Độc đáo tranh chất liệu lạ
Không phải là sơn dầu, sơn mài, những bức tranh bằng chất liệu mới lạ như vải, đất sét, đất đỏ cao nguyên… đã thổi một làn gió mới vào hội họa VN trong thời gian gần đây.
Những họa sĩ trẻ đã và đang cho thấy sự sáng tạo không giới hạn của con người trong lĩnh vực mỹ thuật.
Khi vải, đất sét lên tranh
Những mảnh vải vụn ngỡ như chẳng mang trong mình chút sức sống nào nếu không được bàn tay của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Huyền chắp, đan tết, xếp nếp để tạo thành một tác phẩm tranh nghệ thuật. Nguyễn Thu Huyền là cử nhân chuyên ngành thiết kế thời trang, Khoa Tạo dáng công nghiệp, Viện Đại học mở Hà Nội. Bên cạnh đó, cô còn tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật ứng dụng tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội vào năm 2014. Nữ họa sĩ này dấn thân vào việc sáng tác tranh bằng chất liệu vải vì muốn thử thách bản thân với kim, chỉ và chất liệu vải.
Nữ họa sĩ cho biết mình không phải là người đầu tiên chinh phục chất liệu này, nhưng sự khác biệt của cô chính là: “Hầu hết các họa sĩ trước đây đều chọn một loại vải (vải voan) cho các bức tranh. Nhưng tôi muốn thử thách chính mình khi lựa chọn, kết hợp nhiều chất liệu vải khác nhau trên mỗi tác phẩm như: vải bò, voan, lụa”. Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: “Trước đây, quan niệm tranh ghép vải là ghép những miếng vải vụn lên các hình với màu sắc, hoa văn, chất liệu sao cho hợp lý thì Huyền lại làm khác hẳn. Cô tạo hoa văn riêng trên từng khối hình mảng màu. Cô chắp vải, đan tết, xếp nếp thành một thứ hoa văn của riêng mình”. Mới đây, tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Huyền được trưng bày trong triển lãmTìm về ký ức của Câu lạc bộ Nữ tác giả vào ngày 8.3 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Trần Phương Chi, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, là một nữ họa sĩ trẻ cũng thử thách bản thân bằng chất liệu đất sét dù chưa từng học qua mỹ thuật. Cô cho biết để tạo ra những bức tranh hoa đất sét, ngoài sự tỉ mỉ, khéo léo và đầu tư thời gian, người sáng tạo phải nắm vững kiến thức về hội họa. “Tôi mua thêm các loại sách về mỹ thuật, kỹ thuật về hoa của các nghệ nhân thế giới để tự trau dồi và nâng cao. Nếu như hoa nặn bằng đất sét chỉ đơn điệu một màu thì tôi phải phối màu theo độ đậm nhạt khác nhau của hoa để phù hợp với từng bối cảnh trong tranh. Một vài đóa hoa trong tranh sẽ được vẽ thêm chi tiết bằng sơn dầu, màu acrylic, giúp bức tranh hoa đất sét có chiều sâu. Để có thể tạo ra một vườn hoa trong tranh giống như thật, không thể không nghiên cứu kỹ về hình dáng, màu sắc của bông hoa đó”, nữ họa sĩ Trần Phương Chi cho biết. Quả thật, để có thể tạo nên một bức tranh hoa đất sét sống động có tuổi thọ từ 8 – 10 năm là một thách thức không phải ai cũng có thể vượt qua. Tranh của nữ họa sĩ này từng tham gia triển lãm thường niên Nghệ thuật từ đôi tay do họa sĩ Hà Hùng Dũng tổ chức.
Sự sáng tạo vô hạn
Có lẽ nhắc đến tên họa sĩ Trung Nghĩa là người yêu mỹ thuật sẽ nghĩ ngay đến chất dẫn cháy, thuốc nổ, đất đỏ cao nguyên nơi anh sinh ra và lớn lên. Họa sĩ Trung Nghĩa tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật, Khoa Trang trí nội thất, Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2003. Anh tham gia hoạt động hội họa chuyên nghiệp từ năm 2011. Không những chọn đề tài gai góc là sáng tác tranh về thiên nhiên, núi rừng, đời sống hoang dã mà chất liệu của anh cũng hoàn toàn khác biệt. Họa sĩ này sáng tạo nên chất liệu màu vẽ bằng cách gây ra một vụ nổ trên bề mặt giấy, tạo nên một mảng màu. Sau đó anh mới điều chỉnh, vẽ lại thành tác phẩm mong muốn. Có lẽ vì vậy tranh của Trung Nghĩa luôn mang cái hồn mà không ai có thể sao chép được. Bằng sự khác biệt trong cách sáng tác và đề tài mới lạ mà năm 2018 vừa qua, họa sĩ Trung Nghĩa được chọn là đại sứ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) trong chiến dịch bảo tồn voi hoang dã Tây nguyên khi thực hiện triển lãm Ký ức tuổi thơ với 5 bức tranh về các loài động vật quý hiếm. Họa sĩ Trung Nghĩa cho biết: “Mua một tác phẩm trong số 5 tác phẩm của tôi thì đã đóng góp 50% cho quỹ bảo tồn voi hoang dã Tây nguyên. Đây là số tiền tôi tự nguyện đóng góp”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi khẳng định: “Dưới cái nhìn và óc sáng tạo vô hạn của các họa sĩ, không chỉ đơn thuần màu trên giấy hay vải mà tất cả chất liệu đều có thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Đối với tôi, đây là một điều tốt, giúp cái đẹp trở nên sinh động và kỹ năng sáng tác phong phú hơn. Thiên nhiên luôn ưu đãi con người bằng nhiều chất liệu huyền diệu, với muôn nghìn sắc độ. Họa sĩ nên biết tận dụng món quà quý báu này, làm ngà ngọc mà đưa lên tranh”.
Còn họa sĩ Bùi Văn Tuất – nổi tiếng với những tác phẩm tranh sơn dầu về trẻ em miền đất Tây Bắc, cho rằng: “Việc khám phá một chất liệu mới để thực hành hội họa là việc làm rất hay. Nó thể hiện quá trình luôn tìm tòi, khám phá và sáng tạo của họa sĩ Việt”.
Đào Minh
Theo Thanh niên