Hai anh em ruột cùng ra sách về Sài Gòn
Những ngày giáp Tết, có hai cuốn sách mới về Sài Gòn khá thú vị của các tác giả Phạm Công Luận, Phạm Công Tâm vừa ra mắt bạn đọc.
Người vẽ tranh, kẻ viết. Trong đó, tác giả em Phạm Công Luận đã khá quen thuộc với độc giả trong các chùm sách về Sài Gòn những ngày tháng cũ. Còn tác giả anh, thì đây là lần đầu tiên anh thực hiện một cuộc lang thang quanh những địa chánh, chốn ăn nơi ở Sài Gòn trong suốt 3 năm để hoàn tất cuốn sách.
Màu báo Xuân xưa trong một cuốn hợp tuyển
Với tuyển tập Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo Xuân Sài Gòn xưa, nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục thâu giữ, gom góp hoài niệm trong những điều từng quen thuộc khác của Sài Gòn để in thành sách.
Cuốn sách tập hợp gần năm mươi bài viết được Phạm Công Luận tuyển chọn từ các giai phẩm Xuân xuất bản tại Sài Gòn từ thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Xuất hiện trong tuyển tập này đều là tên của những tờ báo uy tín, từng làm nên diện mạo đời sống xã hội và tinh thần của người dân miền Nam thời trước như: Thần Chung, Ánh Sáng, Đuốc Nhà Nam, Mới, Tự Do, Tiếng Chuông hay Sài Gòn Mới,… Điều đặc biệt là trên những tờ báo này luôn có sự tham gia của các cây bút nổi tiếng hay những nghệ sĩ tài danh, góp phần làm nên phong vị đặc sắc cho số báo mà độc giả mong chờ nhất trong năm.
Tác giả cuốn sách cho biết: “Để tuyển ra được số bài này, tôi phải đọc trên 300 tờ báo Xuân từ 1930 đến 1975. Đọc để tuyển chọn nên đọc kỹ, tái khám phá những câu chuyện trước đây đã lướt qua. Cuốn này như là phần bổ sung cho cuốn Sài Gòn – phong vị báo Xuân xưa tôi ra đầu năm 2018, vẫn mới dừng ở mức độ giới thiệu khái quát về loại ấn phẩm đặc biệt rất độc đáo của Việt Nam này.”
Ở cuốn sách này, độc giả có thể đọc được không ít bài viết thú vị. Từ những giai thoại ly kỳ như: chuyện vua Gia Long biết dùng lối lăn tay, chuyện con trâu “nghĩa bộc” đả hổ cứu chủ, chuyện cô gái thay hồn đổi xác sống lại đến khó tin…; cho đến những tùy bút kể về chuyện đời chuyện nghề của nhiều tên tuổi đã làm nên thời cực thịnh của sân khấu miền Nam như: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Phùng Há, Kim Cương…; hay nhiều đoạn hồi ký, giai thoại liên quan đến lịch sử, đời sống văn hóa xã hội: chuyện nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh cùng anh em bán dầu cù là và guốc cho đồng bào miền Nam ăn Tết, chuyện nhà cách mạng Nguyễn Thái Học bói Kiều đầu năm, chuyện hai phụ nữ quý tộc Mỹ lẻn vào sân triều đình Huế để xem lễ mùng Một Tết ở điện Thái Hòa vốn chỉ chấp nhận sự hiện diện của nam giới…
Một điểm chung của các bài viết trong tuyển tập này là đều được viết lại từ những câu chuyện có thực, có thể được thêm chút chi tiết ngẫu hứng tùy theo trí nhớ người kể mà không phải là những sáng tác mang tính hư cấu. Cuốn sách giúp độc giả sống trong không khí Tết xưa và có dịp chiêm nghiệm về con người, xã hội, phong tục Việt Nam của một thời đã xa.
Nhịp thành phố trong Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn
Là anh ruột của nhà báo Phạm Công Luận, họa sĩ Phạm Công Tâm phát hành cuốn sách chỉ cách người em trai vài ngày. Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn cũng là cuốn sách đầu tay của họa sĩ này. Anh không phủ màu hoài niệm như cậu em, mà lại cho thấy nhịp sống đương đại của Sài Gòn thông qua các tác phẩm của mình.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn, là cựu học sinh trường Trung học Nguyễn Bá Tòng – Gia Định, là cựu sinh viên Luật khoa Sài Gòn, cuộc sống của họa sĩ Phạm Công Tâm quá gắn bó miền đất này. Những cảnh những người của vùng đất này đã trở nên gắn bó thân thuộc như một phần máu thịt. Tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn khiến anh không ngại bỏ rất nhiều thời gian qua lại, quan sát mọi ngóc ngách của vùng đất này, rồi miệt mài bên giá vẽ, để sau cùng cho ra đời tập tranh – ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn – Chợ Lớn sinh động và đầy cảm xúc. Cuốn sách mà vì nó, anh mất ba năm lặn lội dạo quanh thành phố để ký họa, lấy tư liệu, ngắm nghía và phác thảo.
Trong tập sách này, độc giả bắt gặp không phải là một Sài Gòn xưa êm đềm trong hoài niệm của nhiều người mà là một Sài Gòn – Chợ Lớn hôm nay đang chuyển mình, phát triển với những di sản kiến trúc, nhiều tòa nhà mới nổi tiếng, những con đường, góc phố hay khu dân cư đông đúc với tấp nập kiểu mưu sinh.
Từ Sài Gòn trẻ trung, sôi động với những chợ, phố quen thuộc như chợ Bến Thành, phố đi bộ, phố Tây, tòa nhà Landmark 81…. đến Chợ Lớn quen thuộc qua những hội quán, lăng, các quán ăn đặc trưng của người Hoa… Những quang cảnh đời sống Sài Gòn được ghi lại vừa sống động vừa mơ màng theo lối tả thực bằng màu nước với gần 200 bức tranh và ký họa, ngồn ngộn chi tiết, sắc màu.
Nhà báo Phạm Công Luận đã nhận xét về cuốn sách của anh mình: “Rất nhiều cảnh vật, người và công trình kiến trúc trên đất Sài Gòn hiện lên rực rỡ và sinh động trong cuốn sách khổ lớn này. Có những tòa nhà nổi tiếng mà tôi, người viết ít nhiều về Sài Gòn, chưa thấy tận mắt. Nhiều cảnh đời thường, những người lao động trên đường phố vừa lạ vừa quen. Dù vẽ những cảnh quen thuộc, tả thực bằng màu nước, anh có góc nhìn riêng, tập trung vào những ngóc ngách riêng của đời sống Sài Gòn, bên cạnh việc mô tả những công trình, cảnh vật quen thuộc ở thành phố này.”
Bên cạnh các bức tranh vẽ, tác giả còn bổ sung những lời chú thích ngắn gọn, cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về lịch sử của Sài Gòn.
Sơn Trà
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/hai-anh-em-ruot-cung-ra-sach-ve-sai-gon/