Đường thơm

Tôi thường nhớ nôn nao câu thơ tuyệt đẹp của Huy Cận: “Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”.

Viết về con đường làng mà không tả con đường làng. Không tả con đường làng mà đích thị là đường làng vì không một lối đi nào có thể đặc trưng của quyện thơm mùi và sắc hương tự nhiên từ trời đất đến như vậy. Tôi thích những câu thơ ấy đến nao lòng. Và tôi tự nghĩ, thật may mắn cho người nào được sinh ra từ những con đường làng. Ở đó, bạn tha hồ “giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” cho những gì thuộc về thế giới tâm hồn đủ để trú ngụ cả cuộc đời mình.

Tôi có một người hàng xóm chưa bao giờ bước ra khỏi cánh cổng làng. Cả gia đình sống quây quần trong một ngôi nhà nhỏ đồng thời là một tiệm may thủ công. Mảnh đất nhỏ đủ nuôi vài con gà, trồng mấy bụi chuối và dăm cây ớt nhỏ. Trừ những đứa trẻ hằng ngày tới trường và người vợ thỉnh thoảng xuống thị trấn để lấy thêm hàng hóa, còn cậu Tú – ông chủ, ngoài bốn mươi tuổi chỉ đi tới lui trên những lối trong làng. Vậy mà con người ấy bao giờ cũng đầy ắp bận rộn: cuốc đất lật cỏ, phụ hồ, đi câu, đánh lưới… không gì không làm được, vẻ mặt lại không lúc nào nhìn sầu muộn kém vui. Tôi mơ hồ suy tưởng rằng, có lẽ những con đường làng kết nối một không gian êm đềm đã biệt đãi cho con người này sự tri túc (biết đủ). Và vì luôn được đủ nên cuộc đời cậu không bao giờ cảm thấy cần thiết tìm kiếm niềm vui bên ngoài cánh cổng làng.

Đường thơm
Đường làng. Nguồn: Internet

Giờ đây, gần như nhu cầu bê tông hóa đã len sâu trong mọi ngõ ngách trên những con đường làng quen thuộc ở quê tôi. Tiện nghi đó mà cũng tiếc nhớ đó khôn nguôi. Xe chạy ào ào, xi măng vôi vữa vô hồn vô cảm không thuộc về nhịp sống thong thả của một làng quê đẹp như tranh vẽ ở xứ tôi. Cách đây chưa đầy một thập kỷ, khi con đường bê tông phẳng phiu rộng hơn hai mét được thay thế cho lối nhỏ sình lầy vào mỗi mùa mưa thì dường như người dân trong làng ai cũng bước đi trong niềm hân hoan, sung sướng. Xe đạp chạy cũng êm hơn, xe máy cũng được mua nhiều hơn và thậm chí có cả vài chiếc ô tô cũng đã về tận cuối xóm.

Nhưng khi mọi thứ đã trở nên quen thuộc thì có một nỗi thiếu vắng nào đó đã gợi lại trong tâm hồn những con người bình thường vốn vẫn thơm mùi rơm rạ. Bà con trong làng ra sức trồng lấy lại màu xanh che bớt bê tông hai bên vệ đường bằng những cây dâu đất, cây cau, cây sưa, ram sam, tía ngọ… Thậm chí là lan huệ vốn dĩ là loài mọc hoang cũng được nâng niu đào củ mang về cho nở hoa dọc những lối đi. Mỗi khi trở về, nhìn ngắm vẻ đẹp “thiếu quy hoạch” nhiều tầng bậc ấy, lòng tôi lại nghe như một niềm thương vô bờ bến đối với làng.

Con đường làng tôi thơm nhất có lẽ vào mùa gặt. Xuân thu nhị kỳ với mấy mảnh ruộng bậc thang là đặc trưng vùng bán sơn địa xứ Tiên chỉ gồng gánh được hai vụ mùa. Nhưng cảnh tượng làng trên xóm dưới bà con gặt lúa phơi rơm không khác gì ngày hội. Những năm trước đây, ngày đó, đám ruộng đó nhà cậu Bảy Phục hay chú Tư Mão được thu hoạch tất có đãi thợ món mỳ quảng nhưn gà. Trái mít chín ăn nửa buổi nhà cô Nhung hay rổ bánh bèo của thím Thu chắc cũng sẽ thừa ra cho bọn trẻ con chăn bò chút ít. Và niềm vui ấy trọn vẹn hơn khi những hạt lúa tươi thơm phức được mang thẳng về nhà chứ không phải gồng gánh phần nhiều cho hợp tác xã.

“Nhật mộ hương quan” (cổng làng buổi chiều tà) là hình ảnh gây thương nhớ bao đời cho những người con tha phương cầu thực. Đằng sau cánh cổng làng trong tâm thức mỗi người nhất định sẽ là nơi “hoa dại với mùi hương” mà dù ở phương trời nào, mùi hương đó cũng ngập tràn kỷ niệm.

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục