Dọn rác đã thoát “mũ” phong trào

Từ nhiều năm trước, thi thoảng bắt gặp bản tin chỗ này, chỗ nọ phát động phong trào dọn rác, và sau đó là rơi vào im lìm, rác lại về chỗ cũ; chỗ mới, đôi khi cũng xuất hiện…

Lặn vớt rác dưới biển ở đảo Lý Sơn.
Lặn vớt rác dưới biển ở đảo Lý Sơn.

Khi những lời kêu gọi “tuyên chiến” với rác xuất hiện nhiều hơn, đã có không ít hoài nghi: A, lại phong trào dọn rác nữa à? Nhưng với tâm thế của người làm báo theo dõi mảng này, lại tham gia các hoạt động về môi trường, tôi đã thấy điều thú vị hơn: Dọn rác đã thoát “mũ” phong trào!

1. Trước tiên, chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau rằng, chưa bao giờ, không gian sống của chúng ta đang bị đe dọa bởi rác như thế này. Và trong bức tranh u ám ấy, những nét phác họa về rác thải nhựa ra đại dương gần như đặt ở mức báo động. Vào giữa năm 2018, khi tham dự buổi kỷ niệm 9 năm Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới, tôi có nhận được một tài liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về tác hại của rác thải nhựa đối với đại dương.

Thật đáng xấu hổ cho chúng ta, khi Việt Nam là một trong 5 nước thải rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới: khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm! Còn Liên Hiệp Quốc thì cho biết, Việt Nam đứng vị trí thứ 17 trong 109 nước có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Tài liệu của IUCN cũng cho biết thế giới hiện có khoảng 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa trên đại dương. Một dự báo tồi tệ được đưa ra, đến năm 2025, cứ mỗi 3 tấn cá, sẽ thu được một tấn rác thải nhựa. Dự báo nghiêm trọng hơn, là đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn cá!

Lặn vớt rác dưới biển ở đảo Lý Sơn.
Lặn vớt rác dưới biển ở đảo Lý Sơn.

Những dự báo đó dựa trên quá trình quan sát hành vi xả rác của chúng ta, và điều đó sẽ trở thành sự thật nếu chúng ta vẫn tiếp tục ngu ngốc như vậy. Nghĩa là khi chúng ta dừng xả rác thải nhựa ra đại dương, tiến trình “đen tối” kia sẽ chậm lại hoặc sẽ không diễn ra, nếu như chúng ta biết cách sử dụng các sản phẩm liên quan đến nhựa hợp lý hơn.

2. Vài tháng sau đó, tôi xem bộ phim Aquaman: Đế vương Atlantis, một bộ phim mang về doanh thu khủng cho nhà sản xuất từ các rạp chiếu trên toàn cầu: 1.121 tỷ USD, và đang triển khai kế hoạch làm phần 2. Bộ phim có phân cảnh vua Orm khơi mào cuộc chiến giành ngôi vị đế vương Atlantis khiến không ít người xem rùng mình: rất nhiều rác thải, nhất là rác thải nhựa, khó phân hủy,… được những cơn sóng cuồng nộ từ Orm đánh bật lên bờ. Những đài truyền hình, tờ báo (trong phim) liên tục đưa tin về điều này. Ở những phân cảnh trước đó nữa, góc máy cho thấy những cung đường ven biển rất sạch và đẹp. Té ra, bao lâu nay, những điều hiện diện trước mắt thường sắm vai kẻ lừa dối chuyên nghiệp.

Nhóm bạn trẻ miền Trung dọn rác ven bãi biển.
Nhóm bạn trẻ miền Trung dọn rác ven bãi biển.

