Dừng nghỉ bên cồn

Trên đường thiên lý, ai đếm hết dấu chân sĩ tử từng lai kinh ứng thí và hồi hương, kể cả người may mắn vinh quy bái tổ. Và dọc dài con đường võng lọng ấy, hẳn có những chốn dừng chân vang bóng…

Cồn Trò, nhìn từ phía Bắc cầu Nam Ô. Ảnh: H.X.H

1. Từ bến Đò Xu ở gần ngã ba sông Cẩm Lệ – sông Hàn – sông Cổ Cò – nơi có nhà nghiên cứu nghi vấn là trạm đò ngang trên đường thiên lý Bắc – Nam, các tuyến đường dẫn ra phía đèo Hải Vân không thể trùng khít với lối đi xưa. Nhưng có một điểm dừng vẫn không xê dịch: Cồn Trò.

Nhiều nguồn sử liệu địa phương chép về khu đất nằm bên phía tây quốc lộ, gần chợ Nam Ô thuộc địa phận quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) ấy. Cồn Trò là một địa danh Nôm, “trò” chỉ học trò đi thi ngày xưa. Chuyện rằng, dưới thời nhà Nguyễn, các sĩ tử từ Quảng Nam, Quảng Ngãi ra kinh đô Huế ứng thí thường tập trung tại Cồn Trò trước khi vượt đèo Hải Vân. Họ chuẩn bị hành lý, thức ăn, lập thành đoàn để tự tin vượt đèo… Thi cử xong, trên đường về, sau khi vượt qua ngọn đèo cao, các sĩ tử dù đỗ đạt hay không cũng tập trung tại Cồn Trò để liên hoan trước khi chia tay.

Giếng Cồn Trò vuông giờ đã “biến hình” và cạn nguồn. Ảnh: H.X.H

Có thể hiểu vì sao khách bộ hành ngày xưa luôn phải đi thành nhóm lúc qua đèo. Từ cuối thế kỷ 17, nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán khi vượt đèo cũng từng kinh ngạc trước hiểm cảnh: “Đường đi beo với cọp/ Rừng rú phải phòng thân”. Hai câu này tôi đọc trong đoạn cuối bài thơ thứ 12, do nhà sư Thích Đại Sán cảm tác và lưu lại trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự”.

Ông Phạm Trưng, 58 tuổi, cán bộ văn hóa thông tin phường Hòa Hiệp Nam, dẫn tôi qua các lối đi nhỏ hẹp quanh khu dân cư đông đúc rồi dừng lại cạnh đập ngăn sông Nam Ô. Hơn 30 năm trước, ông Trưng phụ trách Đội thanh niên 202 đắp đập. Đúng là bãi bể hóa nương dâu, Cồn Trò xưa không còn chút “hình thù” của cồn. Từ đập ngăn, nhìn về phía bắc thấy khu dân cư của dự án Eco Charm “mọc” lên trên những vạt mắm, bần… Dòng nước sông cụt kéo dài thêm một đoạn nữa là gặp nguồn Cu Đê chảy xuống, đổ ra cửa lớn.

2. Xưa, khách bộ hành muốn qua bờ bắc sông Nam Ô – sông Cu Đê rồi vượt đèo Hải Vân chỉ còn cách đi đò. Trước lúc đăng trình, họ nghỉ chân bên Cồn Trò. Chỉ dấu về trạm dừng chân là cụm giếng cổ. Các bậc cao niên vẫn còn nhớ có hơn 6 giếng cổ hình vuông như thế đào quanh cồn. Giếng xếp đá xanh lấy từ núi Trường Định cách đó gần 10 cây số. Theo thời gian, một giếng bị lấp, hai giếng “biến hình”. Hôm tôi đến tổ 36 phường Hòa Hiệp Nam, giếng cổ mang tên Cồn Trò gần như bị bỏ hoang, lọt vào khoảng giữa hai vườn nhà, khô cạn. Đá chẻ xếp hình vuông giờ cũng mất dạng, thay bằng những khoanh bi tròn đúc bê tông, đã lún phún rêu xanh. Một thanh niên trong xóm tiếc rẻ: “Chắc phải tính chuyện nạo vét giếng để lấy nước…”.

