Giữ lửa cồng chiêng Mơ Nông

Gần 40 năm gắn bó với cồng chiêng, nhưng mỗi lần nghe thứ thanh âm quen thuộc của nó vang lên, già làng Hồ Văn Xây (67 tuổi, thôn 4, xã Phước Trà, Hiệp Đức) lại có những cảm nhận rất khác nhau. Đôi mắt già nhắm lại như đang lắng nghe điều gì đó vọng về từ núi rừng…

Già làng Hồ Văn Xây cho biết, ngày xưa, để có 1 cái cồng chiêng người Mơ Nông phải đổi 1 con trâu. Ảnh: PHAN VINH
Già làng Hồ Văn Xây cho biết, ngày xưa, để có 1 cái cồng chiêng người Mơ Nông phải đổi 1 con trâu. Ảnh: PHAN VINH

Đam mê từ nhỏ

Râu và tóc già Xây đã pha bạc. Vầng trán cao, bóng nhẵn trong màu da ngăm đen, đặc trưng của người vùng cao sống dưới dãy rừng Trường Sơn hùng vĩ. Ông kể, lúc còn nhỏ, mỗi lần ở địa phương có lễ hội gì, ông đều lân la theo những già làng để được xem biểu diễn cồng chiêng. “Ngày xưa ông bà mình đánh cồng chiêng hay lắm. Nhịp điệu khỏe và oai phong như cái cây, ngọn núi trong rừng vậy. Già làng mang cồng chiêng đến đâu thì mình có mặt ở đó. Kiểu như đam mê vậy chứ hồi đó có cầm nổi cái cồng cái chiêng đâu. Mà có cầm nổi thì cũng không ai cho cầm, chỉ có những già làng và thanh niên ưu tú trong làng mới được đánh cồng chiêng thôi” – già Xây kể.

Mãi cho đến khi 20 tuổi, được già làng và các bậc cao niên thương quý vì tính hiền lành, chăm chỉ thì chàng trai Hồ Văn Xây mới vinh dự được chọn vào đội hình đánh cồng chiêng mỗi khi có lễ hội. Chàng được già làng chỉ dạy cách đánh cồng chiêng, cách thẩm âm theo nhịp điệu và đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn hình thể đúng với phong tục, tập quán của người Mơ Nông. Theo già Xây, cũng giống như nhiều dân tộc sống trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam, bộ cồng chiêng của người Mơ Nông gồm có 3 cồng chiêng và 1 trống. Trong đó, có 2 cồng chiêng lớn và 1 cồng chiêng nhỏ. Người đánh 2 cồng chiêng lớn phải được lựa chọn rất kỹ và đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, khả năng thẩm âm vì đây là nhịp điệu chính và bắt buộc 2 người đánh cồng chiêng lớn phải tập trung và phối hợp với nhau thật nhuần nhuyễn và ăn ý.

Bà Hồ Thị Mỹ Duyên – Cán bộ VH – TT xã Phước Trà cho biết: “Già làng Hồ Văn Xây cũng là Bí thư Chi bộ thôn 4, trước đây từng giữ chức Bí thư và Chủ tịch xã Phước Trà. Già Xây là người rất tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mơ Nông, trong đó có nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Trong các dịp biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng của 3 xã vùng cao Hiệp Đức, tiết mục của già Xây luôn được đánh giá cao và liên tục nhiều năm liền vinh dự được giải Nhất”.

Già Xây may mắn được lĩnh hội hết cách đánh bộ cồng chiêng nhờ tính ham học hỏi và sự chỉ dạy tận tình của già làng cũng như những nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong làng. Mãi cho đến bây giờ, khi đã là một già làng uy nghi và gắn bó nhiều năm với cồng chiêng nhưng khi nghĩ lại hồi được vào đội hình biểu diễn của làng và được các bậc cao niên chỉ dạy cách đánh cồng chiêng, già Xây luôn có một tâm thế rất đỗi tự hào.

Giữ điều trân quý

Già Xây cho biết, trước đây, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Mơ Nông chỉ diễn ra vào các lễ hội đặc biệt của làng như ăn mừng lúa mới, lễ đâm trâu. Và đặc biệt kiêng kỵ việc ngày bình thường lấy cồng chiêng ra đánh mà không vì mục đích rước thần linh hoặc vui niềm vui chung của làng. Ngày xưa, làng nào sắm được bộ cồng chiêng thì coi như báu vật, vì vậy họ thường cất giấu bộ cồng chiêng ở trong rừng sâu, chỉ có già làng và một vài vị cao niên trong làng biết đến vị trí cất giấu đó. Về sau, vì sự bất tiện nên người Mơ Nông bỏ đi phong tục này mà có thể cất ở nhà của già làng hoặc nhà cộng đồng.

Khoảng vài năm trở lại đây, vẫn có trường hợp ngoại lệ, khi chính quyền địa phương mời đội hình nghệ nhân cồng chiêng của làng đi biểu diễn ở các dịp lễ thì già làng vẫn cho phép, nhưng phải làm thủ tục xin thần linh. Già Xây kể, ngày xưa, mỗi làng thường chỉ có một bộ cồng chiêng là tài sản chung vì một cái cồng chiêng phải đổi bằng một con trâu. Có nhiều làng mới lập phải mất hơn 10 năm mới có thể mua được một bộ cồng chiêng. Vì yêu quý và luôn cố gắng gìn giữ phong tục tập quán của đồng bào mình mà ông cũng phải mất 3 con trâu và nhiều tài sản khác mới có thể sở hữu một bộ cồng chiêng. Bây giờ cồng chiêng rẻ hơn, nhà có điều kiện một chút là có thể mua được.

Điều mà già Xây vui nhất là thanh niên trong làng vẫn thích thú với nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của đồng bào mình. Mỗi khi trong làng có việc, nhiều thanh niên tụ tập lại để xem và học hỏi các bậc cao niên đánh cồng chiêng. Theo già Xây, cứ khoảng 10 thanh niên thì đã có 6 người biết đánh, trong đó, biết thẩm âm và đánh theo nhịp cho 2 cồng chiêng lớn thì khoảng 3 người. “Chừng đó là vui rồi, lớp trẻ bây giờ hơn chúng tôi ngày trước, nhanh tiếp thu hơn và cũng có ý thức bảo tồn, phát huy truyền thống, phong tục tập quán của ông cha.  Bây giờ cuộc sống hiện đại với nhiều điều mới mẻ nên người vùng cao rất dễ quên đi truyền thống của mình. Đặc biệt người Mơ Nông sống phân tán khắp nơi nên rất dễ bị hòa tan. Tôi luôn dặn con cháu trong làng phải biết giữ gìn điều trân quý của đồng bào mình. Âm thanh của cồng chiêng có thể khác do nguyên liệu để đúc thành nó mỗi giai đoạn mỗi khác, nhưng phong thái và ngọn lửa của người đánh cồng chiêng thì không được thay đổi” – già Xây khẳng định.

Phan Vinh

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục