“Gieo chữ” giữa muôn trùng gian khó

Khó khăn lắm học sinh vùng cao mới có những ngôi trường khang trang. Nhưng sau sạt lở, lũ quét, nhiều phòng học bị đổ sập, sách vở, dụng cụ dạy học bị cuốn trôi, hư hỏng. Trong muôn vàn gian khó đó, thầy và trò vùng cao đang cố gắng khắc phục, tiếp tục bám lớp, bám trường “gieo chữ”…

gieo-chu-giua-muon-trung-kho-khan
Bộ đội, thanh niên giúp Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Leng dọn dẹp bùn đất sau lũ. Ảnh: VINH ANH

Bám bản “gieo chữ”

Điểm trường Tăk Rối (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) nằm phía đầu ngôi làng cách biệt bên bờ sông Tranh – nơi có hơn 40 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chịu thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua.

Gần 25 năm lên núi dạy học, thầy Lê Văn Bốn (giáo viên điểm trường Tăk Rối) cho biết chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vừa rồi. Chỗ điểm trường đóng chân nằm cách xa dòng sông Tranh, nước sông chưa khi nào dâng tới. Nhưng cơn lũ trong bão số 9 thì sự hư hại ngoài sức tưởng tượng. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng…, “xót” nhất là điểm trường Tăk Rối với 2 phòng học dành cho 2 lớp tiểu học và mầm non cùng phòng ở giáo viên, nhà bếp, nhà vệ sinh bị bão, lũ vùi dập.

Tranh thủ trời nắng ráo, giữa tiết dạy, thầy Bốn mang 2 chiếc đèn năng lượng mặt trời ra phơi. Hơn 20 ngày sau bão số 9, làng Tăk Rối vẫn chưa có điện. Nhờ 2 chiếc đèn năng lượng nên ban đêm thầy có ánh sáng để sinh hoạt, soạn bài, một mình ở lại điểm trường cũng đỡ buồn. Vẫn còn đó tại điểm trường Tăk Rối những bừa bộn. Những đổ vỡ toang hoác của tường mái, chưa có chỗ để dời đi.

Thầy Bốn chia sẻ: “Lũ rút, điểm trường hoang tàn đến đau lòng. Nhìn ngôi trường mà không thôi nghĩ đến học trò. Khó lắm các em mới có được ngôi trường đẹp và khang trang như thế…”.

gieo-chu-giua-muon-trung-kho-khan
Thầy Lê Văn Bốn miệt mài chỉ bảo cho học trò ở điểm trường Tăk Rối sau cơn lũ đi qua. Ảnh: VINH ANH

Nhưng, chỉ một tuần sau bão, thầy Bốn cùng các trò quay lại trường. Lớp học lại rộn rã tiếng nói cười. Trước đó, thầy Bốn được sự giúp sức của người dân Tăk Rối chung tay dọn dẹp bùn đất, chùi rửa bàn ghế, dụng cụ học tập để sớm đón học sinh.

Thầy Bốn tận dụng gian phòng ở giữa để dạy cho các em lớp tiểu học. Còn phòng học bên cạnh của lớp mầm non bị sập tường nên phải mượn tạm nhà dân để đón trẻ. Không khỏi chạnh lòng khi thấy hình ảnh một mình thầy giáo “già” cùng 15 học trò (8 em lớp 1 và 7 em lớp 2 học chung) cặm cụi “gieo chữ” giữa không gian cô quạnh, vắng lặng.

“Lớp có 15 em nhưng sau bão còn một số em chưa ra lớp. Nhiều em theo bố mẹ lên rẫy hoặc ham chơi không chịu đến lớp. Nhiều đêm, tôi và các anh cán bộ thôn phải đến từng nhà để vận động” – thầy Bốn cho biết.

Gác lại niềm đau

Hôm trở lại “điểm nóng” Trà Leng, trên con đường dẫn vào xã vẫn còn đó khung cảnh tan hoang. May là hàng chục điểm sạt lở trên trục đường chính đã được khơi thông để sự hỗ trợ, sẻ chia kịp đến được với bà con. Qua nóc Ông Đề ở thôn 1, chúng tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh trước dấu tích của trận sạt lở núi kinh hoàng hồi cuối tháng 10.

gieo-chu-giua-muon-trung-kho-khan
Cô giáo Hồ Thị Chim gác lại nỗi buồn mất nhà cửa để ra lớp dạy học. Ảnh: VINH ANH

Vẫn còn đó những niềm đau. Nhiều người dân Trà Leng bị vùi lấp do lũ quét gây sạt lở núi đến nay vẫn chưa tìm thấy. Nhiều gia đình mất nhà cửa đang phải sống tạm. Những đứa trẻ mất cha, mẹ, người thân… Chính quyền và người dân Trà Leng đang cố gắng để khắc phục. Nhiều chuyến xe tình nguyện chở hàng cứu trợ từ miền xuôi đã tiến về Trà Leng. Và lòng chúng tôi ấm hẳn lên khi đến những ngôi trường ở Trà Leng đã lại nghe râm ran tiếng ê a đọc chữ, bắt gặp những nụ cười trẻ thơ trong giờ ra chơi…

Thầy Trần Văn Phụ – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng cho biết, đến ngày 18.11 vừa qua nhà trường mới tổ chức lại việc dạy học, sau đúng 20 ngày cơn bão số 9 đi qua. Để học sinh có thể ra lại lớp, thầy cô nhà trường phải nỗ lực rất nhiều. Cùng với sự giúp đỡ của trường bạn, sự hỗ trợ của chính quyền, bộ đội, thanh niên…, những khó khăn ở trường đang dần được khắc phục.

gieo-chu-giua-muon-trung-kho-khan
Còn nhiều khó khăn đối với hành trình tìm con chữ của học sinh xã Trà Leng.

“Khó khăn về cơ sở vật chất thì khắc phục dần dần nhưng nan giải nhất là vận động học sinh ra lớp sau bão lũ. Nhà trường đang phân công các thầy cô chia thành từng nhóm về các thôn, nóc để cùng địa phương vận động học sinh” – thầy Phụ chia sẻ.

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng, nhiều thầy cô giáo ở miền xuôi, lâu chưa được về thăm nhà. Có cô mới sinh con nhỏ hơn 6 tháng tuổi cũng đành gửi lại cho ông bà, vì chưa thể đón lên. Đau lòng nhất, nhà trường bị mất 2 học sinh, một cô giáo của trường bị mất người thân do lở núi…

Còn đó những khó khăn, niềm đau tạm gác lại, các thầy cô ở Trà Leng tất bật với sự nghiệp “gieo chữ”. Cô giáo Hồ Thị Chim (thôn 2, xã Trà Leng) bị mất nhà do đợt lũ dữ vừa qua, hiện phải ở nhờ nhà người cháu trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vượt qua khó khăn trước mắt, cô lại miệt mài mang con chữ đến với học trò.

“Chỗ ở của gia đình mình sớm muộn cũng sẽ ổn định, còn chuyện học của các em thì không thể chờ theo thời gian. Học trò đến lớp đông đủ, học bài chăm chỉ là động lực lớn nhất để mình và đồng nghiệp vượt qua khó khăn lúc này” – cô Hồ Thị Chim tâm sự.

Vinh Anh

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/giao-duc/gieo-chu-giua-muon-trung-gian-kho-106094.html

Cùng chuyên mục