Đồng tiền qua các thời đại

Công việc của doanh nhân, dù xét theo nghĩa nào thì cũng phải dựa vào đồng tiền, và phải tạo ra đồng tiền. Đồng tiền trong tay của doanh nhân, nó không chỉ là phương tiện hay mục đích đơn thuần, mà đã được sống với tất cả kích cỡ và triết lý của nó. Dài ngắn, tròn vuông…cũng là tiền, có tin được không? Đây là một câu chuyện từ trong lịch sử.

Tiền Đông Dương năm 1886
Tiền Đông Dương năm 1886

Ca dao ta có câu: “Chị kia có quan tiền dài/ Có bị gạo nặng coi ai ra gì?”

Đã có “quan tiền dài” thì liệu có “quan tiền ngắn” hay không? Xin thưa: Có đấy! Ở Việt Nam ta, đồng tiền của tất cả các triều đại phong kiến thời trước (trừ thời Hồ Quý Ly là dùng tiền giấy) đều là tiền kim khí, được đúc bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng kẽm hoặc đồng pha kẽm, pha thiếc. Phổ biến nhất trong dân gian là tiền đồng. Tiền hình tròn, có lỗ vuông ở giữa (khổng phương). Người xưa quan niệm trời tròn, đất vuông (“trời xanh như tán lọng tròn / đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông”), nên đồng tiền đúc ngoài tròn trong vuông là tượng hình trời đất. Trời thuộc dương, đất thuộc âm. Do đó hình dáng đồng tiền cũng hàm ý một biểu tượng âm dương. Nó phản ánh một triết lý có truyền thống lâu đời của người Việt: Triết lý vuông tròn. Nói “vuông tròn” là nói đến sự hoàn thiện, sự trọn vẹn (kiểu “mẹ tròn con vuông”). Ta có thể gặp trong ca dao, trong tục ngữ và cả trong thơ Việt Nam rất nhiều câu có hai từ vuông tròn đã bị rút nghĩa thực để thay vào đó là một nghĩa khác:

“Lạy trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm cho trọn lòng son với chàng!”

Hay là:

“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”

Đồng tiền ngoài tròn trong vuông đó, về diện tích, bao giờ cũng có tỷ lệ bảy phần tròn, ba phần vuông. Thế nên mới có câu:

“Ba vuông sánh với bảy tròn
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu”

Từ thời Lê, ở ta có hai loại tiền, đều gọi là “quan” cả, nhưng giá trị khác nhau. Tiền quý và tiền gián. Về giá trị, một quan tiền quý (còn gọi là cổ tiền) bằng 10 tiền, mỗi tiền là 60 đồng. Như vậy một quan tiền quý bằng 600 đồng.
“Một quan là sáu trăm đồng;
Chắt chiu ngày tháng cho chồng đi thi”

(Nguyễn Bính)

Tiền gián (còn gọi là sử tiền) chỉ có 6 tiền, mỗi tiền cũng 60 đồng. Một quan tiền gián chỉ có 360 đồng. Vì tiền là tiền đúc, cho nên người ta phải lấy dây xâu tiền thành chuỗi (sử ghi rằng quyền thần Trương Phúc Loan thời chúa Nguyễn Phúc Dương nhiều tiền đến nỗi các dây xâu tiền mục ra, hàng năm y bắt dân phải nộp tới… 50 gánh dây mây chỉ để xâu tiền). Quan tiền quý (600 đồng) xâu thành chuỗi chắc chắn phải dài hơn quan tiền gián (360 đồng). Thế nên nói “quan tiền dài” là nói “quan tiền quý”. “Quan tiền ngắn” tức là “quan tiền gián”.

Tiền của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam
Tiền của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam

Xung quanh chuyện “quan ngắn, quan dài” có một giai thoại rất hay. Một hôm, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương hỏi vay Chiêu Hổ (một danh sĩ đương thời, bạn thân của bà) năm quan tiền. Chiêu Hổ nhận lời, nhưng rồi chỉ đưa đến 3 quan tiền dài. Hồ Xuân Hương cho là Chiêu Hổ kẹt sỉ, nói dối, bèn làm một bài thơ gửi đến, gọi mỉa Chiêu Hổ là “cuội” (nói dối như cuội):
“Sao nói rằng năm, lại có ba
Trách người quân tử ở sai ngoa
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa”

Nhận được thơ, Chiêu Hổ giận lắm. Vì Hồ Xuân Hương hỏi vay năm quan nhưng không nói rõ là năm quan nào. Nên ông đem đến 3 quan dài (3×600=1.800đồng) thì cũng bằng năm quan ngắn (5×360=1.800đồng) chứ sao. Ông bèn làm một bài thơ “trả đũa” lại:
“Rằng gián thì năm, quý có ba
Trách người thục nữ tính không ra
Ừ! Rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn… củ đa”

Ca dao có bài “đi chợ tính tiền” rất hay, nói về sự tháo vát, đảm đang của người phụ nữ ngày xưa trong công việc nội trợ, việc “tay hòm chìa khoá” của gia đình:
“Một quan tiền quý mang đi
Em mua những gì, em tính chàng nghe:
Thoạt tiên mua ba tiền gà
(180 đồng)
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu (93 đồng)
Trở lại mua sáu đồng cau
(6 đồng)
Tiền rưỡi miếng thịt; giá, rau mười đồng
(100 đồng)
Có gì mà tính chẳng thông
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi
(96 đồng)
Ba mươi đồng rượu chàng ơi
(30 đồng)
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng
(50 đồng)
Hai chén nước mắm rõ ràng
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi
(14 đồng)
Hăm mốt đồng bột nấu chè
(21 đồng)
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan”.
Đồng tiền “khổng phương” của ta được khai sinh từ thời Tiền Lý (544). Hai đồng tiền được đúc cuối cùng là đồng Khải Định (Khải Định Thông Bửu) và Bảo Đại (Bảo đại Thông Bửu). Nhưng hai đồng tiền đó không tính thành “quan” nữa, mà được quy theo giá trị của đồng bạc Đông Dương. Một đồng Khải Định bằng 1/2 xu (tức bằng 1/200 đồng bạc Đông Dương thuộc Pháp, gọi là 1 chinh). Đồng Bảo Đại cũng có giá trị như thế. Vì Khải Định là cha Bảo Đại, nên dân gian gọi đồng Khải Định là “chinh to”, đồng Bảo Đại là “chinh con”. Đồng “chinh con” nhanh chóng mất giá. Ba “chinh con” mới đổi được một “chinh to”. Hồi đó đã có câu:
“Ba con đổi lấy một cha
Làm cho thiên hạ xót xa vì tiền”

Quả thời nào cũng có tiền mất giá và khủng hoảng?

Cùng với sự thoái vị của Bảo Đại năm 1945, đồng tiền phong kiến đã trở thành sở hữu của lịch sử, sau một thiên niên kỷ rưỡi hiện diện (544-1945) mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử tiền tệ Việt Nam: đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vũ Hữu Sự

Theo dactrung.net

 

 

 

 

Cùng chuyên mục