Đông Giang nỗ lực phục hồi kinh tế

Huyện Đông Giang đang chăm lo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa nắm bắt các cơ hội, nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế năm 2021.

Nắm bắt cơ hội

Năm 2020, Đông Giang gặp phải hàng loạt thách thức như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hụt thu ngân sách, rồi thiên tai liên tiếp ập đến gây thiệt hại cho huyện ước tính hơn 400 tỷ đồng. Hệ quả chưa dừng lại ở đó, khi nhiều dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ bị chậm tiến độ, một số công trình dừng hoạt động. Nhưng với tinh thần không chùn bước, Đảng bộ và chính quyền huyện Đông Giang đã vạch ra nhiều định hướng lớn cùng giải pháp thực thi cho nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở khắc phục hạn chế, phát huy tối đa thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế sẵn có.

dong-giang-no-luc-phuc-hoi-kinh-te
Lao động Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam thu hái chè xanh. Ảnh: C.T

“Năm 2021 là năm đầu hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đông Giang lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 – 2025), chúng tôi quyết tâm vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng” – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Đinh Văn Hươm chia sẻ.

Hướng đi được Đông Giang định hình để đạt mục tiêu đề ra là đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và vùng nguyên liệu, dược liệu tập trung. Việc chăm lo hạ tầng cho các làng nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre nứa sẽ được ưu tiên. Địa phương tập trung các biện pháp thu ngân sách, phấn đấu năm nay vượt 15 – 20% so với dự toán tỉnh giao để đảm bảo nhu cầu chi.

Đông Giang cũng đang lập quy hoạch đô thị (tỷ lệ 1/10.000) Sông Vàng (xã Ba); hướng dẫn các xã Tư, Jơ Ngây, Mà Cooih lập và làm nhiệm vụ quy hoạch chung, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới phù hợp với thực tiễn. Từ Đề án kiên cố đường huyện và giao thông nông thôn của tỉnh, địa phương sẽ ban hành đề án riêng để áp dụng phù hợp thực tế nhằm tạo thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế và giãn dân.

Khai phá lợi thế

Sau 3 năm cổ phần hóa, Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng Quảng Nam (xã Ba) đang quản lý 300ha đất sản xuất và phục vụ sản xuất nông nghiệp với chè là cây trồng chính. Đến nay, công ty giải quyết việc làm cho hơn 90 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, nâng tổng số lao động lâu dài, nhận khoán và thời vụ lên hơn 150 lao động. Hoạt động của doanh nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần đưa xã Ba về đích nông thôn mới.

Phó Giám đốc Công ty – ông Nguyễn Đại Trường cho biết, các sản phẩm của doanh nghiệp tham gia OCOP được ông nhận đạt 3 sao gồm “Trà Quyết Thắng” (năm 2019), “Trà xanh” và “Trà Ô long” mang thương hiệu Quyết Thắng (năm 2020). Đặc biệt, “Trà Quyết Thắng” được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng quốc gia năm 2020. Thời gian tới, công ty phấn đấu mở rộng diện tích trồng chè tại chỗ lên 300ha, cùng với 200ha mà người dân trồng sẽ là cơ sở phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Ở địa bàn Đông Giang, kinh tế nông – lâm nghiệp ở các xã khác cũng có tiềm năng rất lớn, được huyện chú trọng phát huy. Điển hình như xã Tư với chè dây Ra Zéh, xã Mà Cooih có ớt Ariêu… Cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn, trồng các loại dược liệu dưới tán rừng, canh tác rau củ quả đáp ứng nhu cầu thị trường cũng là mục tiêu trọng tâm cần khai phá. Trên lĩnh vực du lịch – dịch vụ, huyện ưu tiên đầu tư cho thôn Đhơ Rồng (xã Tà Lu), thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn); khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng gắn với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm vào sản xuất kinh doanh, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp thôn Bốn (xã Ba) cũng đang được thúc đẩy.

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đinh Văn Hươm cho hay, địa phương đang thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ngoài tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi, Đông Giang sẽ nỗ lực khai thông giải phóng mặt bằng, trước mắt để nhà đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (giai đoạn 1), nhà máy thủy điện A Vương 5; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp TMS Tây Bà Nà; Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng; đồng thời xúc tiến đầu tư Khu vui chơi du lịch sinh thái Hồ Ban Mai, xã Ba.

“Địa phương cần sự quan tâm sớm đầu tư trạm biến áp 110kV nhằm đảm bảo cung cấp điện cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Vì hiện nay, Đông Giang và Tây Giang chưa có trạm biến áp 110kV. Nguồn điện hiện sử dụng được kéo từ Trạm biến áp Thạnh Mỹ 110kV (Nam Giang) chất lượng điện không ổn định và đã dùng hết công suất. Nếu không sớm lắp đặt trạm biến áp 110kV, các dự án đầu tư không thể đưa vào khai thác thì bao nhiêu công sức, kỳ vọng vào sự lột xác nhanh, toàn diện của huyện miền núi nghèo này sẽ đổ sông đổ bể”.

(ông Đỗ Tài  – Bí thư Huyện ủy Đông Giang)

Công Tú

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/dong-giang-no-luc-phuc-hoi-kinh-te-108032.html

Cùng chuyên mục