Doanh nghiệp khởi nghiệp làm mới sản phẩm

Nghiên cứu, cải tiến chất lượng và bao bì sản phẩm; đưa sản phẩm mới ra thị trường; đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh; tặng quà, giảm giá bán để tri ân khách hàng… là cách nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp xứ Quảng nỗ lực vượt qua khó khăn sau đợt thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Tuấn Liên HoiAn Eco Discovery thử nghiệm sản phẩm du lịch mới trước khi chính thức đưa ra thị trường sau đợt thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: T.L

1. Dù chưa hoạt động trở lại nhưng những ngày nghỉ lễ vừa qua, khu du lịch sinh thái Tuấn Liên HoiAn Eco Discovery (tổ 2, thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) vẫn có nhiều du khách gọi điện đặt tour.

Anh Nguyễn Tuấn Liên – Giám đốc Tuấn Liên HoiAn Eco Discovery cho biết, do hầu hết khách nội địa đặt tour với số người nhiều hơn quy định (hơn 30 người) nên doanh nghiệp quyết định lùi thời gian mở cửa nhà hàng trở lại để đảm bảo thật sự an toàn cho khách hàng.

Nếu tình hình ổn định, dự kiến nửa tháng nữa, Tuấn Liên HoiAn Eco Discovery sẽ hoạt động trở lại với một số sản phẩm, chương trình, hoạt động hoàn toàn mới, vốn đã được thử nghiệm thành công như chương trình “Muốn ăn phải lăn vào bếp” trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay.

Chúng tôi “thu nhỏ” khu vực rừng dừa để làm hồ cho trẻ bắt cá, nhặt trứng…, và tổ chức cho trẻ nấu nướng tại chỗ với sản phẩm thu được, nhằm giúp trẻ em trải nghiệm thực tế, thư giãn trong thời gian tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Hy vọng mọi người sẽ có những giây phút trải nghiệm thú vị cùng nhau với sản phẩm hoàn toàn mới này” – anh Nguyễn Tuấn Liên nói.

Trước đó, Tuấn Liên HoiAn Eco Discovery đã thử nghiệm thành công chương trình team building “Đại chiến rừng dừa”, với nhiều nội dung hấp dẫn để du khách tìm hiểu về lịch sử khu di tích cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu và cũng là dịp gắn kết thành viên, nâng cao tinh thần đồng đội. Dự kiến đưa chương trình “Đại chiến rừng dừa” vào hoạt động từ đầu năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch nên tới đây sẽ tiếp tục được triển khai.

2. Không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 bởi sản phẩm chủ yếu của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Sosafco (trước đây là cơ sở sản xuất Sống Sạch, ở Tiên Phước) là dầu ăn, thuộc loại nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly toàn xã hội, song song với việc sản xuất, Sosafco lên kế hoạch tăng tốc, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển nhiều dòng sản phẩm mới.

Sản phẩm chủ lực của Sosafco trước dịch là dầu phụng, dầu ăn dặm cho trẻ em (dầu mè đen dinh dưỡng, dầu gấc). Tới đây, doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường thêm 2 sản phẩm mới, và vẫn trung thành với dòng sản phẩm dành cho trẻ em, là dầu óc chó và nước mắm cá cơm than.

Chị Nguyễn Thị Tố Nga –  Tổng Giám đốc Sosafco cho biết, 2 sản phẩm mới này công ty đều lựa chọn nguồn nguyên liệu kỹ càng, yếu tố sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu và được sản xuất theo công nghệ của công ty. Ví dụ như với sản phẩm nước mắm cá cơm than dành cho trẻ em, sẽ tăng độ đạm, giảm độ mặn.

Việc nâng tầm từ cơ sở sản xuất Sống Sạch thành Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Sosafco cũng được công ty xúc tiến thành lập trong thời gian nghỉ dịch.

Công ty  Sosafco vừa đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua sắm máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm mới. Trước lễ, chúng tôi cũng nhận được nhiều đơn gia công sản phẩm xuất khẩu với số lượng lớn nên dự kiến từ đây đến cuối năm, công ty sẽ đầu tư mở rộng nhà máy để tăng công suất. Và để tri ân khách hàng đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch, chúng tôi có những chương trình tặng quà và giảm giá bán, ship tận nơi cho khách hàng khi mua sản phẩm…” – chị Tố Nga nói.

3. Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, cơ sở bánh chưng bà Ba Hội (Tam Kỳ) đã biến khó khăn thành cơ hội bằng việc tận dụng thời gian để nghiên cứu cải tiến mẫu mã bao bì, đưa sản phẩm mới ra thị trường. Sau Tết Nguyên đán 2020, khi quay trở lại sản xuất, cơ sở gặp khó khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đã “bão hòa” vào dịp tết, khi chưa hết tháng Giêng thì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dự đoán trước tình hình sẽ khó khăn kéo dài nên chúng tôi đã nghiên cứu, thử nghiệm và giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới, được chế biến từ nếp cẩm. Sản phẩm ngay lập tức được thị trường tiếp nhận, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Sản lượng không ngừng tăng lên. Khi cách ly toàn xã hội, gần 80% sản phẩm của cơ sở không thể tiêu thụ. Để tiếp tục duy trì sản xuất, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đoàn thể trên địa bàn đặt vấn đề đưa bánh chưng vào các khu cách ly, các chốt điểm và hỗ trợ các gia đình khó khăn để vừa hỗ trợ công tác chống dịch hiệu quả, vừa không để công nhân mất việc, đồng thời giới thiệu được sản phẩm đến với nhiều người hơn. Với tinh thần chung tay chống dịch cùng cộng đồng, cơ sở đã giảm giá tất cả sản phẩm từ 20 – 25%. “Nhờ cách làm này, chúng tôi vẫn duy trì được sản xuất dù lợi nhuận rất thấp, thậm chí là không có lợi nhuận” – chị Huỳnh Thị Thu Thủy, con gái bà Ba Hội nói.

Đến thời điểm này, khi đã hết cách ly, cơ sở bánh chưng bà Ba Hội đã từng bước hoạt động ổn định. Chị Thu Thủy cho biết, thực tế sau đợt thực hiện giãn cách xã hội này, đã có nhiều người biết đến sản phẩm bánh chưng bà Ba Hội hơn. Tuy nhiên, để có phương án ứng phó trong những tình huống tương tự, thời gian đến, cơ sở tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án sản xuất khác nhau, đặc biệt sẽ sớm triển khai xây dựng chuỗi cung ứng để có thể sản xuất và cung ứng tại chỗ cho thị trường, kể cả trong điều kiện bị cách ly.

Châu Nữ

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/khoi-nghiep/doanh-nghiep-khoi-nghiep-lam-moi-san-pham-87576.html

Cùng chuyên mục