Đông Dương lãng du và xứ thư nhàn của Lê Phi Long
Triển lãm Xứ thư nhàn của Lê Phi Long là một phần trong dự án nghiên cứu về Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 của anh, có tên Đông Dương lãng du.
Một Đà Lạt “thư nhàn” – nơi nghỉ dưỡng với thú đi săn của giới thượng lưu người Pháp và Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 – vẫn còn lấp lánh vàng son một thuở trong các tác phẩm của nghệ sĩ thị giác Lê Phi Long tại hai phòng tranh của Manzi ở Hà Nội (14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún).
Triển lãm Xứ thư nhàn của Lê Phi Long là một phần trong dự án nghiên cứu về Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 của anh, có tên Đông Dương lãng du.
Triển lãm gồm một tác phẩm sắp đặt site-specific (tác phẩm sắp đặt dành cho một không gian cụ thể) và loạt tranh Phi Long sáng tác dựa trên ảnh và tư liệu cũ về hoạt động săn bắn tại Đà Lạt của người Pháp và giới thượng lưu Việt Nam thời thuộc địa.
Loạt tranh mang tiêu đề Săn bắn được thực hiện theo phong cách minh họa, được vẽ bằng mực trên giấy dó, loại bỏ toàn bộ hậu cảnh. Các tác phẩm như một ghi chép đầy cảm xúc về hoạt động săn bắn của giới thượng lưu một thời; đưa tâm trí người xem trôi về một không gian Đông Dương đầu thế kỷ 20 ở Đà Lạt.
Lê Phi Long cho biết dấn thân vào dự án dài hơi Đông Dương lãng du chính là cách anh tìm hiểu về những điều làm nên căn tính của mình. Triển lãm kéo dài tới hết ngày 21/11.
Họa sĩ Lê Phi Long và một số tranh tại triển lãm:
Thiên Điểu
Theo Tuổi Trẻ Online