Bước ra thực tế, những điều trong bộ phim dường như đang là vấn đề tồn tại ở các vùng ven biển, đảo ở nước ta. Vài ngày sau Tết vừa rồi, mang ám ảnh từ thông điệp đáp trả của Orm, tôi và vài người thử lặn xuống vùng biển ven bờ thì thấy điều kinh khủng, dù phía trên bờ trông đã sạch hơn rất nhiều. Sau đó, chúng tôi tiếp tục rủ nhau lặn vớt rác ở vùng biển này và thậm chí, còn vớt được cả ghế xếp, tủ sắt, đệm lò xò… bên cạnh các loại rác thải “quen thuộc” là áo quần, bao bì,…

Những thứ này đang dần giết chết vùng biển tại đó, và sẽ lan rộng hơn nếu chúng ta không dừng lại hành động vứt rác xuống biển. Theo thời gian, các loại rác thải sẽ làm suy giảm hệ sinh thái biển và nguồn tài nguyên dần trở nên cạn kiệt. Bên cạnh đó, những hạt vi nhựa từ các rác thải nhựa sẽ bị các sinh vật biển ăn vào nhưng không tiêu hóa được mà tích tụ trong cơ thể chúng. Chúng ta hồn nhiên ăn chúng kèm các hạt vi nhựa và “tích lũy” dần theo thời gian, mà không biết đó là một trong các nguyên nhân gây ung thư hay các căn bệnh nan y, quái ác…

3. Tôi dò hỏi một số nhóm, câu lạc bộ, tổ chức chuyên về dọn rác thải, biết rằng câu chuyện rác dưới biển đã được họ quan tâm hơn trong thời gian qua. Họ đồng thời kêu gọi dọn rác dưới biển, tăng cường truyền thông tác hại của rác thải biển đến hệ sinh thái biển, lợi ích của hệ sinh thái biển đến đời sống của chúng ta. “Cách tốt nhất nâng cao nhận thức của người dân về giảm thiểu rác thải, là cho họ thấy được lợi ích trước mắt của chính họ khi môi trường xung quanh họ được đảm bảo” – chị Tạ Thùy Trang – người sáng lập Saigon Compass chia sẻ trong một lần tham gia dọn và tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa.

Nhóm Saigon Compass, kể từ ngày thành lập, luôn đi theo hướng nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với sức khỏe, từ đó đưa ra những phương án thay thế để đảm bảo sức khỏe hơn và ít rác thải nhựa hơn. Ví dụ, thay vì dùng chai nước lọc có khá nhiều hạt vi nhựa, chúng ta có thể sử dụng các loại bình nhỏ từ 0,5 – 2 lít để mang đi mỗi khi ra ngoài; khi hết nước thì lấy thêm vào; dùng các loại ống hút thay thế ống hút nhựa,…

Nhóm bạn trẻ miền Trung dọn rác ven bãi biển.
Nhóm bạn trẻ miền Trung dọn rác ven bãi biển.

Và để ý kỹ, kể từ đầu năm, phong trào Trashpacker (Những người nhặt rác) đã “lan” từ Hà Lan tạo hiệu ứng mạnh mẽ theo dọc dài đất nước. Chị Giang Thị Kim Cúc – một trong những người tham gia Trashpacker Việt Nam, cho biết rác được dọn và phân loại để việc xử lý có hiệu quả tốt hơn. Và quan trọng hơn, những nơi sau khi dọn rác, có thể sẽ được trang hoàng, cải tạo thành nơi vui chơi, điểm công cộng,… Nhìn nhận vậy, để thấy câu chuyện dọn rác đang dần khác, rất khác, khi sự tuyên chiến với rác không chỉ là dọn rác mà cả hành vi xả rác; việc dọn rác không chỉ hình thức mà dần trở nên thực dụng hơn, đúng chỗ hơn, xa rời những khẩu hiệu hơn.

Và nếu, “phong trào” được hiểu nôm na là phát động và thực hiện cho lấy có, rồi sau đó rơi vào im lìm, thì những chuyển biến trong việc tuyên chiến với rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trong khoảng một năm qua, có thể khẳng định là đã thoát “mũ” phong trào.

Bài & ảnh: Xuân Thọ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục