Đưa phở sắn ra thế giới
Vực dậy một làng nghề đang mai một bằng ý tưởng xuất khẩu phở sắn.
Đang làm chủ một công ty công nghệ tại TP.HCM với 25 nhân viên chuyên làm phần mềm cho công ty của Đức, Dương Ngọc Ảnh quyết định về quê làm phở sắn với số vốn 300 triệu đồng. “Ở thời điểm làm giám đốc công ty công nghệ, tôi nhận lương 37,5 euro/giờ, về quê kinh doanh, thời gian đầu thường xuyên rỗng túi”, ông chủ 34 tuổi của Công ty Phở sắn Caromi chia sẻ.
Rời phố về làng
Người Quế Sơn không ai nhớ chính xác phở sắn có từ bao giờ, Ngọc Ảnh cũng vậy. Qua lời kể của ông bà, anh chỉ biết phở sắn từng là cao lương mĩ vị thời nghèo khó. Món ăn này gắn liền với tuổi thơ của anh khi ông bà thức khuya dậy sớm kéo phở. Mỗi lần về quê Quảng Nam, Ngọc Ảnh thấy làng nghề làm phở sắn dần mai một, cả thị trấn chỉ còn 3 hộ theo nghề, trong khi tiềm năng thị trường khá lớn. Có thể xuất khẩu vì nhiều khách nước ngoài thích, Ngọc Ảnh nghĩ. Sau khi sắp xếp lại nhà cửa về quê còn lại 300 triệu đồng, anh quyết định thành lập công ty phở sắn với tên gọi Caromi.
Dương Ngọc Ảnh vừa sản xuất vừa tìm đầu ra cho thị trường. Thời gian đầu, bán phở sắn với giá làm quen thị trường nên bị lỗ. Sau vài tháng, thị trường tiêu thụ nhiều hơn, lợi nhuận khoảng 400.000 đồng/ngày là quá ít. Anh lại mang phở sắn đến nhiều tỉnh lớn chào hàng, tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp, thi ẩm thực với khẩu hiệu “sản phẩm đặc sản Quảng Nam”, sau đó phở sắn vào các khách sạn 5 sao và được nhiều đầu bếp hưởng ứng giới thiệu đến khách du lịch.
Phở sắn là một món ăn rất dễ chế biến, có thể dùng được với nhiều thứ nhân khác như gà, cá lóc, tôm thịt chế biến theo cách truyền thống. Công ty Caromi nghiên cứu cho ra đời các loại sản phẩm như salad phở sắn, phở sắn chiên phồng, phở sắn gấc…
Bên cạnh đó, Caromi đang tìm công thức pha chế nước sốt đặc biệt dùng để chan phở sắn. “Nếu làm được loại sốt này thì phở sắn sẽ được nhiều người trên thế giới biết đến hơn”, Ngọc Ảnh chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm của Caromi đã có mặt ở hệ thống phân phối tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM và các món ăn từ phở sắn đã có mặt tại nhiều nhà hàng 5 sao. Từ sản lượng tiêu thụ 150 kg/tháng, nhu cầu đã tăng lên 300 kg/tháng, sau đó là 500 kg/ngày.
Caromi phải tìm thêm nguồn sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Ảnh tính toán, giá bán 56.000 đồng/kg, với sản lượng trung bình 300-500 kg/ngày, tỉ lệ lợi nhuận khoảng 25%. Caromi đang tính đến hướng xuất khẩu nhưng trước tiên phải thay đổi hình dạng sợi phở (sợi lưới không được khách nước ngoài ưa chuộng), đưa sản phẩm đi kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và phải mở thêm nhà máy đủ công suất.
Đặc sản thu tiền tỉ
Tính cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước, sản lượng phải đến 10 tấn/ngày, phải đầu tư nhà máy với 32 tỉ đồng. Ảnh quyết định kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu được đầu tư bài bản, đáp ứng đúng sản lượng thì sau 2 năm, lợi nhuận từ phở sắn sẽ là 14 tỉ đồng và năm thứ 3 trở đi sẽ là 40 tỉ đồng. Một số nhà đầu tư cá nhân khác đã ngỏ ý góp vốn vào dự án này.
Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Ngọc Ảnh tìm tòi, nghiên cứu, đầu tư máy móc, thiết kế bao bì, cải tiến quy trình sản xuất… thay vì chỉ sản xuất phở từ sắn khô như trước đây thì bây giờ có thể sản xuất được từ sắn tươi. Khi chuyển sang nguyên liệu sắn tươi, có thể kiểm soát được chất lượng và cho ra thành phẩm đẹp hơn.
Ngọc Ảnh liên kết với Ủy ban Nhân dân huyện Quế Sơn đặt hàng người dân trồng sắn, cung cấp nguyên liệu, phân vùng nguyên liệu theo từng thời điểm phù hợp. Còn vỏ sắn tươi sẽ được ủ phân vi sinh để cung cấp miễn phí cho người dân làm phân bón.
“Tôi biết tới món phở sắn qua cuộc thi Hương vị quê nhà của Chiếc Thìa Vàng, nhưng sau đó đến Hội An thì biết món phở sắn nằm trong danh sách Slow Food của thế giới, nên bắt đầu quan tâm”, anh Trần Vũ Nguyên, đại diện của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, chia sẻ. Theo anh Nguyên, xu hướng Gluten Free trên thế giới đang lên ngôi, nên nếu làm đúng cách, phở sắn còn đi xa, rất xa.
Phở sắn đã trở thành “nhân vật chính” trong bài nói chuyện gần đây của diễn giả Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu. Theo bà Vân, mô hình phở sắn chính là xu hướng của khởi nghiệp trong thời đại mới. “Đừng chỉ dừng lại ở một dự án bán sợi phở sắn. Có thể tạo ra một tour cho khách hàng trải nghiệm quá trình sản phẩm được tạo ra. Đồng thời, kể cho họ nghe câu chuyện đằng sau những sợi phở”, bà Vân góp ý.
Biết đến làng nghề phở sắn Quế Sơn, nhiều du khách nước ngoài cũng theo chân Ngọc Ảnh về tận quê để trải nghiệm các công đoạn chế biến món đặc sản này. Sau đó, Ngọc Ảnh xây dựng một tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống giúp du khách, người nước ngoài được xem trình diễn làm phở sắn và trực tiếp sản xuất sản phẩm. Caromi cũng xác định đây là mô hình kinh doanh dạng tour làng nghề sẽ đem về lợi nhuận trong thời gian tới.
“Tôi từng khởi nghiệp và thất bại nhiều lần. Nhưng tôi bắt đầu với phở sắn bằng sự nghiêm túc và giờ tôi mê phở sắn rồi. Mục tiêu của tôi là đưa phở sắn ra thế giới như một lựa chọn tốt hơn mỗi khi ăn mì, một Spaghetti Việt Nam, quan trọng sản phẩm gắn với tên tuổi của mình”, Ngọc Ảnh chia sẻ.
Thanh Hương
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư