân chuyên xách ba lô đi sẽ chê kiểu trang trại như thế này, nhưng không sao, với trào lưu và nhu cầu đăng hình lên mạng xã hội thì trang trại như thế này vẫn bảo đảm lên hình như ý.

Ông chủ trang trại này đang lấy trứng từ con gà đang ấp. Những ổ gà khá độc đáo trên những thân cây me. Chỉ tiếc là chúng bằng nhựa!
Ông chủ trang trại này đang lấy trứng từ con gà đang ấp. Những ổ gà khá độc đáo trên những thân cây me. Chỉ tiếc là chúng bằng nhựa!

Hơn nữa, khách du lịch theo đoàn, chủ yếu là gia đình nhiều thế hệ, việc chọn một trang trại để đến chơi với lũ cừu dễ dàng, không phải nhọc công đi theo bầy cừu giữa trưa nắng và sau đó lùi vào những chiếc võng, nhà nghỉ mát của trang trại dùng bữa thì âu cũng là hợp lý cho khách du lịch phổ thông. Khách trẻ con cũng có dịp tiếp cận những con vật hiền lành nổi tiếng này, cũng như có dịp được quan sát thiên nhiên sau một năm làm “gà công nghiệp” chốn học đường.

Vì thế, có hai chọn lựa khi tham quan ở đồng cừu An Hòa, tùy bạn chọn thôi.

Từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, bạn đi đường Thống Nhất ra quốc lộ 1A hoặc đi đường 21 tháng 8 đến ngã năm Phủ Hà rồi rẽ phải theo hướng phía Bắc ra quốc lộ 1A đi Nha Trang. Đi quốc lộ 1A khoảng 10km qua núi Cà Đú, đến ngã ba An Xuân Hòa trên quốc lộ 1A. Sau đó, rẽ trái vào đường An Xuân đi An Xuân – An Hòa khoảng 4km. Tại đây, bạn có thể hỏi người dân đường vào đồng cừu An Hòa. Hành trình từ trung tâm thành phố Phan Rang đến đây khoảng 16km.

Dọc đường có bảng chỉ dẫn, bạn chỉ cần đừng chạy quá vội. Google map cũng hỗ trợ rất đắc lực và chính xác khu vực này. Tháng 8 là một trong những thời điểm đẹp nhất để đi chơi nơi này. Và đừng quên tất cả các vật dụng chống nắng mang theo. Ninh Thuận là xứ nổi tiếng nắng và gió. Giá tham khảo vào trang trại cừu: vé vào cổng: 20.000 đồng/ người, thuê nón chăn cừu: 5.000 đồng, dù: 5.000 đồng.

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

Cùng chuyên mục