Giếng cổ làng Chăm Thành Tín

Làng Thành Tín, tiếng Chăm là Palei Cwah Patih, tức làng Cát Trắng, với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Đó là một trong ít làng Chăm hiện nay nằm sát bờ biển. Ở đó còn lại hai giếng cổ rất độc đáo. Độc đáo bởi đây là giếng nước mà dân làng vẫn còn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Được biết từ xa xưa dọc suốt dải đất miền Trung Việt Nam hiện nay, giếng cổ Champa hiện hữu như một huyền thoại. Huyền thoại nhưng mà rất hiện thực. Bởi đến ngày hôm nay rất nhiều giếng được nhà khảo cổ tìm thấy. Đó là loại giếng vuông, làm bằng gạch và gỗ, không sâu nhưng giếng luôn luôn đầy.

Giếng này nằm phía Đông, gọi là giếng Cái (Bingun Binai, còn gọi là Bingun Kamei). Ảnh: Inrajaya

Đặc biệt hơn nữa là mặc dù ở sát biển, có giếng chỉ cách khoảng trăm thước, nhưng nước giếng rất ngọt. Đó là nguyên do giải thích vì sao thương thuyền các nước lân cận đi qua khu vực này thường ghé lấy nước uống. Bán nước ngọt cho thuyền bè trở thành một nghề phát triển của Champa.

Giếng cổ Chăm nằm ở khu vực Xóm Cũ, cách trung tâm thôn Thành Tín (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) non cây số về hướng Đông. Xung quanh giếng nước là vườn cây ăn trái tỏa bóng mát rượi. Cả vùng phía dưới là cánh đồng lúa, tạo một sự thanh bình kỳ lạ.

Giếng phía Tây gọi là giếng Đực (Bingun Tano, còn gọi là Bingun Likei). Ảnh: Inrajaya

Sư cả Kiều Bình, trụ trì chùa Bà-ni của làng này cho biết hai giếng cổ này được ông bà xưa xây dựng từ thuở lập làng. Hệ thống giếng gồm hai cái nằm song song, cách nhau khoảng 20 mét. Giếng phía Đông gọi là giếng Cái (Bingun Binai, còn gọi là Bingun Kamei), giếng phía Tây gọi là giếng Đực (Bingun Tano, còn gọi là Bingun Likei).

Ông bà xưa lợi dụng mạch nước ngầm mát ngọt chảy quanh năm từ động cát phía Nam làng (gần Ghur palei Cwah Patih) để xây dựng hệ thống giếng hộc lắp ghép bằng gỗ. Giếng sâu khoảng 1,8 mét, mỗi bề rộng 2 mét, ghép gỗ kín ba mặt theo các hướng Tây-Nam-Đông, cao hơn mặt đất khoảng 70 cm. Mặt giếng phía Bắc chừa trống để tiện việc lấy nước. Khi nước giếng dâng đầy, tự động nước chảy tràn ra miệng ở hướng Bắc cho nhân dân tắm giặt, phục vụ sản xuất. Lúc trước, làng có quy định phụ nữ lấy nước, tắm gội ở giếng Cái, nam giới thì ở bên giếng Đực.

Giếng nước cổ Thành Tín được chia làm ba phần: Lòng giếng chứa nước sạch dùng để uống, phần nước từ giếng dâng đầy chảy ra có kê nhiều hòn đá tảng dùng để ngồi tắm giặt, phần nước cuối nguồn dành cho gia súc uống và tưới đồng ruộng. Đồng lúa rộng trên 100 ha, gieo trồng mỗi năm hai vụ lúa. Lúa ở cánh đồng này rất được dân làng trân trọng, có tục danh Padai Pingun.

Trước đây dân làng Thành Tín sinh sống nhờ vào nguồn nước ngọt và nguồn lợi từ hai giếng cổ này. Từ năm 2005, sau khi có hệ thống nước tự chảy và nước máy lắp đặt đến từng gia đình, nước ngọt giếng cổ bớt đi gánh nặng đáng kể. Nước chỉ còn là nước uống cho gia súc và tưới bổ sung vào cánh đồng. Những gia đình ở khu vực Xóm Cũ hiện nay vẫn thường xuyên đến tắm giặt tại giếng cổ.

Mấy năm trước, chia sẻ với chúng tôi, sư cả Kiều Bình tâm sự ông ít khi dùng nước máy. Ông nói: “Tôi đã qua tuổi cổ lai hy nhưng sức khỏe rất tốt, có lẽ do hưởng lộc nước, quanh năm suốt tháng dùng nước giếng này và hưởng không khí trong mát ở khu vực giếng cổ Bingun Cham. Từ khi trưởng thành, tôi được ban phong tục của làng giao trông nom hai giếng cổ phục vụ đời sống bà con”. Sư cả Kiều Bình mất cuối năm 2018, thọ 92 tuổi.

“Tháng Tư hàng năm, làng Thành Tín tổ chức lễ cúng giếng do sư cả Kiều Bình chủ trì, để tưởng nhớ công ơn tổ tiên đem lại nguồn nước trong lành, bảo đảm đời sống nhân dân no ấm” – bà Từ Thị Dở – người dân khu vực Xóm Cũ, thường xuyên đến tắm giặt tại giếng cổ cho biết.

Khi có người trong đoàn chúng tôi hỏi đùa rằng có khi nào giếng cổ này bị dân làng phế bỏ vì đã lỗi thời không? Bà Dở rất tự tin: “Khi chúng tôi chưa sinh ra thì đã có Bingun ở đây, tôi ra đời và lớn lên nhờ uống nước Bingun này, rồi con cháu tôi nữa… Bingun Cham sẽ ở đây mãi mãi với thời gian, các anh chị à”.

Kiều Maily

Cùng chuyên mục