Dùng AI trợ giúp các nhà lập trình
Herve Vu Roussel và nhóm của ông muốn giải quyết một vấn đề lớn mà hầu hết các nhóm kỹ sư phần mềm đang phải đối mặt: cộng tác lập trình (code collabration).
Vấn đề ở đây là, hãy tưởng tượng xem có khoảng 40 biên tập viên đang tham gia làm việc trên một tài liệu cùng lúc. Gần như chắc chắn rằng nền tảng trình xử lý văn bản chia sẻ của bạn sẽ dễ gặp sự cố khi tài liệu được chỉnh sửa biến thành một mớ hỗn độn. Nhưng xa hơn, nếu tài liệu đó lên tới 5 triệu dòng chữ, dài gấp 70 lần tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy, thì sự hỗn loạn đó còn tồi tệ tới cỡ nào? Đó chính là những gì mà các nhà lập trình phần mềm đang phải đối mặt khi họ làm việc trên các dự án cộng tác chung.
Roussel thành lập QuodAI vào năm 2018 để áp dụng các thuật toán học sâu (deep learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) để chuyển đổi mã nguồn thô sang tiếng Anh ở dạng đơn giản. Nền tảng này cũng đã phát triển một trợ lý AI cho các nhóm kỹ sư phần mềm, giúp các nhóm thiết lập quy trình chung cho các kỹ sư mới tham gia có thể làm việc cùng với các kỹ sư kỳ cựu trong các dự án cộng tác hằng ngày.
Sự phức tạp của công nghệ phần mềm đang ngày càng tăng
Kỹ sư phần mềm là trung tâm của sự đổi mới hiện nay, cuộc đua xây dựng các sản phẩm và ứng dụng tiên tiến khiến các công ty liên tục tìm kiếm và tuyển dụng về phần mềm, nhu cầu cũng vì thế ngày càng tăng cao. Nên không có gì đáng ngạc nhiên khi theo dữ liệu của LinkedIn thì phần mềm là ngành có tỷ lệ doanh thu cao nhất trong năm 2018.
Roussel cho biết, kỹ thuật phần mềm đã trở nên vô cùng phức tạp trong 15 năm qua, “15 năm trước chúng tôi có khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để lên kế hoạch phát hành phần mềm mới. Nhưng giờ đây, chúng tôi phát hành hằng ngày, hằng tuần. Kỳ vọng của khách hàng cũng cao ở mức khó ngờ. Bạn phải phát hành chúng ở các nền tảng khác nhau và các thiết bị khác nhau như máy tính, Mac, điện thoại Android, iPhone, máy tính bảng, đồng hồ…”.
Trong thời gian làm giám đốc công nghệ và trưởng bộ phận kỹ thuật dữ liệu cho các công ty khác nhau, Roussel nói rằng ông nhận thấy vấn đề mà các công ty khởi nghiệp (startup) thường gặp phải là khi mở rộng đội ngũ kỹ sư phần mềm của họ ở giai đoạn tăng trưởng. Các công ty sẽ phải bổ sung nhiều kỹ sư phần mềm vào nhóm, điều này làm chậm quá trình phát triển theo cấp số nhân sau mỗi lần có nhân sự mới, bổ sung các dòng mã và tính năng mới.
Mặc dù hầu hết các công ty có thể không thể sánh với quy mô lên tới 2 tỉ dòng mã của Google, nhưng đây chắc chắn là một thách thức để bắt kịp một cơ sở mã nguồn đang tăng trưởng khi mà bạn thêm các tính năng và bản phát hành mới.
Năm 2018, ý tưởng về QuodAI bắt đầu thành hiện thực khi Roussel gặp nhà khoa học dữ liệu Mikhail Filippov từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) tại chương trình khởi nghiệp Entrepreneur First ở nước này. Cả hai đều muốn tận dụng AI để giúp các kỹ sư phần mềm cộng tác hiệu quả hơn, Filippov hiện là đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của QuodAI.
Sản phẩm từ nửa tỉ dòng mã
Đăng ký tại Singapore và kết hợp với các nhóm kỹ sư tại Singapore và TP.HCM, QuodAI nhắm tới phát triển và hợp lý hóa các công nghệ AI độc quyền của riêng họ. Startup này tuyên bố họ đã phát triển các mô hình AI đã được đào tạo trên hơn nửa tỉ dòng mã từ cả bộ mã nguồn mở và độc quyền.
Khách hàng mà QuodAI nhắm vào là các công ty “có vấn đề về mở rộng đội ngũ kỹ sư của họ”. Các kỹ sư mới đang được tuyển dụng ngày càng gấp gáp và QuodAI giúp họ nhanh chóng thích nghi khi các đoạn mã lập trình được chuyển thành ngôn ngữ tự nhiên, phù hợp với mọi kỹ sư phần mềm. Điều này cũng giải quyết vấn đề về sự khác biệt của các lập trình viên khi viết bằng các ngôn ngữ lập trình khác nhau.
QuodAI tính phí đăng ký cho người dùng tính theo tháng và cung cấp cả những giải pháp mở rộng (như bị ngắt kết nối internet) hay lưu trữ cho các công ty. Roussel cho biết, QuodAI đã thu hút khách hàng doanh nghiệp bao gồm một công ty khởi nghiệp và đang phát triển nhanh chóng. Giống như các nền tảng cộng tác và phát triển phần mềm khác như GitHub và Atlassian, khách hàng đã đồng ý cấp quyền truy cập vào mã nguồn của họ để dịch và đào tạo trợ lý AI.
Cũng như các công ty khởi nghiệp AI khác, thách thức lớn nhất của QuodAI là thu thập đủ dữ liệu để đào tạo hệ thống AI này biên dịch mã (sang ngôn ngữ tự nhiên) chính xác hơn. Công ty hiện có kế hoạch mở rộng sang Mỹ vào năm tới.
Hữu Thắng
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/cong-nghe/dung-ai-tro-giup-cac-nha-lap-trinh-1149586.html