Câu nói ấy đánh thức ký ức đẹp đẽ của nơi từng được triều đình cho lập một công quán, lại sức dân sở tại đào giếng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách vãng lai. Chính nước giếng Cồn Trò đã làm dịu cơn khát của biết bao quan tướng, sĩ tử. Tư liệu do ông Đặng Dùng (71 tuổi), một cư dân làng Nam Ô, công bố dưới bút danh Đặng Phương Trứ còn cho rằng nghĩa sĩ Nghĩa hội Quảng Nam sau những lần “sát tả bình Tây” dưới sự chỉ huy của các chiến tướng Thống Hay, Cai Cải… trở về cũng tắm gội bằng nước giếng Cồn Trò. Ông Dùng bảo, chừng mười năm trước người dân buộc phải thay giếng vuông bằng khuôn đúc tròn, sau một tai nạn trẻ em đáng tiếc.

Cạnh Cồn Trò bây giờ có đến 3 lối đi ra đèo: 1 lối đường sắt, 2 lối đường bộ. Ảnh: H.X.H

Đình làng Nam Ô cách đó không xa, quay mặt ra sông. Khoảnh sông trước mặt hẳn là nơi các chuyến đò từng rời bến đưa sĩ tử sang bờ bắc. Ông Dùng kể với tôi, đình cũ dời về vị trí này từ khoảng năm 1915. Ông không quên nhắc những lời ngợi ca hoan hỉ về cảnh tình trong hai bài thơ thất ngôn tứ tuyệt (chữ Hán) khắc trên vách.

Đọc kỹ niên biểu Quảng Nam do nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc liệt kê trong cuốn “Người Quảng Nam”, thấy có vài sự kiện liên quan đến con đường thiên lý. Năm 1825, vua Minh Mạng tuần du Quảng Nam. Một năm sau, 1826, dựng Hải Vân quan. Năm 1839, trùng tu đường đèo Hải Vân. Năm 1886, Pháp làm đường bộ qua đèo Hải Vân… Lạ nỗi, những công trình ấy sao cứ “trượt” qua Cồn Trò.

3. Từ Cồn Trò ra phía đèo Hải Vân bây giờ, có đến 3 lối đi. Một cầu sắt dành cho tàu hỏa. Hai cầu đường bộ. Khi đứng ở bờ bắc ngoảnh nhìn về Cồn Trò, tôi hình dung chốn xưa như một nốt lặng tròn. Tịch lặng.

Tính từ đèo Hải Vân trở vô, các trạm giao thông dưới thời nhà Nguyễn có Nam Chính, sau khi vượt sông Cu Đê thì đến Nam Ổ (Ô). Mỗi trạm chỉ bố trí 50 phu trạm để canh phòng và vận chuyển văn thư, tài vật. Công quán này hẳn không da diết tình cảm cho bằng Cồn Trò, nơi bao thế hệ sĩ tử đã dừng nghỉ, đồng hành rồi chia tay?

Không xa bến cũ trước đình Trung, hơn 20 năm trước người dân Hòa Hiệp (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam) dựng tấm bia nhắc nhớ về dòng lịch sử bi tráng thời cận đại. Có chiến công tiêu diệt hơn 100 tên lính Âu – Phi thiện chiến của Pháp hồi tháng 3.1947, khi phục kích phía nam đường đèo Hải Vân. Có các chuyến đò xuất bến táo bạo đưa chiến sĩ Trung đoàn 108 thoát hiểm ngang qua đồn bốt địch đầu năm 1949… Nhưng tôi chú ý dòng chữ nhỏ khắc dưới 3 chữ in hoa BIA TƯỞNG NIỆM: “Nhà nghèo mới hay con hiếu/ Nước loạn mới biết tôi trung”.

Thật kinh ngạc khi biết câu ấy trích từ sách “Minh tâm bửu giám”: “Gia bần hiển hiếu tử/ Thế loạn thức tôi trung”. Ở cuộc đất từng in hằn dấu chân sĩ tử, đến những dòng tri ân mấy trăm năm sau cũng thấm đẫm văn chương chữ nghĩa.

Hứa Xuyên Huỳnh

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/dung-nghi-ben-con-83613.html

Cùng chuyên mục