Du lịch Cù Lao Chàm: Hãy “chạm” cho thật khẽ
Là người yêu thích du lịch khám phá đại dương, vài năm trở lại đây tôi thường đến Cù Lao Chàm. Quả thật, Cù Lao Chàm xứng đáng là “Đảo xanh quyến rũ”, “Hòn ngọc xanh miền Trung” mà du khách và giới khoa học đã đánh giá. Nhưng mỗi lần đến đây, trong tôi lại lo lắng về sự “ồn ào” của môi trường du lịch, khiến Cù Lao Chàm phải gánh gồng với sức ép bảo vệ tài nguyên…
Cù Lao Chàm đã trở thành điểm đến du lịch rất hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt từ khi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được quy hoạch là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An mà UNESCO công nhận từ năm 2009. Hơn 10 năm nay Cù Lao Chàm đã trở thành điểm nóng du lịch, làm thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội, tạo ra sinh kế mới, tăng thu nhập đáng kể cho cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển còn mang tính tự phát và quá tải này cũng là điều đáng lo, mà cụ thể là du lịch đã làm tổn thương đến các hệ sinh thái tự nhiên – các giá trị cần được quản lý, bảo tồn để làm cơ sở cho chiến lược phát triển bền vững Cù Lao Chàm.
Hằng ngày có quá nhiều ca nô cao tốc chở du khách từ đất liền ra đảo, đặc biệt là việc chở du khách một cách tự do đến các bãi biển, các điểm bơi lặn ven bờ Cù Lao Chàm từ Bãi Bấc đến Bãi Hương và một số đảo nhỏ. Tôi tự hỏi tại sao phải cần đến 150 chiếc ca nô cao tốc vừa là phương tiện vận chuyển du khách từ đất liền ra vừa là phương tiện hoạt động du lịch tại đảo? Kinh nghiệm của một số khu bảo tồn biển tại một số nước Đông Nam Á mà tôi có dịp tham quan, họ đã tổ chức cho các tàu, thuyền nhỏ của ngư dân tại địa phương tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch nội địa. Mô hình quản lý này đã mang lại hiệu quả, vừa giúp ngư dân địa phương chuyển đổi ngành nghề từ khai thác nguồn lợi thủy sản để tham gia chuỗi cung cấp các dịch vụ du lịch cho du khách. Người dân sẽ được cải thiện thu nhập từ sự phát triển dịch vụ tại địa phương và họ càng thấy tự hào bởi mình thật sự làm chủ các giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Sự tự do hoạt động của những ca nô cao tốc du lịch tại Cù Lao Chàm bấy lâu nay đã dẫn đến những hệ lụy: gây xáo trộn cuộc sống bình thường của các loài sinh vật biển, tác động phá hủy gần 20ha thảm cỏ biển (một trong những hệ sinh thái biển quan trọng) tại Bãi Ông, các chất thải rắn từ ca nô ném thẳng xuống biển, gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và tổn thương đến các hệ sinh thái biển… Tình trạng dẫm đạp lên san hô, săn bắt trộm hải sản, bẻ san hô và thu lượm các sinh vật biển cũng xảy ra tại các điểm du lịch bơi, lặn của du khách. Mặc dù Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có các thiết kế phao ranh giới và quy định cụ thể nhưng do thiếu phương tiện và nhân lực để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn nên tình trạng này rất khó chấn chỉnh kịp thời.
Loại hình du lịch phù hợp cho Cù Lao Chàm hiện nay là du lịch lặn biển có khí tài – scuba diving. Hiện tại có 5 tàu chuyên tổ chức du lịch scuba diving tại Cù Lao Chàm do người nước ngoài tổ chức. Du khách tham gia loại hình này chủ yếu là người nước ngoài và một số du khách trong nước có chứng chỉ lặn sâu chuyên nghiệp do tổ chức quốc tế cấp. Loại hình này phù hợp với du lịch sinh thái biển tại các khu bảo tồn vì họ tổ chức khá bài bản, chuyên nghiệp và du khách có ý thức cao đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường nơi họ tham gia khám phá, trải nghiệm. Tại vùng biển Cù Lao Chàm có quy hoạch phân vùng cho du lịch nhưng chưa có bố trí điểm lặn sâu (diving) và điểm bơi lặn với ống thở (snorkeling) riêng biệt, do vậy khi du khách tham gia lặn sâu khám phá dưới đáy biển rất khó chịu khi phải nghe tiếng ồn động cơ của ca nô chạy lui tới tấp nập ngay trên đầu của mình, đồng thời mùi xăng dầu của động cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia bơi, lặn, gây ức chế và lo sợ vấn đề an toàn cho du khách khi tham gia diving.
Cần phải có tính toán “sức chứa” phù hợp cho từng điểm du lịch để dễ dàng điều phối và kiểm soát các hoạt động của du khách và các phương tiện phục vụ du lịch là việc làm cấp thiết hiện nay ở Cù Lao Chàm. Một giải pháp căn cơ và khoa học nhất là triển khai ngay đề án quy hoạch một cách thống nhất nhiệm vụ quản lý, bảo tồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển trên đảo. Trên cơ sở đó triển khai nhiệm vụ quy hoạch phát triển du lịch sinh thái rừng và biển với cách tiếp cận đa ngành trên quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển phục vụ bảo tồn”. Trong đó, bảo tồn những giá trị thiên nhiên, văn hóa lịch sử trên đảo là nhiệm vụ then chốt, là nền tảng cho phát triển ngành kinh tế dịch vụ du lịch trên đảo. Để thực hiện quá trình này cần phát huy vai trò tham gia của cộng đồng, củng cố tính pháp lý và nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng nhằm tạo động lực tổng hợp trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường trên quần đảo xinh đẹp giàu tiềm năng này.
Trần Lê
Theo Quảng Nam Online