Du lịch Quảng Nam cần làm gì để phục hồi tăng trưởng?
Trong bài này chúng tôi không đề cập tình trạng khủng hoảng do Covid-19 gây ra, đây là một khủng hoảng kinh tế du lịch không dự đoán được. Tôi kỳ vọng dịch sẽ được dập tắt trong cuối năm nay, ngành du lịch sẽ làm lại từ đầu – tính từ năm 2021.
Tôi mạo muội trao đổi, đóng góp ý kiến về việc ngành du lịch Quảng Nam phải làm gì để sau khi nền kinh tế du lịch phục hồi sẽ tăng trưởng theo đúng mục tiêu mong đợi đến năm 2025 – 2030. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đánh giá, cơ cấu lại ngành du lịch Quảng Nam, cũng là thời điểm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, hy vọng sẽ tạo ra những đột phá mới cho du lịch tỉnh.
Mở rộng không gian du lịch
Trong 2 thập kỷ qua, kể từ khi UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn thì du lịch Quảng Nam được biết đến rộng rãi trong nước và thế giới. Nhiều năm liên tiếp du lịch Quảng Nam tạo ra nhiều sự kiện văn hóa, sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút, đáp ứng sự đa dạng và nhu cầu luôn chuyển dịch của du khách, và con số hơn 5 triệu lượt khách trong năm 2019 chứng minh cho điều đó.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng du lịch Quảng Nam chỉ phát triển mạnh mẽ, tập trung nhất tại di sản Hội An và Mỹ Sơn. Các khu vực còn lại có không gian rộng lớn, tiềm năng tại các huyện, thành phố trong tỉnh đều rất èo uột về phát triển du lịch. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính theo tôi là giao thông chưa được thuận lợi và sự kết nối giữa các điểm vùng lân cận với trung tâm du lịch chưa thông suốt. Điều này dẫn đến du khách thế giới và cả nội địa chỉ biết về du lịch Quảng Nam thông qua phố cổ Hội An và đền tháp Mỹ Sơn.
Trong khi đó Quảng Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch như đồng bằng, miền núi, biển, hải đảo,… chưa được khai thác và phục vụ khách du lịch. Điều này cũng giống như thương hiệu của các địa phương khác chưa định vị Điểm Đến Du Lịch rõ nét trong tiềm thức du khách khi đi du lịch. Không riêng Quảng Nam, khách quốc tế chỉ biết Sapa hơn là Lào Cai, Nha Trang hơn là Khánh Hòa, Mũi Né hơn là Phan Thiết, biết Hạ Long, Yên Tử nhiều hơn là Quảng Ninh. Đây là thực trạng của ngành du lịch Việt Nam trong định vị tên gọi điểm đến. Nó rất quan trọng và ảnh hưởng hiệu quả đến công tác xúc tiến du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch tại từng điểm đến.
Vì vậy, trong giai đoạn đến, với điều kiện giao thông Quảng Nam được mở rộng và thông suốt như hiện nay, đồng thời áp dụng các công nghệ số, marketing số rộng rãi…, ngành du lịch Quảng Nam cần bắt đầu thúc đẩy mở rộng không gian du lịch trong tỉnh. Một mặt tạo điều kiện cho các địa phương khác phát triển du lịch, đa dang hóa sản phẩm du lịch và đặc biệt định vị rõ du lịch Quảng Nam trong tâm trí du khách.
Xây dựng sản phẩm tại từng cụm điểm đến
Quảng Nam là một trong vài địa phương của Việt Nam có nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Du lịch Quảng Nam có nhiều tài nguyên phong phú để đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh cao giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nếu phân theo địa lý hành chính thì nên phân theo các cụm điểm đến, từ đó xây dựng các chuỗi dịch vụ đặc thù, tạo sự khác biệt và độc đáo trong từng vùng.
Hội An – Mỹ Sơn là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, điều không bàn cãi. Hai địa danh này chắc chắn sẽ là điểm không thể thiếu trong hành trình của mỗi du khách đến Quảng Nam. Nơi đây hiện tại có quá nhiều sản phẩm du lịch, cần tiếp tục duy trì, phát huy tốt giá trị của nó.
Vựa ruộng lúa đồng bằng Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình. Đây là những địa phương có nhiều diện tích ruộng lúa rất đẹp và bao la, tạo ra những cánh đồng bất tận, cuốn hút tầm nhìn. Tài nguyên du lịch nông nghiệp này sẽ được khuyến khích phát triển du lịch farmstay, du lịch nông nghiệp, trang trại, hệ thống nhà vườn rau hữu cơ.
Vệt ven biển chạy dài từ Điện Bàn đến Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đang phát huy tiềm năng về du lịch biển, nghỉ dưỡng sang trọng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy khu vực này sẽ là cơ hội để Quảng Nam tranh thủ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế đêm (Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020). Vị trí xây dựng khu vực kinh tế đêm sẽ rất tiềm năng tại các biển Viêm Đông, Thống Nhất tại Điện Bàn; biển An Bàng tại Hội An; biển Cửa Khe tại Thăng Bình; biển Tam Thanh tại Núi Thành. Hiện nay, Quảng Nam có lợi thế casino tại Nam Hội An và cụm du lịch ẩm thực đêm tại An Bàng, nó sẽ là tiền đề góp phần phát triển kinh tế đêm, góp phần làm phong phú du lịch Quảng Nam trong thời gian đến.
Văn hóa núi rừng miền núi vùng Tây. Sản phẩm du lịch núi rừng, văn hóa bản địa nơi đây có đặc thù rất riêng với các vùng khác trong cả nước, phù hợp cho phát triển du lịch thể thao, marathon miền núi, trekking, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số. Nơi đây đã có vài doanh nghiệp đầu tư triển khai dự án nhiều năm tuy nhiên chưa đủ mạnh, cần sự hỗ trợ của tỉnh nhiều hơn về cơ chế thu hút đầu tư vào khu vực này.
Tam Kỳ – Núi Thành – Tiên Phước – Phú Ninh là cụm địa phương rất phù hợp để phát triển các dòng sản phẩm du lịch thiên nhiên, sinh thái. Đặc biệt đây là tuyến điểm quan trọng cho du lịch tàu biển quốc tế cập cảng Chu Lai, Kỳ Hà và sân bay Chu Lai nâng cấp khai thác trực tiếp đường bay quốc tế. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ đến.
Du lịch xanh, bền vững
Chúng ta quan sát Con đường di sản miền Trung sẽ thấy chiến lược phát triển du lịch tại các địa phương láng giềng như TP.Huế xây dựng thương hiệu điểm đến “Kinh đô áo dài & ẩm thực thế giới”. TP.Đà Nẵng là điểm đến du lịch “Trung tâm sự kiện và vui chơi giải trí thế giới”. Tại phía Nam giáp với tỉnh Quảng Ngãi thì du lịch còn manh mún, hạn chế, chưa định vị thương hiệu rõ ràng. Vì vậy, Quảng Nam với lợi thế của mình, điều kiện tài nguyên sẵn sàng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch vững vàng, chúng ta nhanh chóng tiên phong xây dựng, định vị “Điểm đến du lịch xanh, bền vững” như kim chỉ nam chiến lược, để phát triển lâu dài.
Nếu xác định được tiêu chí này, ngành du lịch Quảng Nam sẽ tạo điều kiện kéo giãn không gian du lịch, giảm bớt áp lực lên các di sản văn hóa thế giới, tạo động lực cho các địa phương khác phát triển, tạo cơ hội việc làm cho người dân. Du lịch xanh, bền vững không chỉ bảo tồn được giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa, bảo tồn giá trị di sản thế giới, mà quan trọng hơn nữa là bảo tồn chính làng quê, điều kiện sống, không khí hít thở hằng ngày của người dân tại địa phương.
Nâng cao giá trị sản phẩm, phân khúc cao cấp
Du lịch Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi quá lớn, tài nguyên thiên nhiên đang là thứ xa xỉ trong du lịch ngày nay, nhưng bị các doanh nghiệp khai thác rẻ mạt, bán cho thị trường khách đại trà, tàn phá thiên nhiên. Họ chưa đề cao giá trị của sản phẩm du lịch thiên nhiên, chưa trau chuốt sản phẩm sáng tạo, khai thác thị trường phân khúc cao cấp. Việc này cần định hướng mạnh mẽ từ các cấp chính quyền quản lý du lịch, nên hoạch định rõ tiêu chí sản phẩm du lịch cho thị trường cao cấp, MICE khi cấp phép đầu tư.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, một địa điểm du lịch nổi tiếng hơn 20 năm qua, nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi nhận thấy chưa có một công cụ marketing số nào đạt hiệu ứng cao trên mạng. Chưa có một trang fanpage du lịch Quảng Nam chính thống nào đạt “tích xanh” của Facebook, chưa có trang quảng bá du lịch về video clip nào đạt “nút bạc, nút vàng” của Youtube, chưa kể hầu như không có trang quảng bá du lịch Quảng Nam nào chính thống trên các kênh Instagram, Linkined, Tiktok,… Có thể nói, công tác đầu tư nhân sự làm xúc tiến du lịch và ngân sách marketing điểm đến còn rất hạn chế trong thời gian qua.
Du lịch Quảng Nam đã được xác định là ngành mũi nhọn cho kinh tế địa phương, vì vậy rất mong các cấp chính quyền tỉnh, ngành du lịch Quảng Nam cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện điều kiện thực tiễn tại địa phương, xu hướng du lịch thế giới, để có những sách lược hiệu quả, đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Nguyễn Sơn Thủy
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/du-lich/du-lich-quang-nam-can-lam-gi-de-phuc-hoi-tang-truong-91886.html