Giếng làng Hà Quang

Chính quyền và nhân dân xã Tam Tiến (Núi Thành) nói chung, làng Hà Quang nói riêng đang hoàn tất các khâu để tổ chức khánh thành công trình tôn tạo giếng làng Hà Quang và bia di tích lịch sử cách mạng, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã đúng dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Quảng Nam (24.3).

Di tích giếng làng Hà Quang, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Tam Tiến. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Di tích giếng làng Hà Quang, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Tam Tiến. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Gắn kết xóm làng

Tam Tiến là xã vùng cát ven biển thuộc huyện Tam Kỳ trước đây, nay là huyện Núi Thành. Cũng như các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ, tổ tiên của cư dân Tam Tiến phần lớn có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào phương Nam khai cơ lập nghiệp. Gia phả của một số tộc họ còn lưu giữ, những người di cư đến vùng đất Tam Tiến đầu tiên vào năm 1471 – 1515 (thời Hậu Lê). Sau đó số người đến định cư tại vùng đất này ngày càng đông, lập nên làng xã. Những địa danh hiện vẫn còn nhắc đến nhiều như Cát Cao xứ, Hà Bứa thôn (nay thuộc thôn Hà Quang), Gành La xứ – Kinh La xứ (nay thuộc thôn Tiến Thành), Thi Lập ấp (nay thuộc thôn Diêm Trà), Ngọc Giáp thôn (nay thuộc thôn Lộc Ngọc), xóm Cây Bàng (nay thuộc thôn Bảng Long)… Riêng vùng đất Hà Quang cư dân đến khai cơ lập nghiệp khá đông, lúc bấy giờ điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhất là nguồn nước ngọt. Trước tình cảnh đó dân làng đã chung tay góp sức đào giếng khơi để lấy nước sinh hoạt. Giếng làng này đầu tiên là giếng đất lát đá tự nhiên, do dân làng đào từ thời Tây Sơn năm Nhâm Dần (1782). Đến thời Tự Đức năm Đinh Mùi (1847) dân làng làm ăn khấm khá, chung góp công của tu bổ. Giếng xây bằng đá ong, có bốn trụ, khung mái làm bằng gỗ lợp ngói âm dương. Nền giếng lát đá xanh nguyên khối lấy từ núi Bàn Than (Tam Hải).

Mỗi độ Xuân về Tết đến, người dân làng Hà Quang tụ họp tại giếng làng để mổ heo, nấu bánh tét chia nhau về ăn tết tạo nên sự gắn kết cộng đồng mật thiết. Giếng làng quanh năm không cạn, nước trong và ngọt. Hàng ngày mọi người lấy nước để nấu ăn, giếng nước cũng là nơi gặp gỡ của dân làng, chuyện vui, chuyện buồn cùng kể cho nhau nghe, nhiều người nên vợ nên chồng cũng bắt đầu từ giếng làng này… Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao biến cố thăng trầm nhưng người dân làng Hà Quang vẫn giữ được giếng, coi như linh hồn của làng.

Bia di tích về giếng làng Hà Quang, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Tam Tiến. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Bia di tích về giếng làng Hà Quang, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của xã Tam Tiến. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Nơi thành lập chi bộ đảng

Tại giếng làng Hà Quang, ngày 7.2.1938 Phủ ủy Tam Kỳ quyết định thành lập Chi bộ đảng xã Tam Tiến, lấy tên Chi bộ Tam Hà (bí danh Ba Hải). Đây là Chi bộ đảng đầu tiên của Tam Tiến do đồng chí Nguyễn Cự (tức Nhiêm) làm Bí thư cùng 2 đảng viên gồm Nguyễn Dương Thanh (tức Chánh Phiêu) và Huỳnh Lãng (tức Yết); phạm vi hoạt động trên địa bàn 5 xã thuộc tổng An Hòa (Tam Hà, Tam Lộc, Diêm Điền, Ngao Tân, Hòa Trà). Sau khi thành lập, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng ủy An Hòa, chi bộ đã tuyên truyền tổ chức 2 tổ quần chúng cách mạng gồm những người trung niên và những người tiến bộ được cử làm lý hương các xã, đồng thời vận động thanh niên đọc sách báo tiến bộ.

Tháng 3.1939, Chi bộ Tam Hà và các đồng chí trong Hội Cứu tế đỏ Ngọc Giáp đã vận động quần chúng tham gia cuộc mít tinh tại xóm Cồn – Quảng Phú để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5 và truy điệu nhà trí thức yêu nước Phan Thanh do Phủ ủy Tam Kỳ tổ chức. Tháng 6.1939, thực hiện quyết định của Tổng ủy An Hòa, đồng chí Nguyễn Dương Thanh ra tranh cử chức Chánh tổng An Hòa. Ngoài việc vận động bà con trong gia tộc khai tài sản để đồng chí đủ tiêu chuẩn về kinh tế ra tranh cử, Chi bộ Tam Hà còn vận động lý hương các xã tập trung phiếu bầu đồng chí Nguyễn Dương Thanh thắng cử. Thông qua các hình thức vận động cách mạng trong những năm 1937 – 1945 tại địa phương mở thêm được trường tư thục dạy vỡ lòng, xây dựng trường sơ học; xóa bỏ một số tục lệ cẩn biếu, phục dịch cho hào lý, phân chia công điền cho dân nghèo, hạn chế hình thức phạt vạ khắc nghiệt và tạo điều kiện cho nhân dân đi lại làm ăn… Đặc biệt chi bộ tập hợp lực lượng tham gia cùng ban bạo động cướp chính quyền thành công năm 1945 tại Phủ lỵ Tam Kỳ. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, Chi bộ Tam Hà đã lãnh đạo nhân dân “bám đất, bám làng”, nuôi giấu, bảo vệ an toàn tuyệt mật các đồng chí lãnh đạo cấp trên về xây dựng phong trào cách mạng địa phương góp phần đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng quê hương.

Giếng làng Hà Quang được tôn tạo theo nguyên bản, nền lát gạch nung, thành bao giếng xây theo hình bát giác, bia di tích lịch sử cách mạng về chi bộ đảng đầu tiên của xã được làm bằng đá granic…. Tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng thực hiện công trình từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân dân và những người con Tam Tiến đang công tác, sinh sống ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. “Công trình này cũng sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục các thế hệ trẻ địa phương về truyền thống văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của quê hương” – ông Lê Kim Tuyến, Bí thư Chi bộ thôn Hà Quang nói.

Nguyễn Điện Ngọc

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục