Độc đáo lễ hội Tả Tài Phán của người Hoa
Cứ 3 năm một lần, cộng đồng người Hoa miền Đông Nam bộ nói chung và khu vực Long Khánh, Đồng Nai nói riêng lại tổ chức một lễ hội độc đáo mang tên Tả Tài Phán. Năm nay, lễ hội diễn ra ở xã Bảo Bình, Long Khánh, Đồng Nai.
Tả Tài Phán là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa (dân tộc Hẹ) chuyên canh về nông nghiệp, sinh sống ở Đồng Nai, DakNong… Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày với nhiều nghi thức mang tính dung hợp từ nhiều tín ngưỡng. Năm nay, lễ hội kéo dài trong trong 1 tuần từ 14 /12 đến 20/12. Trong đó, những nghi thức của Đạo giáo chiếm vai trò chủ đạo do lực lượng các pháp sư chủ trì và hành lễ. Cho đến nay chưa thể dịch sát nghĩa qua tiếng Việt, hiểu nôm na là Lễ Đại Phan. Lễ hội này có tính chất cầu an và có nghi thức tấn phong (lên chức) của thầy cúng ở các bậc Tài Phán Xí.
Lễ hội có các nghi thức cúng cầu an, cầu siêu, có các tiết mục ca kịch diễn tuồng, hát bội, lễ trảm tế vật sống, hội đấu thánh đăng. Trong đó, ấn tượng là phần rước Ông thần từ nơi chính lễ lên ngự trên xe công nông, đi khắp nơi trong vùng, đến các ngôi chùa chung quanh để rước âm binh về với lễ hội cùng dự lễ. Đặc biệt nhất là nghi thức pháp sư leo thang dao và nghi thức đi qua dãy than hồng diễn ra trong đêm cuối cùng của lễ hội. Đây là nghi lễ thu hút đông người tham gia với tâm niệm hướng cầu điều phúc.
Lễ hội được tổ chức luân phiên trong vùng, thường là các bãi đất trống cạnh chùa, như lần này là bãi đất phía sau chùa làng Bảo Bình. Người ta dựng sạp, làm rạp, làm cổng trang hoàng màu sắc đẹp đẽ, tất cả đều làm chủ yếu từ giấy bồi, giấy thủ công, tre nứa, gỗ. Nhất thiết luôn có các cây tre và lồng đèn, cũng như dải lụa dài căng dọc theo lễ hội, trên đó viết những câu cầu nguyện bình an cho gia đình bằng tiếng Hoa. Mỗi gia đình thường sẽ có một dải lụa, một lá bùa dán lên thân tre và cứ trông vào đấy là biết có bao nhiêu gia đình đã đến cúng. Người ta cúng trái cây, gà, heo tùy vào khả năng kinh tế của mỗi gia chủ. Thời điểm cúng là lần lượt các ngày trong lễ hội chứ không nhất thiết cùng một lúc. Nên càng về cuối lễ, các cây nêu tre, dải lụa lại càng nhiều thêm. Gia đình nào ở xa, bận cách mấy cũng cố gắng thu xếp cử người đại diện về cúng lễ cho thật đàng hoàng nên Tả Tài Phán cũng là lúc bà con xa gần có dịp tề tựu về cùng nhau, thăm hỏi nhau sau nhiều năm không gặp.
Mời bạn đọc cùng ngắm một số hình ảnh từ lễ hội Tả Tài Phán:
Bài & ảnh: Lê Minh Hạ