Êm đềm những hồi ức vàng son về Đà Lạt ở Phố Bên Đồi
Phố Bên Đồi lần 3 mang đến một triển lãm với hơn 125 tác phẩm của gần 50 nghệ sĩ trẻ và đã thành danh, cùng chuyên gia các lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc, âm nhạc,… trong và ngoài nước. Toàn bộ tranh tại triển lãm đều là lần đầu tiên ra mắt.
Chiều 27-11 tại TP.HCM, Phố Bên Đồi với sự hợp tác của Cộng đồng ký họa Việt Nam – Urban Sketchers Việt Nam (thành viên của Cộng đồng ký họa Thế giới) đã ra mắt chương trình lần thứ 3.
Đây là chương trình nghệ thuật cộng đồng lấy không gian chính là vùng nông nghiệp Cầu Đất (TP. Đà Lạt) làm địa điểm tổ chức và diễn ra liên tục trong liên tục trong 3 tháng (8-12-2018 đến 28-2–2019).
Phố Bên Đồi với chủ đề “Sống lại vàng son” chào mừng 125 năm hình thành Đà Lạt (1893 – 2018) kỳ vọng thu hút 45.000 lượt khách khách tham quan đến thành phố Đà Lạt cũng như để tìm lại những ký ức xưa của Đà Lạt thông qua tranh và các hoạt động nghệ thuật cộng đồng khác.
Không gian chính của chương trình có lịch sử hơn 100 năm sản xuất chè và cà phê. Là nơi vẫn còn những chứng nhân cho khởi đầu của hành trình nông nghiệp Đà Lạt.
Ông Nguyễn Trung Hiền, người sáng lập Phố Bên Đồi cho biết: “Chúng tôi muốn vun đắp sự tự hào về di sản và bồi dưỡng nhận thức để bảo tồn di sản bằng việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại đa hình thái. Phố Bên Đồi kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Lạt, định vị hình ảnh của Đà Lạt như một điểm đến văn hóa mới của Đông Nam Á”.
Trả lời câu hỏi về việc tổ chức một hoạt động nghệ thuật được đầu tư công phu tại một vùng ngoại thành cách xa Đà Lạt gần 20 km, ông Hiền nói: “Đa số khách đến thưởng thức tranh và cả những họa sĩ có tranh triển lãm ở đợt này đề là dân phố thị dù ở Việt Nam hay nước ngoài. Tôi cho rằng việc bước ra khỏi phố thị, đến một vùng nông thôn có bề dày ký ức là một sáng kiến để nhìn lại một đô thị có một ký ức rực rỡ, tự hào và đáng say mê. Đứng xa Đà Lạt và nhìn lại đô thị này cũng là một cách để có cái nhìn minh định về bảo tồn và phát triển một đô thị cổ”.
Kiến trúc sư Vũ Đức Chiến, người sáng lập Urban Sketchers Vietnam, cho biết: “Nhóm ký họa sẽ đi và vẽ ngay trong những ngày tổ chức chương trình và triển lãm sau đó. Những bức ký hoạ là góc nhìn phản ánh những ấn tượng mạnh của họa sĩ về Đà Lạt. Những địa điểm di sản, công trình kiến trúc, ngõ hẻm, giao thông công cộng, ẩm thực đường phố.. là những hình ảnh phản ánh tất cả các khía cạnh cuộc sống của đô thị Đà Lạt rất khác biệt nhưng gần gũi với không chỉ người dân Việt Nam mà còn là du khách quốc tế”.
Theo ông Chiến, Đà Lạt là một đô thị lạ kỳ, có chất Việt Nam nhưng lại chứa rất nhiều hiện thân của tinh hoa kiến trúc thế giới. Đó là những di tích chúng ta muốn giữ không chỉ trong lòng, trong ký ức mà còn là những công trình hiện hữu có sức sống pha trộn giữa quá khứ và hiện tại.